Đảo ngọc Phú Quốc (Kiên Giang) trong những ngày Thu Cách mạng
Mặc dù ở nơi hải đảo xa xôi, giao thông cách trở, hệ thống liên lạc hầu như không có một phương tiện nào, nhưng những ngày Thu Cách mạng Tháng Tám cách nay 79 năm trên đảo Phú Quốc vẫn được quần chúng nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ, nhất tề vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền trọn vẹn về tay nhân dân.
Ở thời điểm năm 1945, đảo Phú Quốc ngày nay là một quận của tỉnh Hà Tiên, bấy giờ tổ chức Đảng cao nhất của tỉnh Hà Tiên là Quận ủy Châu Thành, tuy nhiên ở Phú Quốc thì chưa có chi bộ.
Từ khoảng tháng 6, tháng 7 năm 1945, với tinh thần yêu nước của giới trẻ, nhiều học sinh, thanh niên quận Phú Quốc, tỉnh Hà Tiên có tinh thần giác ngộ cách mạng, nắm bắt thông tin từ Rạch Giá, Hà Tiên rồi trở về đất đảo tổ chức lực lượng Thanh niên Tiền phong, xây dựng lực lượng quần chúng để kịp thời tổ chức khởi nghĩa giành chính quyền vào ngày 28/8/1945.
Cách đây hơn 10 năm, trong dịp kỷ niệm 67 năm ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, ông Phan Hữu Hùng, cán bộ nghiên cứu lịch sử Đảng huyện Phú Quốc giới thiệu cho tôi gặp bà Trần Thị Bông, quê gốc đảo Phú Quốc, cô Bông từng là Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phú Quốc trong những năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Cô Tư Bông dẫn tôi đến Nhà Văn hóa huyện Phú Quốc đối diện trụ sở UBND Thành phố Phú Quốc ngày nay.
Trong ký ức của mình, cô Tư Bông nhớ lại: “Lúc đó, cô mới 14 tuổi, chưa tham gia cách mạng, nhưng cô vẫn nhận biết đôi chút về khí thế sôi sục của người dân trên đảo trong những ngày tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945 tại quê nhà là quận Phú Quốc thuộc tỉnh Hà Tiên”.
Cô Tư Bông chỉ tay về phía một gốc cây xanh (người dân ở đây gọi là cây sộp) và những trụ đá to vẫn còn đứng sừng sững hiên ngang trước sân Nhà Văn hóa huyện đảo Phú Quốc và nói: “Chỗ gốc cây này là nơi mà bà con trên đảo tập trung rất đông với băng rôn, cờ, khẩu hiệu, vũ khí thô sơ, sẵn sàng tiến vào dinh quận trưởng Phú Quốc. Cô cũng theo người thân tham gia trong đoàn người này”.
Hiện nay, những trụ đá và gốc cây xanh có sức sống mãnh liệt này vẫn còn hiện diện trước sân Nhà Văn hóa Thành phố Phú Quốc. Đây chính là dấu tích mùa Thu cách mạng trên đảo Phú Quốc - nơi mà cách đây 79 năm, lực lượng Thanh niên Tiền phong, các tổ chức quần chúng cứu quốc và hàng hàng quần chúng nhân dân từ Hàm Ninh, Bãi Bổn, Ông Lang, Dương Tơ, Bàng Quỳ kéo về vị trí gốc cây này với khí thế sôi sục, căm hờn, tiến vào dinh quận trưởng đòi quyền sống, quyền tự do, hạnh phúc, chấm dứt cảnh đời nô lệ, lầm than suốt 80 năm trời mất nước.
Trước sự áp đảo của quần chúng nhân dân, tên quận trưởng trên đảo Phú Quốc phải đầu hàng vô điều kiện, kể từ lúc này (28/8/1945), chính quyền thật sự về tay nhân dân trên đảo.
Nêu cao tinh thần Cách mạng Tháng Tám bất diệt, sau cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thành công, nhân dân Phú Quốc cùng cả nước kiên cường bám trụ xây dựng đảo quê hương và viết tiếp truyền thống của dân tộc Việt Nam anh hùng, chịu đựng hy sinh, gian khổ suốt 30 năm trường kỳ đánh Pháp, đuổi Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn vào mùa Xuân lịch sử năm 1975.
Không quên những gì mà bậc tiền nhân trên đảo đã giành được trong các cuộc trường chinh của dân tộc, ngày nay Phú Quốc đang “thay da”, “đổi thịt” từng ngày.
Đảng và Nhà nước quan tâm, xây dựng tại đất đảo xa xôi này một trung tâm du lịch sinh thái chất lượng cao mang tầm khu vực và quốc tế theo Quyết định 178/2004/TTg, ngày 5/10/2004 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Phát triển đảo Phú Quốc đến năm 2010, tầm nhìn 2020.
Chính từ chủ trương hợp lòng dân này là điều kiện để Phú Quốc phát triển nhanh chóng, đời sống nhân dân từng bước được nâng cao. Đó chính là hành động thiết thực, đền đáp công ơn của người dân trên đảo và nhân dân các địa phương trong cả nước anh dũng hy sinh trong các cuộc chiến tranh giữ nước, giữ đảo vì Phú Quốc thân yêu.
Thực hiện chủ trương này, đến năm 2023, vốn doanh nghiệp đăng ký đầu tư trên đảo Phú Quốc tăng 383 lần so với năm 2004.
Cũng năm 2023, Tạp chí Travel + Leisure gọi Phú Quốc là "ngôi sao mới" và xếp hòn đảo này ở vị trí thứ ba trong danh sách 23 điểm đến tốt nhất năm 2023.
Ở thời điểm này, Phú Quốc thu ngân sách tăng từ 38,59 tỷ đồng năm 2004 lên 7.812 tỷ đồng năm 2023. Sau 20 năm thực hiện Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, khách du lịch trong nước và Quốc tế tăng 42,7 lần so với năm 2004.