'Đào Minh Tri - 50 năm hội họa', hành trình nghệ thuật vượt thời gian

Ngày 19/12, tại Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam đã diễn ra lễ ra mắt sách 'Đào Minh Tri - 50 năm hội họa', thu hút sự tham gia của đông đảo giới chuyên môn và công chúng yêu nghệ thuật.

Quang cảnh buổi lễ ra mắt sách "Đào Minh Tri - 50 năm hội họa".

Quang cảnh buổi lễ ra mắt sách "Đào Minh Tri - 50 năm hội họa".

Tác phẩm ghi dấu mốc quan trọng trong hành trình 50 năm cống hiến và sáng tạo không ngừng của họa sĩ Đào Minh Tri - tên tuổi tài năng với những tác phẩm ấn tượng. Ông còn là một người thầy, một nhà nghiên cứu và nhà sưu tập uy tín trong cộng đồng nghệ thuật.

Cuốn sách "Đào Minh Tri - 50 năm hội họa" (Nhà xuất bản Mỹ thuật) có dung lượng 320 trang, khổ 24,5cm x 30cm, song ngữ Việt-Anh.

Giới chuyên môn đánh giá, tác phẩm là một bức tranh tổng hợp về cuộc đời và sự nghiệp của họa sĩ Đào Minh Tri.

Cuốn sách "Đào Minh Tri - 50 năm hội họa" có nội dung và hình thức rất công phu.

Cuốn sách "Đào Minh Tri - 50 năm hội họa" có nội dung và hình thức rất công phu.

Tác phẩm tập hợp các bài viết công phu từ nhiều tác giả, như: Các họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp; Nguyễn Thanh Bình, Ca Lê Thắng, Lương Xuân Đoàn, Lý Trực Sơn, Đào Châu Hải, Phan Thiết; nhà báo Nguyễn Trọng Chức; nhà sưu tập Hoàng Nguyên Vũ; nhà nghiên cứu mỹ thuật: Linh Lê; Vũ Huy Thông... nhằm phác thảo một hành trình nghệ thuật, khẳng định đóng góp của họa sĩ Đào Minh Tri trong nền mỹ thuật.

Họa sĩ Đào Minh Tri sinh năm 1949 tại Thái Nguyên, bắt đầu con đường hội họa dưới sự hướng dẫn của nhà điêu khắc Diệp Minh Châu. Với nửa thế kỷ gắn bó với nghệ thuật, Đào Minh Tri không chỉ nổi bật với các tác phẩm sơn mài mà còn gây ấn tượng với các thể nghiệm hội họa độc đáo.

Lời tự bạch của họa sĩ Đào Minh Tri trong cuốn sách nhấn mạnh: "Trong tranh phải có tư tưởng. Người nghệ sĩ sáng tạo thông qua lao động hằng ngày, vẽ lại những suy nghĩ đang sống cùng với mình, sẽ tìm thấy bản sắc của mình. Nhưng không phải minh họa thô thiển tư tưởng đó, mà bộc lộ nhân sinh quan, thế giới quan thông qua ngôn ngữ tạo hình của riêng mình". Đó không chỉ là chia sẻ về quá trình lao động nghề nghiệp mà còn là một tuyên ngôn về sự sáng tạo độc lập, tự do và sâu sắc trong nghệ thuật.

Tác phẩm "Mẹ cá" (Sơn mài trên vóc) của họa sĩ Đào Minh Tri.

Tác phẩm "Mẹ cá" (Sơn mài trên vóc) của họa sĩ Đào Minh Tri.

Cuốn sách cũng đưa người đọc đi qua những giai đoạn quan trọng trong sự nghiệp của ông, từ những năm tháng học mỹ thuật trong nước tới những năm tu nghiệp tại Pháp, cho đến những lần tham gia các trại sáng tác quốc tế như tại Liên Xô, Paris (Pháp) và New York (Mỹ).

Đào Minh Tri như một loại cây gai bẩm sinh tự xòe nhọn, tự xoay mở để phá vỡ không gian kinh viện khi kín đáo gây sốc thị giác trong hình sắc như bùa chú của bức họa. Ông mạnh mẽ và dễ gần với hội họa hiện thực, nhưng liền đó cũng sớm bỏ lại nó để bước nhanh qua siêu thực và trừu tượng.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam

Những bài viết sâu sắc của các tác giả - những người đã có dịp quan sát và làm việc với Đào Minh Tri mang đến cho công chúng những góc nhìn thú vị. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Linh Lê chia sẻ về cách họa sĩ tiếp cận sơn mài truyền thống, biến nó thành "ý tưởng mới với kỹ thuật truyền thống", thể hiện rõ nhất qua loạt tác phẩm về cá của ông.

Cá không chỉ là một hình tượng trong nghệ thuật của Đào Minh Tri, mà còn mang trong mình những ẩn dụ sâu sắc về thân phận con người. Nhà báo Nguyễn Trọng Chức thì khẳng định rằng trong "vũ trụ cá" của Đào Minh Tri, hình tượng cá mang thân phận con người, phản ánh những khổ ải và trầm luân của kiếp người.

Họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp trong bài viết của mình đã nhấn mạnh, Đào Minh Tri là một trong những người đầu tiên trong giới mỹ thuật Việt Nam đặt nền móng cho một nghệ thuật thuần khiết, hướng đến tự do cá nhân, và thoát khỏi những khuôn mẫu cứng nhắc.

Cuốn sách "Đào Minh Tri - 50 năm hội họa" đánh dấu hành trình suy tư, cảm nhận sâu sắc của những tâm hồn nhạy cảm. Họa sĩ Ca Lê Thắng đã mô tả những bức tranh của Đào Minh Tri như những "nhật ký sống động", thể hiện sự mạnh mẽ và chiều sâu của nghề, một vỉa quặng vô tận chỉ mới được khai thác một phần nhỏ.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn cũng nhận định Đào Minh Tri đã "phá vỡ không gian kinh viện" để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật mang đậm dấu ấn cá nhân và phong cách riêng biệt.

Họa sĩ Đào Minh Tri (trái) và họa sĩ Lương Xuân Đoàn.

Họa sĩ Đào Minh Tri (trái) và họa sĩ Lương Xuân Đoàn.

Qua tác phẩm, người đọc có thể cảm nhận được sự kiên trì, tâm huyết của họa sĩ Đào Minh Tri trong hành trình tìm kiếm ngôn ngữ hội họa riêng. Dù gặp phải những thử thách lớn, ông vẫn tiếp tục sáng tạo, cho ra đời những tác phẩm để đời. Cũng như những lời chia sẻ từ nhà sưu tập Hoàng Nguyên Vũ, cuốn sách như "một tiếng nói tạo hình" mạnh mẽ, đầy tính nhân bản, tự do và tình yêu thương.

Tác phẩm "Người - Cá 9".

Tác phẩm "Người - Cá 9".

Bên cạnh dấu ấn cá nhân về một họa sĩ, đây còn là một tác phẩm ghi lại một phần lịch sử nghệ thuật Việt Nam, một hành trình vượt thời gian, với những khám phá không ngừng của một tài năng nghệ thuật.

Giới chuyên môn đánh giá, tác phẩm thực sự là món quà vô giá đối với những ai yêu thích nghệ thuật và muốn tìm hiểu sâu về quá trình sáng tạo của một trong những họa sĩ giàu lòng đam mê, nhiệt huyết.

MAI LỮ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dao-minh-tri-50-nam-hoi-hoa-hanh-trinh-nghe-thuat-vuot-thoi-gian-post851345.html
Zalo