Đánh thức di sản tư liệu

Khó có thể hình dung một nhóm nghiên cứu di sản văn hóa độc lập lại sở hữu gần 8.000 đầu tư liệu Hán Nôm dạng số hóa. Kho tư liệu đồ sộ đó được 'mở' cho bất cứ ai có nhu cầu. Họ cũng lập trang web đưa thông tin, hình ảnh hơn 2.000 ngôi chùa lên mạng. Đó chính là Văn phòng Bảo tồn Di sản Phật giáo Đại Dương Sùng Phúc tự (xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội).

Các thành viên của Văn phòng giới thiệu tranh khắc mộc bản Phật giáo đến công chúng.

Các thành viên của Văn phòng giới thiệu tranh khắc mộc bản Phật giáo đến công chúng.

Khởi đầu bằng đam mê, những bạn trẻ này không chỉ đánh thức, lan tỏa di sản tư liệu đang ngủ yên mà còn tạo ra một mô hình mới trong nghiên cứu, bảo tồn giá trị văn hóa.

Khi Đại lễ Phật đản 2025 chuẩn bị khai mạc tại Thành phố Hồ Chí Minh, cũng là lúc những thành viên của Văn phòng Bảo tồn Di sản Phật giáo Đại Dương Sùng Phúc tự (chùa Sủi) bận rộn với việc tham gia Triển lãm văn hóa Phật giáo.

Tìm về những tư liệu di sản đặc biệt

Văn phòng đem đến Triển lãm văn hóa Phật giáo các hiện vật như: Một số tòa cửu long cổ, các bộ cà sa của một số danh tăng, tháp Phật giáo cổ… Nổi bật nhất là những di sản tư liệu Phật giáo với các bộ kinh, sách cổ và sách phục chế, mộc bản Phật giáo, thác bản văn bia Phật giáo... Trong đó, có những cuốn kinh cổ mà các thành viên Văn phòng đã phải tốn nhiều công sức để khôi phục.

Thạc sĩ Nguyễn Tiến Hưng, thành viên Văn phòng cho biết: “Chúng tôi đem đến những bộ kinh cổ về năm thời thuyết pháp trong cuộc đời Đức Phật. Những tư liệu này được sưu tầm ở nhiều danh thắng Phật giáo như chùa Vĩnh Nghiêm ở Bắc Giang, các chùa Quán Sứ, Bà Đá ở Hà Nội… Khi tiếp nhận, các cuốn kinh Phật đều hư hại nặng nề, có những cuốn gần như tơi tả. Chúng tôi đã dành nhiều thời gian phục chế từng trang sách, để đem đến diện mạo tốt nhất, qua đó, mọi người có thể hiểu thêm về lịch sử Phật giáo Việt Nam”.

10 con người của Văn phòng Bảo tồn Di sản Phật giáo chùa Sủi chủ yếu là những người trẻ tuổi. Tất cả đều có quá trình gắn bó lâu dài với di sản văn hóa nói chung, văn hóa Phật giáo nói riêng. Ngược dòng thời gian, hơn 10 năm trước, khi đó, Trần Ngọc Thoan là sinh viên Trường đại học Bách khoa Hà Nội về công nghệ thông tin, chuyên ngành Hệ thống hóa. Khi còn ngồi trên giảng đường đại học, Thoan đã lập doanh nghiệp về công nghệ.

Tình cờ nhận được yêu cầu số hóa kinh sách của một số chùa chiền, rồi mỗi lần về với các ngôi chùa, anh cảm nhận rõ ràng về một mạch chảy văn hóa của quê hương trong từng mái ngói thâm nâu, trong từng pho tượng hay từng trang sách... mà lúc đấy, bản thân anh chưa hiểu được nội dung của nó chứa đựng những gì. Những cảm nhận ấy cứ lớn dần, và trở nên gắn bó, Thoan cùng bạn bè tìm hiểu sâu hơn xem những pho sách ấy… nói gì. Và đó cũng là ngã rẽ của cuộc đời. Từ một chuyên gia công nghệ, Thoan trở thành một người “làm văn hóa”.

