Đảo Jeju dùng KOL Indonesia cứu vãn ngành du lịch
Chính quyền đảo Jeju bổ nhiệm Anang Hermansyah (cựu thành viên Hạ viện kiêm nghệ sĩ tại Indonesia) làm đại sứ du lịch nhằm thu hút khách đến địa phương.
Được mệnh danh là viên ngọc quý của Hàn Quốc, hào quang du lịch đảo Jeju hiện lao dốc đáng báo động. Theo chính quyền tỉnh Jeju, khoảng 227 điểm kinh doanh lưu trú như khách sạn, nhà nghỉ quy mô nhỏ đã ngưng hoạt động 5 tháng đầu năm, trong đó, 21 cơ sở đóng cửa tạm thời.
Lý do đến từ sự chuyển hướng du lịch của cư dân trong nước khi người dân có xu hướng xuất ngoại nhiều hơn. Bên cạnh đó, vụ tranh cãi miếng thịt ba rọi "98% mỡ" từ một nhà hàng tại phố thịt lợn đen Geonip-dong đẩy du khách ra xa hòn đảo hơn, xét về khía cạnh ẩm thực, theo SCMP.
Trước tình trạng ế ẩm nhiều tháng, chính quyền địa phương tỉnh Jeju nỗ lực kéo khách quay trở lại với động thái bổ nhiệm Anang Hermansyah (người có sức ảnh hưởng tại Indonesia, tờ nhật báo Hong Kong nhận định) làm đại sứ du lịch đảo Jeju hồi tháng 6.
"Với khoảng 6 triệu người theo dõi trên mạng xã hội, nghệ sĩ giải trí này được giao nhiệm vụ thu hút khách du lịch từ Đông Nam Á đến đảo", Thống đốc đảo Jeju, Oh Young-hun, tự hào tiết lộ về tiềm năm hồi sinh ngành du lịch của tỉnh trong một bài viết trên Instagram.
Anang lần đầu tiên tạo dựng tên tuổi với tư cách là một nhạc sĩ trước khi được bầu vào Hạ viện Indonesia vào năm 2014 với nhiệm kỳ 5 năm.
Hiện, các nhà chức trách tại Jeju kỳ vọng Anang sẽ lan tỏa hình ảnh đảo, những khu chợ truyền thống nổi tiếng thông qua trang cá nhân với triệu lượt theo dõi.
Bộ trưởng Du lịch Indonesia - Sandiaga Uno - xem vai trò Đại sứ đảo Jeju của nghệ sĩ Anang là cơ hội gián tiếp để quảng bá hình ảnh đất nước. Ông nhấn mạnh: "Sự hợp tác này là một chiến lược khôn ngoan và có thể mang lại lợi ích cho cả Hàn Quốc và Indonesia trong bối cảnh du lịch đang phát triển".
Năm 2023, lượng khách nội địa thăm thú đảo Jeju giảm 8,3%, từ mức 13,8 triệu lượt khách vào năm 2022. 2024, con số này chỉ còn 12,66 triệu. Trong khi đó, du khách quốc tế đến đảo đã tăng từ 90.000 lên 710.000 trong cùng thời kỳ. Xu hướng này cho thấy sự thay đổi lớn trong thói quen du lịch của người dân Hàn Quốc, theo Hiệp hội Du lịch Jeju.
Lý giải về sự chuyển dịch này, ông Jaemun Byun, Phó Giáo sư khoa Đại học Sejong, cho rằng chi phí cho chuyến du lịch nội địa Hàn Quốc đang quá cao, nếu so với tuyến tham quan từ xử sở kim chi đến các quốc gia Đông Nam Á khác.
Chính quyền tỉnh Jeju cho biết cơ quan cũng đang xem xét lại giá cả từ hoạt động du lịch để cạnh tranh với sự hấp dẫn của điểm đến quốc tế khác.