Đánh thức những vùng yêu thương đất nước

Đánh thức sông Hồng (Nhà xuất bản Văn học) là tập thơ thứ tư của Huỳnh Thúy Kiều, sau các tập Kiều Mây, Giấu anh vào cỏ xanh, Ru giấc phù sa. Vẫn mang nặng hồn vía chân chất của người đồng bằng Nam Bộ, Huỳnh Thúy Kiều lần này rong ruổi bước chân đến Hà Nội, Huế, Ban Mê Thuộc... hòa mình vào bản tình ca yêu thiên nhiên và con người rộng lớn khắp đất nước.

Tập thơ Đánh thức sông Hồng của nhà thơ Huỳnh Thúy Kiều.

Tập thơ Đánh thức sông Hồng của nhà thơ Huỳnh Thúy Kiều.

Tập thơ có 44 bài, tác giả dành trọn 12 bài cho Hà Nội, nỗi ám ảnh khôn nguôi về con sông Hồng chảy cuồn cuộn trong thơ

đến nước cũng pha màu nhớ

em muốn thử một lần đánh thức sông Hồng

qua cái rét nhẹ bao dung

(Đánh thức sông Hồng)

khoảng cách 2 giờ bay

trên một ngàn năm trăm cây số

khi bàn chân em chạm đất

mùa thu đã khoác áo ngủ đông rồi

(Ở một chiều thu Hà Nội)

Thật thú vị thơ Huỳnh Thúy Kiều là cuộc viễn du của những giấc mơ, tâm thế của những trải nghiệm thăng hoa làm bạn đọc bất ngờ

tiếng ai dạ mềm bờ An Cựu

khoác áo nào cho kín gió sông Hương

(Huế: Em, rượu và thơ)

câu vọng cổ cất lên lọt thỏm giữa đêm thừa

làn gió khẽ choàng qua mùa

choàng qua vai

rỗng mùi hương tháng Tư đọng mật

(Gió gọi tên em)

Là nhà thơ trẻ, cách viết của Huỳnh Thúy Kiều phóng khoáng, dung dị đầy chất “phiêu linh” gây ấn tượng mạnh nhưng đôi lúc lại bay quá đà, lập lại chính mình.

Nếu một mai có thức với đồng bằng

Em nhớ kể cho anh nghe về tía

Cả dải cù lao, bãi đất cồn ngày xưa đi vào cổ tích

Cả triều cường đợi mùa rẹm giao hoan

(Lỡ có yêu đồng bằng)

Mũi Cà Mau

Cái chấm tròn bé tẹo

Lần khân hoài chưa chạm được dấu bùn non

(Ơi Mũi Cà Mau)

Viết nhiều, nhanh và còn lắm sung lực hứa hẹn cho chặng đường dài sắp tới, Huỳnh Thúy Kiều sinh năm 1979, tại Cà Mau, được nhiều bạn đọc mến mộ. Hiện nay, tác giả đang công tác tại Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Cà Mau, được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022.

Thơ của Huỳnh Thúy Kiều mang đậm chất trữ tình, man mác, giàu sức sống của vùng sông nước miền Tây Nam Bộ.

Nhận định về thơ của Huỳnh Thúy Kiều, các nhà phê bình văn học dành nhiều lời ưu ái:

“...Tôi đọc thấy cả một hồn thơ bênh bang xứ trời đất Mũi. Thơ của chị trẻ trung, phóng túng như thiên nhiên hoan lạc miền châu thổ chín rồng... Huỳnh Thúy Kiều là như thế đó, chị xuất hiện như một thi sĩ trẻ, trẻ tuổi đời và trẻ hồn thơ” (Nguyễn Trọng Tạo).

“...Tôi thật sự ngỡ ngàng trước một tâm hồn trong sáng, trữ tình, giàu chất thi sĩ. Rất nhiều hình ảnh bình dị, dân dã qua thơ Huỳnh Thúy Kiều sống động lạ thường...” (Vương Cường).

Huỳnh Thúy Kiều với các nhà thơ khác như Đinh Thị Thu Vân, Song Hảo, Nguyễn Lập Em, Thái Hồng, Trúc Linh Lan, Lê Thanh My… tạo nên một đội ngũ đông đảo các nhà thơ nữ đồng bằng sông Cửu Long với diện mạo riêng, giọng thơ hồn hậu, sâu lắng không lẫn vào nhau, được đông đảo bạn đọc khắp cả nước biết đến.

Huỳnh Thúy Kiều

Với sông Phố

Thử nói gì với dòng sông Phố đêm nay?

Ngày đã cạn

Thôi!

Mai mình về nhé

Ai hốt hoảng gom chiều đầy mảnh vỡ?

Tàn tro rơi

Rây nhớ

Lạnh dày...

Đo làm gì những góc nhớ Đồng Nai?

Ta định vị nhau bằng nụ cười hồn nhiên không đếm tuổi

Dòng sông Phố buổi trưa mệt nhoài

Lững lờ nằm đợi

Cù lao phía nào cũng một bóng riêng anh

Anh đổ cơn say về cuối đêm gầy

Và uống cạn dư âm ngày trinh bạch

Nỗi niềm em vừa tách bến

Anh đắm mình trong vũng nhớ chưa tan...

Trần Hữu Dũng

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202411/danh-thuc-nhung-vung-yeu-thuong-dat-nuoc-14f5c78/
Zalo