Đạo diễn Dương Diệu Linh: 'Thành thật làm nên thành công!'
Báo Giáo dục&Thời đại đã trò chuyện với đạo diễn Dương Diệu Linh nhân dịp bộ phim 'Mưa trên cánh bướm' ra rạp từ ngày 3/1.
Bộ phim “Mưa trên cánh bướm” là đại diện duy nhất của điện ảnh Việt Nam tại Venice 2024 giành hai giải thưởng trong khuôn khổ Tuần lễ phê bình quốc tế cho Bộ phim sáng tạo nhất và Phim hay nhất.
Cùng Báo Giáo dục&Thời đại trò chuyện với đạo diễn Dương Diệu Linh nhân dịp bộ phim ra rạp từ ngày 3/1.
- Trước bộ phim “Mưa trên cánh bướm” chị đã làm phim ngắn thế nào?
Đạo diễn Dương Diệu Linh: Phim ngắn là bước đệm quan trọng để tiến tới bộ phim dài đầu tay.
Nó cho tôi một không gian nhỏ và thân mật hơn để học về cấu trúc kể chuyện, tìm kiếm ê-kíp cộng tác lâu dài, và để… phạm lỗi. Cũng giống như một nhà văn có thể rèn giũa ngòi bút của mình qua những truyện ngắn trước khi bước vào xây dựng tiểu thuyết vậy.
Một bộ phim ngắn đòi hỏi ít thời gian hơn, kinh phí cũng thấp hơn, và những trách nhiệm liên đới cũng nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Nó cho nhà làm phim một sự tự do để thử nghiệm những đề tài và phong cách mới, trước khi đem vào áp dụng cho bộ phim dài.
Ngoài ra, việc có phim ngắn tham dự các liên hoan phim uy tín cũng giúp cho quá trình tìm nhà đầu tư và quỹ hỗ trợ điện ảnh được suôn sẻ hơn rất nhiều.
- Chị có bất ngờ khi bộ phim dài đầu tay của mình được vinh danh tại Liên hoan phim Venice không?
Thành thật mà nói đến tận bây giờ tôi vẫn nghĩ mình đang sống trong một giấc mơ, và không nghĩ rằng bộ phim nho nhỏ của mình lại được đón nhận một cách nồng nhiệt đến vậy.
Để nói về lí do phim được giải thì… tôi cũng không biết nữa, có lẽ sẽ là thiếu khách quan khi tự đánh giá tác phẩm của chính mình.
Tôi xin mượn lời nhận định của ban giám khảo khi công bố giải thưởng: Bộ phim đã “pha trộn chất hài hước, bi kịch xã hội và những yếu tố kỳ ảo, trong khi khắc họa mối quan hệ phức tạp giữa mẹ và con gái”.
Ký ức duy nhất của tôi về lễ trao giải là những cảm xúc vỡ òa. Tuy nhiên sau đó thì bạn sản xuất của tôi có kể lại là lúc nhận xong giải Bộ phim sáng tạo nhất, một người trong ban tổ chức có nói với bạn là “đừng về vội”. Và bạn đã nắm chặt tay tôi trong lúc ban giám khảo công bố các giải còn lại. Một sự bất ngờ hết sức ngọt ngào.
Trong buổi tiệc sau lễ trao giải, có rất nhiều người đến chúc mừng đoàn phim. Nhưng điều khiến tôi cảm động nhất là đoạn hội thoại với một bạn tình nguyện viên hay đứng đón khách ở cửa vào tòa nhà của Tuần lễ phê bình phim nơi chúng mình đến sinh hoạt.
Bạn ấy tâm sự: “Tôi, đã mong các bạn sẽ thắng giải đấy, vì cách đoàn phim của các bạn đối xử với nhóm nhân viên chúng tôi rất lịch sự và khiêm tốn”. Cô bạn đứng rót rượu ở đó cũng thêm vào: “Các bạn dễ thương lắm, lại còn xếp hàng lúc lấy rượu”.
“Mưa trên cánh bướm” là một bộ phim được sản xuất dựa trên tình yêu thương lẫn tinh thần tôn trọng lẫn nhau của toàn bộ ê-kíp, và tôi tự hào vì tinh thần đó được lan tỏa đến mọi nơi mà bộ phim ghé qua.
- Vì sao chị đặt tên bộ phim là “Mưa trên cánh bướm”?
Bài toán đặt ra của tôi khi nghĩ tên phim, cả tiếng Anh và tiếng Việt, đó là làm sao để có các âm thanh lên bổng xuống trầm, phải có một sự bay bổng nhất định nhưng không được sa đà vào ủy mị buồn bã. Tôi muốn cái tên vẫn có một sự tươi sáng nhất định.
