Đánh thuế tiền lãi gửi tiết kiệm: Không nên!
Đề xuất đánh thuế tiền lãi gửi tiết kiệm có thể khiến nhiều người giảm gửi tiền vào ngân hàng mà có xu hướng nắm giữ USD hoặc vàng
Dự thảo tờ trình về việc xây dựng Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) của Bộ Tài chính đang thu hút sự quan tâm của người dân, nhất là phần góp ý của UBND TP Cần Thơ. Cụ thể, địa phương này đề nghị đơn vị soạn thảo nghiên cứu và mở rộng cơ sở thuế, theo hướng chỉ miễn thuế thu nhập cá nhân đối với lãi tiền gửi tiết kiệm có quy mô nhỏ và xem xét áp dụng thuế đối với các hộ gia đình thu nhập cao.
Vài năm trước, từng có ý kiến đề xuất áp thuế với khoản lãi tiền gửi ngân hàng, cụ thể là những khoản lãi lớn hoặc khoản tiền gửi tiết kiệm từ 1 tỉ đồng trở lên…
Theo tôi, không nên đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm. Bởi, tiền gửi tiết kiệm là một trong những kênh huy động vốn chính của các ngân hàng. Từ đó, ngân hàng có nguồn vốn cho vay ra thị trường, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh vốn tín dụng vẫn đóng vai trò trụ cột.
Do đó, đề xuất đánh thuế tiền lãi gửi tiết kiệm có thể khiến nhiều người giảm gửi tiền vào ngân hàng mà có xu hướng nắm giữ USD hoặc vàng. Khi đó, dòng vốn sẽ bị động thay vì luân chuyển ra nền kinh tế nên cần tính toán, cân nhắc rất kỹ đề xuất đánh thuế này.
Ở các nước, cùng với nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng, có rất nhiều nguồn vốn khác để cung ứng tín dụng ra nền kinh tế như vốn từ bảo hiểm nhân thọ, các quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ tương hỗ… Tại Việt Nam, các nguồn vốn này chưa phát triển nên dòng tiền nhàn rỗi của người dân phần lớn vẫn chọn gửi tiết kiệm. Với mặt bằng lãi suất huy động thấp, các tổ chức tín dụng huy động được vốn rẻ để cho vay với lãi suất hợp lý ra thị trường, kích thích tăng trưởng kinh tế.
Thời điểm này và trong khoảng 5 năm nữa, cần tiếp tục khuyến khích người dân gửi tiền tiết kiệm và không nên thu thuế lãi tiền gửi. Chưa kể, hiện rất nhiều khoản thu nhập của người dân đang thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân; mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân đã lỗi thời đang kiến nghị điều chỉnh.
Đúng là ở nhiều nước phát triển có đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm nhưng người dân lại được khấu trừ rất nhiều khoản chi khác như khi đi ăn uống, mua sắm, đổ xăng… Chúng ta chưa có áp dụng đồng bộ như các nước, nên không thể "cắt khúc" để thu thuế lãi tiền gửi tiết kiệm. Ngược lại, cơ quan thuế có thể xem xét đánh thuế triệt để ở các lĩnh vực đang còn bỏ ngỏ như kinh doanh online, thương mại điện tử. Việc kéo giảm mặt bằng lãi suất huy động về quanh 5%/năm và vẫn thu hút dòng tiền nhàn rỗi chảy vào hệ thống ngân hàng để từ đó có dòng vốn rẻ cho vay, đã là thành công và cần tiếp tục duy trì.