Đạo diễn Dương Diệu Linh: Tôi làm phim vì thôi thúc được cống hiến

Dành 10 năm theo đuổi để có một tác phẩm độc lập đầu tay, 'Mưa trên cánh bướm' của Dương Diệu Linh đã có một hành trình chu du khắp thế giới trước khi trở về ra mắt khán giả quê nhà. Đó là hành trình dấn thân của một nữ đạo diễn trẻ, dám đi con đường chông gai và thử thách với điện ảnh.

Đạo diễn Dương Diệu Linh và ê-kíp làm phim.

Đạo diễn Dương Diệu Linh và ê-kíp làm phim.

- 10 năm trước chị sống và học tập ở Singapore, điều gì thôi thúc chị trở về Việt Nam và làm phim?

+ 10 năm trước, tôi học tập và làm việc tại Singapore. Chẳng hiểu sao tôi cứ bị thôi thúc một việc: Phải về Việt Nam để làm một bộ phim về đời sống, con người, văn hóa Việt Nam. Tôi về nước, bắt tay làm một bộ phim ngắn về gia đình có 2 mẹ con có những bí mật riêng, có cách xử sự riêng của họ. Người này cứ ngỡ người kia không biết bí mật của mình, nhưng thực ra không phải, từ đó xảy đến những điều rất trớ trêu. Tuy nhiên, làm xong tôi thấy thời lượng chỉ 13 phút là chưa đủ, vì tôi muốn kể rất nhiều về những sang chấn khác nhau của những người phụ nữ ở 2 thế hệ. Rồi, cách mà 2 thế hệ đối diện với cùng một vấn đề sẽ ra sao? Họ thoát ra mớ bòng bong của mình như thế nào?

Tôi tạm gác lại bộ phim ở đó, tiếp tục làm thêm những bộ phim ngắn khác về những người phụ nữ trung niên và đều có cùng chủ đề: Cách họ vượt qua những vấn đề khó khăn trong cuộc sống như thế nào? Hoặc, vì sao lúc nào họ cũng than phiền và bất mãn trong cuộc sống? Tôi làm chuỗi phim về những người phụ nữ trung niên, như một sự tìm tòi, đặt câu hỏi sao thế hệ phụ nữ trung niên khổ và nhiều bất ẩn như vậy, quay phim để đi tìm câu trả lời. Từ 3 phim ngắn “Ầu ơ” năm 2014 đến “Người lớn không nói xin lỗi” và “Mẹ và con gái”. Đến năm 2019, tôi sử dụng những chất liệu đã gom góp trong 5 năm trước đó để làm “Mưa trên cánh bướm".

- “Mưa trên cánh bướm" là câu chuyện của gia đình, với vỏn vẹn chỉ bấy nhiêu nhân vật nhưng đã khắc họa được câu chuyện gia đình, những đổ vỡ, rạn nứt đầy day dứt. Đề tài gia đình khá được quan tâm ở Việt Nam, có phải vì thế mà chị lựa chọn?

+ Mỗi đạo diễn, trong từng giai đoạn của cuộc sống đều theo đuổi một chủ đề khác nhau, có người sáng tạo ra một thế giới mới, có người sáng tạo trên câu chuyện của chính mình. Tôi thấy hoàn toàn thoải mái khi sử dụng những chất liệu mình đã trải qua. Tôi là con gái và sinh ra trong gia đình chỉ có 2 chị em gái, áp lực dành cho con gái từ chính gia đình và những câu hỏi như bao giờ lấy chồng, sinh con đều dành cho phụ nữ. Áp lực vô hình này khiến những người trong gia đình bị chia cắt. Chúng ta sinh ra đều muốn kết nối với nhau nhưng chúng ta đang xa nhau trong chính gia đình của mình. Và, rộng hơn, xã hội hiện đại khiến con người đang bị chia cắt. Bộ phim là cách tôi kể câu chuyện của mình, những suy nghĩ của tôi về gia đình và có thể là kết thúc hành trình 10 năm theo đuổi đề tài này.

- Phim của chị có yếu tố kinh dị, chất điện ảnh được đẩy lên rất mạnh ở một số trường đoạn, đôi khi lại thách đố đối với khán giả Việt Nam. Vì sao chị lựa chọn cách kể đó?

+ Có những thời điểm phim kinh dị lên ngôi khi xã hội có những bất ổn. Tôi xem nhiều phim kinh dị, tôi cảm thấy nó giúp mình thể hiện cảm xúc bên trong. Hơn nữa, tôi không muốn làm phim về đề tài bi kịch mà các nhân vật quá buồn bã. Tôi chọn kinh dị để thể hiện nội tâm nhân vật một cách mạnh nhất có thể, đó là sự bức bối muốn thoát ra ngoài, là những chật chội, bế tắc của nội tâm... Tôi nghĩ, nó sẽ mang lại những hiệu ứng tốt cho khán giả và câu chuyện tôi muốn truyền tải.

- Chị có kỳ vọng gì khi theo đuổi dòng phim độc lập, vốn bị mặc định là kén khán giả và rất khó khăn trong việc xin tài trợ, kinh phí?

