Đảo ngọc bao giờ thoát ngập?

Tại TP Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), tình trạng ngập lụt sau mưa ngày càng nghiêm trọng: vùng ngập rộng, nước ngập cao nhưng rút chậm. Thực tế này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt, hoạt động sản xuất, kinh doanh của gần 150.000 người dân trên đảo.

Một khu dân cư ở TP Phú Quốc bị ngập nặng trong cơn mưa ngày 19-9

Một khu dân cư ở TP Phú Quốc bị ngập nặng trong cơn mưa ngày 19-9

Vào ngày 17 và 18-9, Phú Quốc có mưa với lượng mưa 40-50mm. Theo Đài khí tượng thủy văn Kiên Giang, lượng mưa đợt này không lớn so với nhiều trận mưa trước đây, tuy nhiên nhiều nơi ở Phú Quốc bị ngập. Theo ghi nhận của phóng viên, tại các xã Hàm Ninh, Dương Tơ và phường An Thới, có nơi ngập sâu 0,6m. Một số tuyến đường thuộc ấp Dương Tơ (khu vực gần Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc) nước ngập sâu đến 1,3m. Việc đi lại, giao thương của người dân rất khó khăn; nhiều cửa hàng, quán ăn phải đóng cửa; một số nhà dân, nước tràn vào nhà làm hư hỏng vật dụng, tài sản.

“Trước đây, mưa lớn cỡ nào nước cũng chỉ ngập mặt đường, hết mưa nước rút ngay. 2 năm nay, cứ mưa là ngập. Mưa nhỏ thì ngập đường; mưa lớn nước ngập cả vườn, tràn luôn vào nhà làm hư hỏng đồ đạc. Có khi, nước ngập cả ngày vẫn chưa rút hết”, ông Ngô Văn Sáu (ấp Bến Tràm, xã Cửa Dương) nói. Còn chị Nguyễn Thị Mai, nhà ở phường Dương Đông, cho hay, khu vực này có rạch Ông Trì, trước đây khi mưa lớn, nước từ trên núi chảy xuống theo rạch thoát ra biển. “Nhiều năm qua, một số đoạn của con rạch này bị người dân lấn chiếm, san lấp. Đợt mưa gần đây nhất (ngày 18-9), rạch không thoát kịp, nước tràn lên đường, chảy cuồn cuộn như thác, bà con không kịp trở tay khiến rất nhiều hàng hóa, tài sản bị hư hỏng”, chị Mai than thở.

Về nguyên nhân khiến đảo ngọc Phú Quốc ngày càng ngập nặng, một số chuyên gia của Viện Biến đổi khí hậu và Đài khí tượng thủy văn Nam bộ có chung nhận định: Bên cạnh yếu tố địa lý, thời tiết (Phú Quốc là nơi đón gió mùa Tây Nam đầu tiên, thường xuyên có mưa và mưa lớn), thì quá trình đô thị hóa ở đây diễn ra quá nhanh, nhưng hạ tầng thoát nước không theo kịp. Bên cạnh đó, rừng Phú Quốc ngày càng bị thu hẹp, nhiều diện tích rừng bị lấn chiếm, phá hủy, “cạo trọc” khiến đất rừng không có khả năng giữ được nước như trước. Nhiều rạch, suối trên đảo bị san lấp làm ảnh hưởng dòng chảy. Vì thế, khi có mưa lớn, nước đổ dồn xuống vùng trũng rất nhanh, gây ngập cục bộ, rất nguy hiểm.

Ông Trần Minh Khoa, Chủ tịch UBND TP Phú Quốc, cho biết, trong đợt mưa lớn, ngập nặng vừa rồi, ông đã trực tiếp xuống các khu vực bị ngập để thị sát, tìm hiểu nguyên nhân. Bên cạnh các giải pháp trước mắt như yêu cầu lực lượng chức năng tổ chức nạo vét khơi thông cống, góp phần tiêu thoát nước tốt hơn, hiện nay UBND TP Phú Quốc cũng rà soát, đánh giá lại toàn bộ khả năng hoạt động của hệ thống thoát nước và các yếu tố liên quan khác để có giải pháp phù hợp trong thời gian tới. Trước đó, tại kỳ họp thứ 24 HĐND tỉnh Kiên Giang diễn ra vào tháng 7-2024, ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo rà soát lại hệ thống thoát nước ở TP Phú Quốc để kịp thời duy tu, khắc phục hư hỏng, đầu tư mới phù hợp.

THÀNH NHƠN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dao-ngoc-bao-gio-thoat-ngap-post761096.html
Zalo