Đạo đức kinh doanh và lỗ hổng quản lý

Đường dây sản xuất, tiêu thụ sữa bột giả với 573 nhãn hiệu nhắm vào nhóm người dễ bị tổn thương: trẻ em, thai phụ, người già… đang làm xôn xao dư luận. Ngoài vấn đề đạo đức kinh doanh, sự việc còn cho thấy lỗ hổng đáng báo động trong cấp phép và quản lý thị trường.

7 trong số 8 bị can trong đường dây đó đã bị cơ quan công an bắt giữ về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm; vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng". Cơ quan điều tra xác định, doanh thu từ việc bán các hộp sữa trên trong gần 4 năm qua là gần 500 tỷ đồng; thu giữ 84 loại sản phẩm sữa bột khác nhau với số lượng 26.740 lon/90 lô sản xuất. Từ năm 2021 đến nay, 2 công ty trên còn để ngoài sổ sách kế toán kê khai nộp thuế doanh thu thực tế, gây thiệt hại ngân sách Nhà nước hơn 28 tỷ đồng…

Với việc kinh doanh bất chấp tất cả, người sản xuất kinh doanh đã lợi dụng lỗ hổng quản lý để đưa ra thị trường sản phẩm sữa bột không đạt tiêu chuẩn, cũng không như lời quảng cáo. Đáng nói là đối tượng khách hàng mà họ hướng tới lại là nhóm người yếu thế trong xã hội. Nếu gọi là một “tội ác” thì có lẽ hơi quá, song rõ ràng vụ việc lại gióng lên hồi chuông cấp báo cho vấn đề đạo đức kinh doanh.

Vừa mới đây, vụ kẹo Kera giả còn chưa ngớt bàn tán trong dư luận, thì lại tiếp đến vụ sữa giả này. Kẹo Kera thì “năm hai rõ mười” dùng những người có sức ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội tiếp tay cho việc quảng bá sản phẩm giả để đánh lừa người tiêu dùng. Vụ sữa giả này cũng tương tự, nên chuyên gia pháp lý nhìn nhận, cả hai vụ là cách thức “hợp pháp hóa” sản phẩm giả thông qua cơ chế “tự công bố sản phẩm”. Bởi hầu hết các thực phẩm chức năng, bao gồm cả sữa bột (trừ sản phẩm dành cho trẻ dưới 36 tháng tuổi), đều được phép tự công bố và đưa ra thị trường mà không cần kiểm định chất lượng từ cơ quan chức năng trước khi lưu hành. Chính cơ chế tự công bố vốn được thiết kế nhằm giảm thủ tục hành chính và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, lại đang bị lợi dụng như một "tấm vé thông hành" để đưa sản phẩm giả, kém chất lượng đến tay người tiêu dùng. Một “hệ sinh thái” hàng giả tồn tại, phát triển trong hơn 3 năm, thu về hàng trăm tỷ đồng không thể chỉ là hành vi phạm pháp của các đối tượng sản xuất, mà còn là hệ quả của sự buông lỏng quản lý, lỗ hổng trong hậu kiểm và sự bị động của các cơ quan liên ngành.

Thực phẩm chức năng giả đang tung hoành trên thị trường, hơn lúc nào hết cần nhanh chóng bịt kín lỗ hổng pháp lý hiện tại; đồng thời, nâng cao hiệu quả giám sát để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng chủ động, sử dụng công nghệ số và dữ liệu lớn để phân tích và nhận diện sớm dấu hiệu bất thường trong hoạt động kinh doanh. Việc này cần sự phối hợp giữa các lực lượng liên ngành để phát hiện và xử lý vi phạm hiệu quả. Với DN sở hữu thương hiệu cũng không thể phó mặc toàn bộ cho cơ quan chức năng mà phải chủ động phối hợp giám định, xác minh dấu hiệu hàng giả, gửi cảnh báo khi phát hiện bất thường, không chỉ để bảo vệ người tiêu dùng mà còn là cách tự bảo vệ DN chân chính… Làm được như vậy thì “hệ sinh thái hàng giả” sẽ không còn đất dung thân.

Đạt Lê

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dao-duc-kinh-doanh-va-lo-hong-quan-ly.672592.html
Zalo