+ Tôi có mơ ước là có thể làm những bộ phim vừa có giá trị nghệ thuật vừa có công chúng. Tại sao Hàn Quốc làm được điều đó, khán giả đại chúng vẫn hào hứng xem những bộ phim có cả 2 yếu tố đó? Tại sao Việt Nam không thể? Với “Mưa trên cánh bướm", tôi mong muốn sẽ có thể phá bỏ rào cản khán giả mặc định rằng, phim nghệ thuật, phim độc lập khó xem. Bởi, theo tôi, thực ra làm nghệ thuật, nhu cầu của người sáng tạo là chạm tới trái tim của khán giả chứ không phải chỉ là giám khảo liên hoan phim.

Từ những bộ phim ngắn trong 10 năm qua, đến "Mưa trên cánh bướm", tôi luôn làm phim cho mình và cho khán giả. Giải thưởng của liên hoan phim không quan trọng bằng việc mình được ngồi xem phim cùng khán giả ở khắp nơi trên thế giới. Tôi luôn trân trọng sự kết nối, khi mang một bộ phim khá là cá nhân, khá là Hà Nội mà kết nối được với khán giả khắp thế giới, với một người làm phim độc lập như tôi, đó là hạnh phúc.

Một cảnh trong phim "Mưa trên cánh bướm".

Một cảnh trong phim "Mưa trên cánh bướm".

- Vậy, theo chị, điều gì làm nên sự khác biệt của thế hệ đạo diễn trẻ hiện nay và thách thức lớn nhất của họ là gì?

+ Tôi là đạo diễn trẻ nên không dám so sánh với thế hệ trước. Tôi chỉ thấy, lợi thế của các đạo diễn trẻ hiện nay là có Internet, thiết bị làm phim hiện đại hơn, dễ dàng tiếp cận công cụ làm phim tiên tiến nhất. Nhưng, thách thức đến với họ cũng rất nhiều. Các đề tài đã được khai thác rất nhiều. Vậy, làm sao để có cái mới mẻ, hứng thú mà không đánh mất bản sắc, cá tính của mình. Làm sao tìm được bản thân mình là ai, muốn kể câu chuyện gì, mang đến giá trị gì cho công chúng.

Tôi may mắn vì 10 năm qua tìm được đề tài gia đình, để cất lên tiếng nói của chính mình. Còn 10 năm tiếp theo tôi chưa biết sẽ kể với khán giả câu chuyện gì. Đó là một con đường chông gai và đầy thử thách. Rồi, bài toán giữa thị trường và nghệ thuật. Bây giờ mọi thứ quá dễ dàng, nên khó có cơ hội làm một bộ phim theo chuẩn mực như làm phim nhựa chẳng hạn. Công nghệ, AI cũng là một thử thách lớn đối với các đạo diễn trẻ.

Tuy nhiên, có những tín hiệu tích cực là điện ảnh Việt Nam gần đây đã có những bộ phim đạt doanh thu cao, khán giả đến rạp xem phim Việt ngày càng nhiều. Theo nhiều chuyên gia trong khu vực, tiềm năng điện ảnh Việt Nam rất lớn và đang ngày càng phát triển. Đó là những tín hiệu tốt cho thấy một nền điện ảnh đang trên đà phát triển, tạo động lực cho những người trẻ như chúng tôi dấn thân.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của chị!

Tháng 9/2024, “Mưa trên cánh bướm" (Don't Cry, Butterfly) từng gây chú ý khi giành 2 giải tại Liên hoan Phim Venice lần thứ 81: Giải Circolo del Cinema Verona (Phim sáng tạo nhất) và giải Iwonderfull Grand Prize (Phim hay nhất) trong hạng mục Tuần lễ phê bình phim quốc tế. Giải thưởng do Hội đồng Điện ảnh Verona trao tặng. Sau đó, “Mưa trên cánh bướm" được chiếu tại khu vực Bắc Mỹ thông qua Liên hoan Phim quốc tế Toronto lần thứ 49.

Dương Diệu Linh sinh năm 1990, tại Hà Nội. Cô từng từng học điện ảnh tại Singapore, đã ra mắt nhiều phim ngắn như: "Mother, Daughter, Dreams", "Ngọt, mặn", "Chuyện săn giai", "Thiên đường gọi tên"... Hiện, cô đang học thạc sĩ ngành Điện ảnh và Viết sáng tạo tại Canada. Đây cũng là dự án điện ảnh đầu tiên của Dương Diệu Linh được trình chiếu thương mại.

“Mưa trên cánh bướm" khẳng định Dương Diệu Linh là một tiếng nói mới trong điện ảnh Việt Nam và châu Á khi bộ phim đã đem lại cho cô 2 giải thưởng tại Tuần lễ phê bình phim của Liên hoan Phim Quốc tế Venice 2024. Khả năng kết hợp giữa phê bình xã hội và sự đồng cảm cảm xúc chân thực, đồng thời duy trì phong cách hình ảnh riêng biệt và kiểm soát tốt các thay đổi sắc thái phức tạp cho thấy cô là một nhà làm phim có tài năng và triển vọng đáng chú ý.

Linh Nguyễn (thực hiện)

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/dao-dien-duong-dieu-linh-toi-lam-phim-vi-thoi-thuc-duoc-cong-hien-i756794/
Zalo