Đánh thức các di sản đặc biệt

Các hoạt động sáng tạo tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội được tổ chức trong những năm gần đây, đặc biệt là Lễ hội 2024 đang diễn ra đã góp phần 'thổi sinh khí' vào di sản, tạo cơ hội để người dân tiếp cận gần hơn các di sản kiến trúc đặc sắc.

Hướng dẫn khách tham quan Nhà khách Chính phủ - một trong những điểm đến ưa thích tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024. Ảnh: Việt Linh.

Hướng dẫn khách tham quan Nhà khách Chính phủ - một trong những điểm đến ưa thích tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024. Ảnh: Việt Linh.

Trong những ngày qua, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 đã tạo sức hút lớn đến người dân Thủ đô và du khách. Trong đó, Tổ hợp triển lãm “Cảm thức Đông Dương” tại Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Tổng hợp) đã đón 10.000 lượt người tham quan chỉ trong ngày 10/11; cùng ngày, Tổ hợp triển lãm “Cung Thiếu nhi - Hoài niệm cho tương lai” cũng đón hơn 8.000 người...

Các không gian trưng bày tại Vườn hoa 19/8, Pavillion (công trình kiến trúc phụ trợ) “Dòng” tại Vườn hoa Diên Hồng và Nhà khách Chính phủ (Bắc Bộ Phủ), Pavillion “Rồng rắn lên mây” tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia… cũng là những điểm thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm.

Còn tại các di sản như Nhà khách Chính phủ (Bắc Bộ Phủ), Cung Thiếu nhi Hà Nội... khách tham quan đã biết thêm được nhiều thông tin và câu chuyện thú vị “lần đầu được nghe kể” xung quanh công trình di sản này.

Hà Nội là một tập hợp các dấu tích vật chất muôn vẻ, trong đó, những công trình kiến trúc tạo ra một khối di sản làm nên diện mạo hấp dẫn của đô thị. Đặc biệt, các công trình trên trục phố Lý Thái Tổ - Lê Thánh Tông - Tràng Tiền có ý nghĩa đặt nền móng cho một Hà Nội mang hình thái hiện đại, trải từ cuối thế kỷ 19 đến nửa sau thế kỷ 20.

Bởi vậy, nhiều vị khách mặc dù ở ngay Hà Nội nhưng đây lại là lần đầu được đến tham qua, trải nghiệm và với họ, đó là những cảm xúc vô cùng đặc biệt. Chị Thu Hà, ở quận Đống Đa (Hà Nội) chia sẻ, tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhưng đây là lần đầu tiên được đặt chân vào Bắc Bộ Phủ. Một trải nghiệm vô cùng thú vị khi được tham quan một trong những di sản nổi bật của Thủ đô. Từ hàng rào đến phòng khách, cầu thang gỗ bóng nhoáng.... không chỉ toát lên vẻ đẹp kiến trúc theo phong cách cổ điển Pháp mà còn mang tính biểu tượng của tòa nhà gắn với quá trình giành độc lập, bảo vệ và xây dựng đất nước.

Đúng như chia sẻ của GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính, lễ hội đã “đánh thức” để chúng ta không thờ ơ với thành phố mình đang sống. “Tôi rất trân trọng sự dũng cảm của các kiến trúc sư, các nghệ sĩ với những tác phẩm ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại để làm sống lại những di sản” - ông Kính nói.

Còn KTS Nguyễn Hồng Quang thì cho rằng, Lễ hội là một không gian thú vị để nhiều đối tượng hưởng lợi, đặc biệt là cộng đồng sáng tạo. Chúng ta có không gian để khoe được tác phẩm của mình, để liên ngành, đưa ra những sáng tạo mới mẻ hơn. Mỗi tác phẩm giống như một lối vào để công chúng được tiếp cận với những viên ngọc quý, đó là các di sản kiến trúc.

Ở một góc nhìn khác, KTS Hoàng Thúc Hào - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam trăn trở, trải qua 4 kỳ lễ hội, chúng tôi nhận thấy di sản văn hóa luôn luôn được quan tâm. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Làm sao để việc phát huy di sản có tính chiến lược? Làm sao để sau 1 tuần Lễ hội, chúng ta không phải “đóng gói” tác phẩm rồi không biết cất đâu?

Về vấn đề này, KTS Nguyễn Hồng Quang cho rằng, rút kinh nghiệm của những Lễ hội trước, năm nay Ban tổ chức đã dành một khoảng thời gian dài để nghiên cứu làm sao có được những tác phẩm có tính bền vững. Các pavilion năm nay được làm tiết chế hơn, đặt trong những không gian ổn định, có thể tiếp cận người xem lâu hơn.

Còn theo Giám tuyển Vân Đỗ, với những công trình đã “ngủ quên” như Cung thiếu nhi Hà Nội, nơi tổ chức khoảng 40 hoạt động dịp này, có những tác phẩm chỉ mang tính thời điểm, cũng có những tác phẩm sẽ được để lại làm sân chơi cho thiếu nhi sau Lễ hội. “Chúng tôi cố gắng khích lệ một không gian đang ngủ quên với hy vọng có thể là nơi nuôi dưỡng sáng tạo không chỉ cho thiếu nhi mà cả cho người lớn” - Giám tuyển Vân Đỗ chia sẻ.

Được UNESCO ghi danh vào Mạng lưới các Thành phố sáng tạo trên thế giới, Hà Nội đã và đang từng bước chuyển động theo hướng: “Lấy sự sáng tạo và coi nền kinh tế sáng tạo làm cốt lõi trong tiến trình phát triển thành phố năng động, toàn diện và bền vững”. Trong quá trình ấy, di sản văn hóa vừa là nền tảng tinh thần và vật chất để xây dựng thành phố sáng tạo, vừa chính là một nhân tố tham gia trực tiếp vào việc tạo lập các không gian sáng tạo của thành phố.

Ngọc Hà

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/danh-thuc-cac-di-san-dac-biet-10294516.html
Zalo