Đánh thuế giới siêu giàu - động lực thúc đẩy cân bằng xã hội
Nhằm thu hẹp bất bình đẳng về thuế, Brazil đã kêu gọi các nước thành viên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) hợp tác để đánh thuế giới siêu giàu và ngăn chặn các tỷ phú trốn thuế. Mặc dù nội bộ vẫn còn những bất đồng, song các nước G20 đã đạt được những bước tiến nhất định trong nỗ lực thúc đẩy cân bằng xã hội.
Đề xuất mức thuế 2%
Giới siêu giàu trên thế giới đang đóng ít thuế hơn nhiều, tính theo tỷ lệ thu nhập của họ so với nhân viên và tầng lớp trung lưu nói chung. Do đó, sự tập trung của cải là một vấn đề toàn cầu, một vấn đề đáng báo động đến mức G20 đã chính thức giải quyết vấn đề này.
Theo đó, các bộ trưởng Tài chính Nhóm G20 họp tại Rio de Janeiro vừa qua đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nộp thuế, bao gồm cả những cá nhân có giá trị tài sản ròng cực cao, phải đóng góp phần thuế công bằng của mình. Công bằng tài chính là nền tảng của nền dân chủ. Nếu không có đủ doanh thu thuế, chính phủ không thể bảo đảm các dịch vụ đầy đủ như giáo dục, chăm sóc sức khỏe và bảo trợ xã hội, cũng như không thể ứng phó với các vấn đề lớn hơn như khủng hoảng khí hậu (vốn đã gây bất ổn cho nhiều quốc gia trên thế giới). Với hậu quả khủng khiếp của việc không hành động trong các lĩnh vực này, điều bắt buộc là những người giàu nhất phải nộp thuế công bằng.
Chính quyền của Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã thúc đẩy đề xuất mức thuế tối thiểu 2% với giới siêu giàu và xem đây là một trong những mục tiêu hàng đầu trong chương trình nghị sự G20 năm nay. Đề xuất này được lấy ý tưởng từ các cuộc thảo luận về thuế tối thiểu doanh nghiệp tại Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) gồm nhiều nước có thu nhập cao. Tổng thống Lula da Silva đã bảo vệ đề xuất thuế tối thiểu với giới siêu giàu, nhấn mạnh rằng: "Hệ thống thuế hiện nay không còn tiến bộ nữa mà đang thụt lùi. Một số cá nhân kiểm soát nhiều tài nguyên hơn cả một quốc gia. Thậm chí có những người sở hữu hẳn một chương trình không gian cho riêng mình".
Tổ chức Oxfam gọi vấn đề áp thuế đối với giới tài phiệt là một “thử thách thực sự đối với chính phủ các nước G20”. Nghiên cứu cho thấy, khoảng 1% người giàu nhất thế giới đã tích lũy được số tài sản 42.000 tỷ USD chỉ trong thập niên qua - gần gấp 36 lần so với toàn bộ 50% người nghèo toàn thế giới. Hơn nữa, nếu thuế tối thiểu với các tỉ phú được thông qua, thế giới sẽ có thêm ít nhất 250 tỷ USD mỗi năm từ giới siêu giàu. Số tiền đó sẽ được dùng để thúc đẩy các chương trình như giải quyết hậu quả của biến đổi khí hậu, nghèo đói và bất bình đẳng trong xã hội. Đồng thời, để bảo đảm ý tưởng này phát huy hiệu quả, việc áp thuế phải được triển khai trên toàn cầu để tránh các tỉ phú chạy từ các nước G20 sang những nước khác nhằm bảo toàn tài sản.
Cột mốc quan trọng
Tuyên bố Rio de Janeiro về hợp tác thuế quốc tế là một cột mốc quan trọng. Lần đầu tiên kể từ khi G20 được thành lập vào năm 1999, 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G20) đã đạt được nhất trí về sự cần thiết phải có một hệ thống thuế quốc tế công bằng, ổn định và hiệu quả hơn trong thế kỷ XXI. Tất cả các thành viên đều đồng ý rằng cách đánh thuế những người siêu giàu phải được sửa đổi.