“Chúng ta vẫn biết có một kho tàng di sản tư liệu Hán Nôm đồ sộ người xưa để lại. Nhưng có một số nhóm di sản ở trong các ngôi chùa chưa được nhiều người biết đến. Mọi người hay nói đến các bộ kinh, hay những cuốn sách nói về các tông phái, sơn môn, nhưng qua làm việc, chúng tôi thấy còn một nhóm tư liệu khác rất quan trọng, đó là khoa cúng tổ. Khoa cúng tổ là những tư liệu được biên soạn khi các tổ đã hoặc sắp viên tịch nói về công đức, hành trạng của các tổ. Khoa cúng tổ cung cấp thêm nhiều mảnh ghép còn chưa đầy đủ về các tông phái, sơn môn, hành trạng của chư tăng. Mỗi khi có thêm phát hiện mới, chúng tôi thấy rất vui và có thêm động lực để gắn bó với công việc”, Phó Giám đốc Văn phòng Bảo tồn Di sản Phật giáo chùa Sủi Trần Ngọc Thoan chia sẻ.

Một trong những phát hiện thú vị nhất của Thoan cùng cộng sự đó là về sơn môn Xiển Pháp (một sơn môn lớn ở miền bắc) với cuộc đời và hành trạng của ngài Tính Định (1842-1901). Mặc dù chỉ là người thọ Bồ Tát giới, nhưng sư Tính Định lại là người có công lớn trong chuyển thể nhiều bộ kinh thành thơ Nôm, qua đó, góp phần phổ biến tinh thần Phật giáo đến quảng đại quần chúng, khi mà phần lớn còn không biết chữ trong những thế kỷ trước.

Càng dấn thân, Thoan cùng cộng sự càng thấy kho tàng di sản tư liệu Phật giáo đồ sộ còn “ẩn giấu” rất nhiều dưới những mái chùa. Có những tư liệu chưa phát lộ vì chưa được quan tâm. Nhưng nhiều tư liệu lại thuộc nhóm mà các nhà sư thường giữ riêng cho sơn môn của mình, chỉ mở ra dùng khi cần. Các tư liệu lại tản mát dưới hàng nghìn ngôi chùa, nhiều người muốn nghiên cứu nhưng không rõ tư liệu nằm ở đâu. Với lòng chân thành và trân trọng những giá trị xưa cũ của dân tộc, và như một mối duyên ngầm với đạo Phật, nhiều trụ trì các ngôi chùa đã mở lòng với Thoan cùng cộng sự, cho phép tiếp cận, số hóa, hệ thống hóa và phổ biến các tư liệu đó đến cộng đồng. Để sống được với đam mê thì cần có thu nhập, Thoan thành lập Công ty TNHH Vilapa (tức Việt Lạc bát nhã), chuyên kinh doanh ấn phẩm tín ngưỡng, tôn giáo; trang trí đình, đền chùa; dịch vụ số hóa di tích theo yêu cầu...

Thượng tọa Thích Thanh Phương, trụ trì chùa Sủi là người yêu mến văn hóa truyền thống. Nhiều năm làm việc cùng Thoan, thấu hiểu tấm lòng với di sản của các bạn trẻ, năm 2022, Thượng tọa Thích Thanh Phương thành lập Văn phòng Bảo tồn Di sản Phật giáo chùa Sủi với vai trò Giám đốc. Thành viên của Văn phòng chính là Thoan và các cộng sự đam mê văn hóa khác. Thầy Phương bố trí một không gian trong chùa để các bạn thực hành công việc nghiên cứu văn hóa Phật giáo, văn hóa truyền thống. Thoan vừa điều hành công ty để lấy thu nhập “nuôi” công tác nghiên cứu, vừa tham gia điều hành Văn phòng Bảo tồn Di sản Phật giáo Đại Dương Sùng Phúc tự.

Hành trình lan tỏa những giá trị

Văn phòng Bảo tồn Di sản Phật giáo chùa Sủi kế thừa những tư liệu mà Thoan cùng nhóm nghiên cứu triển khai nhiều năm và giờ có một kho tư liệu đồ sộ, gồm gần 8.000 đầu tư liệu Hán Nôm dưới dạng số hóa, gồm: Kinh, sách, minh văn, bi ký, khoa cúng, sắc phong… và nhiều tư liệu khác. Những tư liệu này đã được tập hợp, phân loại và theo hệ thống để thuận tiện cho việc nghiên cứu.

Lâu nay, công tác nghiên cứu về văn hóa truyền thống chủ yếu nằm ở các viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng….

Tiếp đó, toàn bộ kho tư liệu đồ sộ này được đưa lên “đám mây”. Bất cứ nhà nghiên cứu, dù là chuyên nghiệp hay không chuyên, Văn phòng đều cung cấp mã để mọi người cùng tiếp cận. Do kinh phí hạn chế, nên mỗi lĩnh vực, Văn phòng chỉ bố trí một chuyên gia. Thí dụ Thạc sĩ Nguyễn Tiến Hưng phụ trách công việc phục chế tư liệu, Thạc sĩ Lê Thị Lợi phụ trách các vấn đề lịch sử… Văn phòng còn có các chuyên gia về Hán Nôm, công nghệ… Trong quá trình đó, nhiều tư liệu giấy cũ, nát được các bạn phối hợp các nhà chùa, chủ sở hữu phục chế, qua đó, hồi sinh nhiều trang sách cổ.

