Dành tối thiểu 122.250 tỷ phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035
Sáng 27/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân, Luật Công đoàn (sửa đổi), và biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.
Biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân
Trước khi tiến hành biểu quyết, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng không nhân dân. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý gồm 7 Chương và 47 Điều, quy định về nguyên tắc, nhiệm vụ, lực lượng, hoạt động phòng không nhân dân; quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay khác và bảo đảm an toàn phòng không; nguồn lực, chế độ, chính sách, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đối với phòng không nhân dân.
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân theo hình thức biểu quyết điện tử. Kết quả biểu quyết cho thấy, có 449/449 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, đạt tỷ lệ 100% đại biểu có mặt và 93,74% tổng số đại biểu Quốc hội. Luật sẽ có hiệu lực kể từ 1/7/2025.
Thông qua Luật Công đoàn (sửa đổi)
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Công đoàn (sửa đổi). Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 443/456 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 92,48% tổng số đại biểu Quốc hội. Như vậy, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Công đoàn (sửa đổi) với tỷ lệ tán thành cao. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.
Luật Công đoàn (sửa đổi) gồm 6 chương, 37 Điều, quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền, trách nhiệm của Công đoàn Việt Nam; quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động; việc gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; quyền, trách nhiệm của đoàn viên công đoàn; trách nhiệm của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, người sử dụng lao động đối với Công đoàn; bảo đảm hoạt động của Công đoàn; giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm pháp luật về công đoàn.
Luật này áp dụng đối với công đoàn các cấp, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức khác có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp); tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, đoàn viên công đoàn, người lao động và tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến tổ chức và hoạt động công đoàn.
Luật quy định người lao động Việt Nam có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn. Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên được gia nhập và hoạt động công đoàn tại công đoàn cơ sở. Việc thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn thực hiện theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam, Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Những hành vi bị nghiêm cấm quy định trong luật, đó là cản trở, gây khó khăn trong việc thực hiện quyền công đoàn; phân biệt đối xử đối với người lao động, cán bộ công đoàn vì lý do thành lập, gia nhập hoặc hoạt động công đoàn; sử dụng biện pháp kinh tế, đe dọa tinh thần hoặc biện pháp khác gây bất lợi đối với tổ chức Công đoàn, can thiệp, thao túng quá trình thành lập, hoạt động của Công đoàn, làm suy yếu hoặc vô hiệu hóa việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền, trách nhiệm của Công đoàn;...
Dành tối thiểu 122.250 tỷ phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035
Cũng trong sáng 27/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Kết quả biểu quyết cho thấy có 430/454 đại biểu biểu quyết tán thành (chiếm 89,77% tổng số đại biểu Quốc hội).
Như vậy, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035. Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước và tại một số quốc gia có mối quan hệ, tương tác văn hóa lâu dài với Việt Nam, có đông đảo người Việt Nam sinh sống, lao động, học tập.
Mục tiêu tổng quát của chương trình, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện trong phát triển văn hóa và xây dựng, hoàn thiện nhân cách, chuẩn mực đạo đức, bản sắc, bản lĩnh, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam. Đồng thời, nâng cao đời sống tinh thần, khả năng tiếp cận, thụ hưởng văn hóa, nhu cầu tập luyện, giải trí của nhân dân, thu hẹp sự chênh lệch trong thụ hưởng văn hóa giữa các vùng, miền, các tầng lớp dân cư…
Về kinh phí thực hiện, tổng nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2025 - 2030 tối thiểu 122.250 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương 77.000 tỷ đồng (chiếm 63%); vốn ngân sách địa phương: 30.250 tỷ đồng (chiếm 24,6%) và nguồn vốn khác dự kiến khoảng 15.000 tỷ đồng (chiếm 12,4%).
Theo Báo cáo tiếp thu, giải trình dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị trong quá trình xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ với các địa phương để xác định tỷ lệ đối ứng phù hợp. Bên cạnh đó trong quá trình điều hành, Chính phủ tiếp tục cân đối ngân sách Trung ương để ưu tiên hỗ trợ thêm cho Chương trình phù hợp với điều kiện thực tế và có giải pháp huy động phù hợp mọi nguồn vốn hợp pháp để thực hiện.
Một trong những cơ chế, chính sách đặc thù trong thực hiện Chương trình là thực hiện đầu tư xây dựng Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài. Liên quan đến vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc đầu tư là phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước, thực hiện Chiến lược văn hóa đối ngoại và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội đưa nội dung này là một trong những cơ chế đặc thù trong thực hiện Chương trình. Ngoài ra, đề nghị Chính phủ chỉ đạo, tiếp thu ý kiến đại biểu, lựa chọn xây dựng trung tâm theo thứ tự ưu tiên; tiếp tục hoàn thiện cơ chế tổ chức, vận hành phù hợp với từng địa bàn, có giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả và tránh lãng phí.
Về các ý kiến còn băn khoăn, đề nghị điều chỉnh, bổ sung một số chỉ tiêu, nhiệm vụ trong các nội dung thành phần của Chương trình; đề xuất một số giải pháp để thực hiện hiệu quả nội dung thành phần…, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, đề nghị Chính phủ nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội trong quá trình xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi, chịu trách nhiệm về việc cụ thể hóa, triển khai thực hiện Chương trình theo các nguyên tắc, nội dung được Quốc hội thông qua.