Đánh thức giá trị di sản
Khi cùng UBND TP Hà Nội phác thảo lộ trình đưa Hà Nội gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo, Tim Voegele-Downing - chuyên gia của UNESCO gọi đề án này là 'đánh thức Rồng'.
Đó cũng là cách vị chuyên gia của UNESCO lý giải về tiềm năng của Thăng Long - Hà Nội, sự “ngủ quên” của vùng đất quan trọng này và cách đánh thức những tiềm năng ấy qua sáng tạo.
Quả thực, sau 6 năm kể từ ngày gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo, Hà Nội khoác lên mình một chiếc áo mới. Thấy rõ nhất, Hà Nội không chỉ tôn vinh di sản thiết kế truyền thống mà còn khuyến khích sự đổi mới và sáng tạo trong thiết kế hiện đại, lan tỏa đến các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, giúp TP trở thành một điểm đến hấp dẫn cho những tài năng thiết kế, sáng tạo và giới đam mê nghệ thuật từ khắp nơi.
Nhiều chuyên gia nhấn mạnh, Hà Nội đang chứng tỏ mình không chỉ là một trung tâm của đổi mới mà còn là "lá cờ đầu", "ngọn hải đăng" dẫn đường cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. TP đã hiện thực hóa một tầm nhìn đầy cảm hứng: kết hợp sự sáng tạo hiện đại với việc gìn giữ những giá trị truyền thống quý báu.
“Ngọn hải đăng ấy” tiếp tục được tỏa sáng trong Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024. Xuyên suốt 2 tuần (từ 9 - 17/11), khác với những Tuần lễ/Lễ hội Thiết kế sáng tạo trước, năm nay từ lễ khai mạc, bế mạc, đến các hoạt động… cánh cửa của các di sản vật thể, phi vật thể được mở ra với công chúng ngay trong “trái tim” của Thủ đô - khu vực Hồ Hoàn Kiếm; nơi nhiều công trình kiến trúc vốn “ngủ yên” như Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Tổng hợp cũ), Nhà khách Chính phủ (Bắc Bộ phủ) được “đánh thức” hướng tới cộng đồng; công chúng được chạm tay vào ca - nhạc - kịch qua các lễ diễu hành, chương trình nghệ thuật, workshop.
Hơn 100 sự kiện đã diễn ra, với hơn 500 nghệ sĩ, nghệ nhân, kiến trúc sư, nhà sáng tạo... điều dễ nhận thấy là trong Lễ hội Thiết kế sáng tạo năm nay có sự tham gia của nhiều thế hệ vào công tác tổ chức và đáng ghi nhận, lần đầu có sự tham gia của DN. Điều này cho thấy, Hà Nội không chỉ dừng lại ở việc tạo ra môi trường sáng tạo, mà còn coi trọng việc nâng cao nhận thức và khuyến khích sự tham gia của toàn bộ cộng đồng.
TP không chỉ tạo điều kiện cho sự đổi mới mà còn tìm cách gắn kết và khuyến khích tất cả các thành phần của xã hội, từ cư dân đến các nhà thiết kế, nghệ sĩ, và DN tham gia vào quá trình sáng tạo. Sự tham gia rộng rãi này giúp tạo ra một môi trường cộng tác, nơi ý tưởng và sáng kiến từ nhiều nguồn lực khác nhau được khuyến khích, phát huy tối đa. Điều này cũng minh chứng, Hà Nội không chỉ là một trung tâm sáng tạo về mặt cơ sở hạ tầng và chính sách, mà còn phải trở thành một nguồn cảm hứng cho các cá nhân và tổ chức.
Chỉ trong 2 ngày đầu diễn ra lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội đã đón hơn 3 vạn người trải nghiệm, khám phá. Công chúng và du khách “phải lòng” lễ hội bởi giao lộ sáng tạo liền mạch, mỗi điểm dừng đều có ấn tượng riêng biệt. Điều này cho thấy, Hà Nội vẫn cần thêm nhiều không gian sáng tạo, để thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa của người dân.
Lễ hội khép lại sau 2 tuần nhưng đã mở ra mở ra tương lai đầy tiềm năng, hứa hẹn. Hà Nội khẳng định mình không chỉ là một điểm đến đầy sức sống sáng tạo mà còn là một biểu tượng của sự hòa quyện hoàn hảo giữa quá khứ và hiện tại, giữa bảo tồn và đổi mới. Hà Nội đang viết tiếp câu chuyện đầy cảm hứng về cách mà sự đầu tư và tình yêu dành cho văn hóa có thể thúc đẩy sự phát triển bền vững, mở ra những chân trời mới cho tương lai.