Lâu nay, công tác nghiên cứu về văn hóa truyền thống chủ yếu nằm ở các viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng…. Văn phòng Bảo tồn Di sản Phật giáo chùa Sủi là một mô hình mới trong nghiên cứu, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống khi tập hợp được một nhóm các chuyên gia và hoạt động trên cơ sở kết hợp giữa nghiên cứu, kinh doanh.

Dưới sự hướng dẫn của Thượng tọa Thích Thanh Phương, Văn phòng Bảo tồn Di sản Phật giáo chùa Sủi đã triển khai dự án Chốn thiêng, tập hợp dữ liệu ảnh chụp, video, văn bản, ảnh và video 360 độ, bản vẽ 3D các ngôi chùa, lễ hội, kiến thức Phật giáo. Văn phòng mong muốn cung cấp kiến thức về văn hóa Phật giáo đến mọi người để mỗi chuyến du lịch, hành hương, lễ Phật thêm ý nghĩa. Hiện giờ, dự án Chốn thiêng đã cập nhật thông tin, hình ảnh được hệ thống hóa hợp lý về hơn 2.000 ngôi chùa. Bất kỳ ai truy cập vào trang web: www.chonthieng.com đều bất ngờ nếu biết rằng một khối lượng khổng lồ công việc về di sản văn hóa, di sản Phật giáo được cung cấp bởi một nhóm nhỏ các nhà nghiên cứu, chuyên gia hoàn toàn phi lợi nhuận.

Để chia sẻ, lan tỏa hơn nữa những tư liệu, đồng thời, để kết hợp với các học giả thúc đẩy nghiên cứu, tháng 2/2025, Văn phòng Bảo tồn Di sản Phật giáo Đại Dương Sùng Phúc tự cho ra đời Câu lạc bộ Di sản và Văn hóa Á Đông. Thượng tọa Thích Thanh Phương cho biết: “Thời gian qua, Văn phòng Bảo tồn Di sản Phật giáo chùa Sủi đã cung cấp rất nhiều tư liệu quý cho công tác nghiên cứu của các đơn vị, cá nhân. Câu lạc bộ Di sản và Văn hóa Á Đông ra đời trên cơ sở kế thừa thành quả nghiên cứu của Văn phòng, đồng thời, nhấn mạnh đến việc kết nối, bảo tồn di sản văn hóa, đưa văn hóa gần với đại chúng, tạo điều kiện để mọi người có thể tiếp cận di sản, mang lại cách thức mới để bảo tồn di sản thông qua hoạt động của mình”.

Câu lạc bộ tập hợp được hàng chục nhà nghiên cứu chuyên nghiệp và không chuyên ở các lĩnh vực: Lịch sử, Phật học, mỹ thuật, Hán Nôm… Mỗi tháng, Câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt một lần về các chủ đề khác nhau. Thí dụ như tháng 3 vừa qua, những nội dung được trao đổi gồm: Giới thiệu tư liệu về Linh Nhân Hoàng Thái hậu Ỷ Lan; thảo luận bản thảo Tìm hiểu văn bia Bắc Ninh của nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Khải; giới thiệu sách Kinh Triều Bảo Lục - Sử tích Long Quân và các vị thủy thần Lạc Thị…

Dù đã làm được một lượng công việc rất lớn, nhưng với Thoan và cộng sự, chặng đường phía trước vẫn còn dài. “Đơn cử như hệ thống 8.000 đầu tư liệu Hán Nôm, tiến tới, chúng tôi sẽ đưa lên thư viện số để mọi người có thể tiếp cận dễ dàng. Hay như chúng tôi mong muốn đặt bảng gắn chip NFC cho các di tích để phát triển hơn nữa dự án Chốn thiêng; hoặc xuất bản một số cuốn sách trên cơ sở dữ liệu đã tìm được. Khối lượng công việc rất lớn, đòi hỏi kinh phí lớn mà nguồn lực chúng tôi có hạn. Bởi thế, chúng tôi rất mong được sự hợp tác của cộng đồng, để di sản tư liệu mà chúng tôi có tiếp tục được lan tỏa”, Thoan chia sẻ.

Bài và ảnh: GIANG NAM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/danh-thuc-di-san-tu-lieu-post876963.html
Zalo