Đạo diễn Ngô Quang Thịnh: Tạo dấu ấn với phim tài liệu

Xuất thân là một phóng viên mảng thể thao nhưng cơ duyên bất ngờ đưa Ngô Quang Thịnh bén duyên với phim tài liệu. Sau hơn 6 năm, gia tài của anh đã có những tác phẩm gây dấu ấn bởi sự dấn thân, tìm tòi và không ngừng sáng tạo.

Ngay trước thềm Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Hãng phim Đài truyền hình TPHCM (TFS) cho ra mắt 2 tập phim Hồ Chí Minh - Con đường phía trước: Khải hoàn ca giữa lòng Paris. Đây là lần thứ 2, chàng trai trẻ sinh năm 1997 được tin tưởng giao đảm nhận vai trò kép, biên kịch kiêm đạo diễn những thước phim tài liệu mang đậm dấu ấn lịch sử.

 Đạo diễn Ngô Quang Thịnh trong thời gian tại Nga thực hiện phần 1 bộ phim tài liệu Hồ Chí Minh - Con đường phía trước

Đạo diễn Ngô Quang Thịnh trong thời gian tại Nga thực hiện phần 1 bộ phim tài liệu Hồ Chí Minh - Con đường phía trước

Ngô Quang Thịnh thừa nhận, làm phim tài liệu về Bác Hồ có muôn vàn áp lực. “Những câu chuyện về Bác đã được khai thác rất nhiều. Mình làm sau cần tiếp cận với góc nhìn gần gũi, hiện đại hơn để người xem tiếp nhận một cách nhẹ nhàng và tự cảm nhận điều hay, cái đẹp về những câu chuyện của Bác”. Phim Hồ Chí Minh - Con đường phía trước: Khải hoàn ca giữa lòng Paris được Thịnh và ê kíp tiếp cận theo góc độ ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh để khán giả có một cái nhìn chân thật nhất về nghệ thuật “Đắc nhân tâm” của Bác. Với cá nhân chàng đạo diễn trẻ và các thành viên trong ê kíp, niềm vui đã vỡ òa bởi trong ngày ra mắt phim được đánh giá cao. Có không ít giọt nước mắt đã rơi vì xúc động.

Ngô Quang Thịnh nói phim tài liệu chọn mình, bởi trước đó, chàng phóng viên thể thao chưa bao giờ nghĩ mình sẽ chọn theo đuổi thể loại này. Đầu năm 2019, anh đầu quân về TFS. Bộ phim tài liệu đầu tay anh thực hiện là Thành trì cuối cùng, gồm 4 tập, không lời bình, về công cuộc chống dịch Covid-19.

“Khi lần đầu tiên đến với phim tài liệu, tôi thật sự có rất nhiều bỡ ngỡ. Nhiều người nói ở độ tuổi của tôi đến với phim tài liệu hơi sớm bởi thể loại này cần sự chín chắn, dày dạn hơn”, Ngô Quang Thịnh nhớ lại. Nhưng sau lần bén duyên ấy, cộng với sự học hỏi từ những đàn anh đi trước, anh dần cảm nhận “phim tài liệu có những cái thú vị, cái hay của nó và mang đến cho mình nguồn sáng tạo không ngừng”. Sau đó, lần lượt các phim: Chuyện từ đảo xa, Cuộc đời mới và 2 phần phim Hồ Chí Minh - Con đường phía trước ra đời. 6 năm với 5 bộ phim tài liệu là cả gia tài đáng khích lệ.

Khi được hỏi về sự được - mất khi làm phim tài liệu, Thịnh cho rằng bản thân đã trưởng thành hơn. “Tôi học được cách nhìn mọi thứ chậm rãi hơn. Đặc biệt, với dòng phim lịch sử tôi học được cách yêu quê hương, Tổ quốc và tự hào về lịch sử dân tộc nhiều hơn. Nếu nói về mất, có lẽ là mất... nhan sắc”, anh hóm hỉnh.

Hành trình theo nghề dù chưa phải quá dài nhưng cũng giúp Thịnh thay đổi trong cách nhìn, cách nghĩ và cả cách tiếp cận với phim tài liệu. Thịnh cho biết, ban đầu anh tiếp cận phim tài liệu với tư cách một người trẻ khá háo thắng, tham lam trong việc thể hiện các chi tiết. Tuy nhiên, theo thời gian, anh chọn đi chậm hơn, sâu lắng hơn để khán giả có thể cảm nhận rõ hơn. “Với tôi, mỗi bộ phim tài liệu là một câu chuyện cho mình hiểu thêm về cuộc sống, sống chậm lại, tĩnh lại để thực hiện nó”, anh bày tỏ quan điểm.

HẢI DUY

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dao-dien-ngo-quang-thinh-tao-dau-an-voi-phim-tai-lieu-post781094.html
Zalo