Đánh thức lợi thế du lịch Tri Tôn
Tri Tôn là huyện có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch, với những nét độc đáo về vị trí địa lý, văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh… Để những tiềm năng đó được 'đánh thức' và phát huy giá trị vốn có, chính quyền địa phương đang triển khai nhiều giải pháp để phát triển hạ tầng, loại hình, sản phẩm du lịch nhằm thu hút du khách.
“Người đẹp” ngủ say
Tri Tôn vừa có địa hình kênh rạch xen lẫn đồi núi - rừng tạo nên nhiều cảnh quan thiên nhiên phong phú kết hợp nhiều di tích lịch sử, bởi nơi đây từng là vùng kháng chiến trong thời kỳ chống Mỹ và là nơi diễn ra chiến tranh biên giới Tây Nam. Vẻ đẹp hoang sơ của vùng đất Tri Tôn thể hiện qua 4 ngọn núi trong dãy Thất Sơn huyền bí, gồm: Thủy Đài Sơn (núi Nước), Liên Hoa Sơn (núi Tượng), Ngọa Long Sơn (núi Dài), Phụng Hoàng Sơn (núi Cô Tô). Mỗi ngọn núi là một câu chuyện nhuốm màu huyền thoại, cổ tích đã thôi thúc du khách đến đây khám phá, dù chỉ một lần.
Trên địa bàn huyện còn có các điểm tham quan thuộc di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer. Điển hình như Khu di tích lịch sử cấp quốc gia đồi Tức Dụp (xã An Tức), Di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Xvayton (thị trấn Tri Tôn); Nhà mồ Ba Chúc (thị trấn Ba Chúc); Khu di tích lịch sử cách mạng Ô Tà Sóc (xã Lương Phi)… Cùng với đó là nhiều địa điểm được du khách biết đến, như: Hồ Ô Thum (xã Ô Lâm); hồ Soài Chek, hồ Tà Pạ, hồ Soài So (xã Núi Tô); hồ Ô Tà Sóc (xã Lương Phi); suối Ô Đá (thị trấn Ba Chúc); Ô Hồng Hoàng (xã Lê Trì).
Với đặc thù địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số Khmer sinh sống, Tri Tôn có hệ thống các đền, chùa và lễ hội nổi tiếng. Trong đó có thể kể đến, như: Tết Chol Chnam Thmay, Lễ Sene Dolta, Ok Om Bok, Hội đua bò Bảy Núi... Cùng với đó là các hình thức sinh hoạt văn hóa - nghệ thuật độc đáo, như: Đàn chà-pây, chầm riêng, hát dì kê, múa lâm thôn... Các món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, như: Gà đốt, ếch nướng, gỏi đu đủ đâm, bánh canh, cháo bò… cũng là những điểm nhấn thú vị, thu hút du khách gần xa đến với Tri Tôn. Ngoài ra, các ngành nghề truyền thống, như: Làm gốm, đường thốt nốt, cốm dẹp, bánh phồng mì, bánh kà-tum, bánh bò thốt nốt… cũng là nguồn tài nguyên có giá trị cho phát triển du lịch địa phương.