Công chúng toàn cầu ủng hộ mạnh mẽ việc đánh thuế công bằng đối với những người cực kỳ giàu có. Theo một cuộc thăm dò của Ipsos tại các quốc gia G20 được công bố vào tháng 6, 67% đồng ý rằng có quá nhiều bất bình đẳng kinh tế và 70% ủng hộ những người giàu nên trả mức thuế thu nhập cao hơn.
Nam Phi - nước chủ nhà G20 vào năm 2025 - cùng với Pháp và Tây Ban Nha đã bày tỏ sự ủng hộ với đề xuất này. Nhưng con số 2% cũng gây ra nhiều tranh cãi và đối mặt với phản ứng dữ dội, bao gồm cả Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen. Tuy vậy, Brazil vẫn thành công trong việc thúc đẩy các bộ trưởng G20 gật đầu cho một thông cáo chung và "Tuyên bố Rio de Janeiro về hợp tác thuế quốc tế". Trong đó, tuyên bố nhấn mạnh: “Điều quan trọng đối với tất cả người nộp thuế, bao gồm cả những cá nhân có giá trị tài sản ròng cực cao, là phải đóng góp thuế công bằng”.
Tuyên bố báo hiệu một sự thay đổi đáng kể, cho thấy các nhà lãnh đạo thế giới không còn có thể ủng hộ một hệ thống mà những người cực kỳ giàu có được hưởng mức thuế thấp hơn những người còn lại trong chúng ta. Các bộ trưởng tài chính đã nhất trí về các bước sơ bộ quan trọng để cải thiện tính minh bạch về thuế, tăng cường hợp tác về thuế và xem xét các hoạt động đánh thuế có hại.
Đánh thuế và ngăn chặn trốn thuế của giới siêu giàu sẽ là “một mũi tên trúng nhiều đích”, bởi việc làm này không chỉ giúp thu hẹp bất bình đẳng giàu nghèo đã và đang gia tăng mạnh, mà còn huy động thêm nguồn lực hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo tại các nước đang phát triển; đồng thời, giảm thiểu rủi ro “của cải vào tay một nhóm ít người”.
Tương lai lạc quan
Thuế tối thiểu hiện đã có trong chương trình nghị sự và khi xem xét lịch sử đàm phán thuế quốc tế, có những lý do cụ thể khiến cho đề xuất này hoàn toàn khả thi. Năm 2013, G20 thừa nhận tình trạng trốn thuế tràn lan của các công ty đa quốc gia, tạo động lực chính trị để giải quyết vấn đề này. Kế hoạch hành động ban đầu của nhóm bao gồm cải thiện tính minh bạch về thuế, tăng cường hợp tác về thuế và xem xét các hoạt động đánh thuế có hại. Sau đó, vào tháng 10.2021, 136 quốc gia và vùng lãnh thổ (hiện là 140) đã áp dụng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu 15%.
Theo các nhà lập pháp, các quốc gia có thể sẽ không buộc phải áp dụng mức thuế tối thiểu 2% đối với các tỷ phú, nhưng thay vào đó cần một khối lượng lớn các quốc gia nhất trí một bộ quy tắc chung về đánh thuế nhằm xác định và định giá tài sản của những người siêu giàu, và áp dụng các công cụ để đánh thuế hiệu quả bất kể họ đang ở đâu. Theo cách này, các nước có thể tránh được viễn cảnh giới siêu giàu chạy trốn đến “các thiên đường thuế”.
Trong khoảng mười năm trở lại đây, hợp tác quốc tế về thuế đã được cải thiện đáng kể. Ví dụ, việc áp dụng trao đổi thông tin ngân hàng tự động đã làm giảm đáng kể khả năng trốn thuế. Các nước cũng đã có các công cụ cần thiết để buộc các tỷ phú trên thế giới phải nộp đủ thuế. Nhìn chung, mặc dù việc đánh thuế giới siêu giàu còn gây tranh cãi trong khối G20, nhưng phần đông giới chuyên gia và các nhà lãnh đạo của khối G20 cho rằng đây là việc cần làm.