Bản thân từ “butterfly” đã có ba âm sắc, nên khi ghép với thanh ngang của hai từ “don’t cry” thì tạo ra sự hài hòa và vần điệu khá vui tai. Don’t! Cry! Butterfly! Nghe giống khẩu hiệu nhỉ.
Tương tự như vậy, tôi chú ý vào âm sắc và vần điệu cho tên phim “Mưa trên cánh bướm”. Nó vừa chuyển tải được nội dung, vừa có hai âm sắc ở cuối tựa như sự cất cánh tung bay một cách nhẹ nhàng.
Mọi người khi nghe đến “bươm bướm” thì thường nghĩ đến biểu tượng của sự lột xác. Đó cũng có thể là một cách nhìn. Cá nhân tôi thì luôn nghĩ bươm bướm thể hiện một thứ gì đó rất tự do, là điều mà hai nhân vật chính trong phim luôn kiếm tìm.
- Trong quá trình làm phim chị có kỷ niệm gì đáng nhớ nhất?
Quá trình kể từ lúc “Mưa trên cánh bướm” được thai nghén cho đến khi ra rạp là ngót nghét 5 năm. Trong quá trình đó tôi đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ, đồng cam cộng khổ và khích lệ đến từ những nhà cố vấn cũng như toàn bộ ê-kíp.
Làm phim chưa bao giờ là dễ, nhưng khi tất cả cùng đồng sức đồng lòng thì mọi khó khăn cũng sẽ qua một cách nhẹ nhàng. Bây giờ nhớ lại, tôi chỉ nghĩ đến những giây phút cùng nhau và những kết nối tinh thần đậm sâu mà quá trình thực hiện bộ phim đã mang lại cho mình. Đối với tôi có lẽ đó là cái “lộc lãi” lớn nhất của một người làm phim mà không gì có thể thay thế được.
- Theo chị, câu chuyện và cảm xúc cái nào quyết định làm nên một bộ phim hay?
Đối với tôi, điều quan trọng nhất có lẽ là sự thành thật. Thành thật với cảm xúc của nhân vật, thành thật với những thông điệp mà mình muốn gửi gắm qua nội dung phim, thay vì cố nhồi nhét những chi tiết để tạo ấn tượng một cách gượng ép và sáo rỗng.
Những điều này cần được xuất phát từ quá trình trải nghiệm và thế giới quan của người sáng tạo. Tôi tin rằng một khi tác phẩm nghệ thuật được xuất phát từ trái tim chân thành của người nghệ sĩ thì nó sẽ tự động tìm được đường đến với trái tim khán giả, bằng cách này hay cách khác.
- Chị đến với nghề đạo diễn như thế nào?
Tôi không sinh ra trong một môi trường nghệ thuật. Ở thời điểm tôi chọn đi học ngành phim, có lẽ tôi và người anh họ làm họa sĩ được coi là hai nhân tố “khác thường” trong cả gia đình.
Hồi học cấp 3, tôi tình cờ thắng giải trong một cuộc thi làm video về bảo vệ động vật hoang dã, do Quỹ Bảo vệ động vật hoang dã WWF tổ chức.
Trong một tuần tập huấn, tôi được tiếp xúc với những kiến thức cơ bản về làm phim và cảm thấy nó khá thú vị. Ngoài ra, giai đoạn những năm 2000 thì thị trường cho thuê băng đĩa phim khá nhộn nhịp, và có lẽ từ đó mà tình cảm của tôi với điện ảnh dần được thành hình. Khi đọc được thông tin Trường Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) tuyển sinh ngành điện ảnh, tôi đánh liều đăng kí dự thi và trúng tuyển.
Dù sinh sống ở Singapore một thời gian dài nhưng tôi vẫn chăm xem phim Việt Nam lắm, từ các phim của những đạo diễn thế hệ trước như Đặng Nhật Minh, Việt Linh, Trần Anh Hùng… cho đến các phim điện ảnh độc lập những năm gần đây, và cả dòng phim thị trường nữa.
Mỗi khi có dịp về Việt Nam thì các anh chị trong ngành lại ưu ái rủ tôi đi dự những buổi công chiếu phim, rồi gần đây Netflix Đông Nam Á cũng mua bản quyền nhiều bộ phim Việt Nam nên dù ở xa tôi vẫn theo dõi được.
Tôi xem hết, không kén chọn gì. Cứ được xem phim Việt Nam là phấn khởi rồi! Điện ảnh Việt Nam những năm gần đây thật nhộn nhịp, sôi động và đầy tiềm năng. Tôi mừng vì mình được góp một ngọn gió nho nhỏ trong đó.