Có thể nói, với một hệ thống các đền, chùa cùng với các lễ hội, làng nghề truyền thống, văn hóa ẩm thực độc đáo, phong phú là nguồn tài nguyên vô tận để phát triển du lịch địa phương. Nhất là các loại hình du lịch cộng đồng, homestay, du lịch lịch sử, du lịch khám phá, trải nghiệm, du lịch ẩm thực…
Phát huy nội lực sẵn có
Phát huy lợi thế sẵn có, những năm qua, huyện Tri Tôn đã tập trung quy hoạch, chỉnh trang, tôn tạo các điểm, tuyến tham quan trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế về du lịch tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa, lịch sử phù hợp, hấp dẫn giới thiệu đến du khách. Mặt khác, phối hợp với các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh tổ chức các tour, tuyến du lịch trải nghiệm, trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế. Đặc biệt, huyện Tri Tôn còn tập trung đổi mới, phát triển, mang những sản phẩm du lịch mới lạ về với Tri Tôn. Cụ thể như: Đua môtô địa hình, biểu diễn dù lượn, diều lượn, khinh khí cầu, nhằm tạo sự kiện thể thao để thu hút khách du lịch…
Đến nay, huyện Tri Tôn đã sửa chữa, nâng cấp các công trình chùa Phi Lai, chùa Tam Bửu, chùa Tà Miệt trên, chùa Svayton, Bia cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, các đình, miếu... với tổng kinh phí trên 20 tỷ đồng. Đồng thời, triển khai các dự án hạ tầng giao thông liên kết các khu, điểm tham quan, du lịch trên địa bàn huyện. Điển hình như: Cung đường cánh đồng trâm dưới chân Phụng Hoàng Sơn, dài trên 1.000m; xây dựng đường vào sân đua bò, thuộc Khu liên hợp Thể thao, Du lịch Tà Pạ - hồ Soài Chek (xã Núi Tô) với chiều dài 450m; hoàn thiện cung đường nối liền hồ Soài So với hồ Soài Chek dài 1,9km… tổng kinh phí đầu tư 51,3 tỷ đồng, trong đó, vận động xã hội hóa gần 32,5 tỷ đồng.
Với đầu tư về cơ sở hạ tầng, nâng chất các điểm du lịch đã góp phần đưa Tri Tôn trở thành điểm đến quen thuộc của người dân trong và ngoài địa phương. Trong năm 2024, có trên 837.000 lượt khách đến tham quan Tri Tôn. Các địa điểm thu hút đông đảo du khách là: Khu tham quan, ẩm thực hồ Ô Thum (xã Ô Lâm); Khu Liên hợp Thể thao - Du lịch Tà Pạ - hồ Soài Chek, hồ Soài So (xã Núi Tô); Khu di tích lịch sử cách mạng Ô Tà Sóc (xã Lương Phi); các chùa Khmer và thưởng thức ẩm thực tại xã Châu Lăng…
Đánh thức tiềm năng
Với mục tiêu xây dựng hình ảnh Tri Tôn “thân thiện, nghĩa tình, mến khách” lãnh đạo huyện Tri Tôn đã định hướng, triển khai nhiều hoạt động trọng tâm. Đặc biệt, đầu năm 2025, du lịch Tri Tôn “khởi động” bằng giải Nông Thôn Việt Half Marathon - Tri Tôn: Về vùng huyền tích. Giải thu hút sự tham gia của trên 3.500 vận động viên trong và ngoài nước tham dự.
Bên cạnh sứ mệnh thúc đẩy, lan tỏa phong trào rèn luyện sức khỏe trong Nhân dân, giải marathon còn là kênh quảng bá hình ảnh, thu hút lượng khách du lịch rất lớn tới địa phương. Đây còn là cơ hội để quảng bá hình ảnh của địa phương đến với du khách trong và ngoài nước. Qua đó, thúc đẩy phát triển ngành du lịch, tạo động lực phát triển các cơ sở hạ tầng du lịch, từ đó kéo theo sự phát triển của các ngành nghề dịch vụ khác. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường kết nối cộng đồng và nâng cao sức khỏe Nhân dân…
Thời gian tới, huyện Tri Tôn sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và hạ tầng dịch vụ du lịch; xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù… nhằm khai thác tối đa lợi thế của địa phương. Tăng cường quảng bá du lịch, hình ảnh, văn hóa và tiềm năng du lịch của huyện Tri Tôn qua các kênh truyền thông, mạng xã hội, các hội chợ du lịch, sự kiện văn hóa và thể thao.
Cùng với đó, huyện Tri Tôn sẽ tập trung phát triển các loại hình du lịch đặc trưng gắn với bảo vệ môi trường. Cụ thể như: Du lịch tham quan các di tích văn hóa, lịch sử cách mạng, danh lam thắng cảnh; du lịch tâm linh… Tập trung phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng ở các xã Ô Lâm, Tân Tuyến, Lê Trì; phát triển du lịch tại Khu Liên hợp Văn hóa - Thể thao Du lịch Soài Chek. Hình thành các sản phẩm phục vụ nhu cầu mua sắm, như: Du lịch làng nghề, du lịch ẩm thực... phát triển thêm các loại hình du lịch thể thao mạo hiểm, thể thao dân tộc…