'Đánh thức' An Phú

An Phú là cửa ngõ phía Đông của TP. Pleiku với tên đất, tên người thân quen gắn với bao đời. Tạo hóa ưu ái ban tặng cho vùng ven đô hệ sinh thái đa dạng, cảnh quan hữu tình; đồng thời cũng là nơi in dấu những trầm tích văn hóa lịch sử.

Bằng những trải nghiệm của một người đã từng gắn bó với mảnh đất An Phú, tôi mạn phép đưa ra một vài gợi dẫn mang đến cái nhìn tổng quan trong hành trình “đánh thức” đô thị vệ tinh này.

Lịch sử phát triển của đô thị Pleiku bắt nguồn từ những ngôi làng. Thậm chí, trong ý niệm phát triển sau này, quan điểm “làng trong phố, phố trong làng” vẫn còn nguyên giá trị. Vì thế, ngoài việc xây dựng các đô thị hạt nhân như: khu đô thị suối Hội Phú, khu đô thị Nguyễn Văn Linh, Hoa Lư-Phù Đổng, Cầu Sắt thì việc quan tâm phát triển đô thị vùng ven như An Phú cũng cần kịp thời. Mở rộng quy hoạch phát triển đô thị không được “bỏ quên” nông thôn và nông dân, bởi đó là các tác nhân trực tiếp liên quan đến đô thị.

Từ tên đất, tên làng

Khi mới mở đất, lập làng, các bậc tiền nhân đã chọn vùng đất An Phú bằng phẳng, hiền hòa, cảnh đẹp bốn mùa xanh tươi. Theo “Địa chí Gia Lai” (Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc, 1999) thì đến thế kỷ XIX, người Kinh mới lên vùng đất An Phú lập nghiệp. Hồi đó, ở vùng phụ cận có làng Phú Thọ do ông “chủ mộ” Nguyễn Miêng mộ dân, lập làng. Khởi nguồn từ hành trình di dân ngược ngàn, người Kinh bắt đầu gắn bó vùng đất mới. Họ sống tụ cư thành xóm, rồi lập nên làng.

Cùng với đó, họ mang theo nét văn hóa miền đồng bằng lên Tây Nguyên; đồng thời, tiếp thu những cái mới. Vì thế mới có thôn Phú Thọ trù phú, thôn An Mỹ hiền hòa (sau này, 2 thôn hợp nhất thành xã An Phú).

Ngày nay, với bản tính chịu thương, chịu khó cùng lối giao đãi chân thật, thẳng ngay, đất và người An Phú đem lại cho du khách sự ngạc nhiên đáng nhớ. Vậy nên, nếu được trải nghiệm sự khác biệt về phong thổ, tập quán của cư dân đồng bằng giữa một Tây Nguyên giàu bản sắc, chắc chắn sẽ mang lại ấn tượng khó quên cho du khách, nhất là những người thích khám phá và tìm hiểu văn hóa.

Ruộng đồng An Phú bằng phẳng, hiền hòa, bốn mùa xanh mát. Ảnh: N.T.D

Ruộng đồng An Phú bằng phẳng, hiền hòa, bốn mùa xanh mát. Ảnh: N.T.D

Mặc dù người Kinh đến vùng đất An Phú định cư từ rất sớm nhưng đến tận bây giờ, họ vẫn mang nặng khẩu ngữ của người xứ nẫu (Bình Định). Mặc dù có sự giao thoa thích ứng với người địa phương, nhưng An Phú xưa và nay không đánh mất căn cốt, không bị va đập trong cuộc chuyển đổi của đời sống.

Chính vì không đánh mất căn cốt nên bên trong các thôn, làng là những nếp nhà đượm màu thời gian, bất chấp quá trình đô thị hóa. Những ngôi nhà nhỏ với lối kiến trúc đặc trưng của nhiều thập niên trước vẫn hiện diện dọc quốc lộ 19. Hầu hết chúng được xây dựng từ những thập niên 70, 80 của thế kỷ trước. Không những thế, nơi này vẫn còn giữ được những ngôi nhà 3 gian, lợp ngói.

Một đời sống khác biệt so với những vùng ven của Pleiku. Thấp thoáng dưới mái nhà cây trái tốt tươi, xa hơn là cánh đồng lúa dập dờn sóng vỗ. Ruộng đồng An Phú như bức tường thành bảo vệ sự trường tồn của thành phố. Cứ thế bám rễ, ăn sâu, theo thời gian trở thành nguồn cội vùng đất.

Hướng đến du lịch sinh thái cộng đồng

Để những giá trị vùng đất trở thành nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội, điều ai cũng có thể nhìn thấy đó là thông qua du lịch. Muốn như thế cần nghĩ đến xu hướng trải nghiệm du lịch cộng đồng từ chính người dân chất phác quanh năm cùng ruộng đồng.

Cũng như một số vùng ven của TP. Pleiku, An Phú có nhiều lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng. Trong đó, phải kể đến du lịch cộng đồng gắn với những sản phẩm hỗ trợ cho du lịch mang dáng dấp truyền thống vùng nông thôn (vùng chuyên trồng rau truyền thống, vùng đổi mới phương pháp như mô hình trồng lagim…); hoặc các sản phẩm đặc trưng từ du lịch cộng đồng như chọn nghỉ dưỡng tại nhà vườn, trang trại, làng rau, làng lúa.

Hay cũng có thể là tham quan, trải nghiệm tại các trại hoa cây cảnh, thâm nhập đời sống, tìm hiểu phong tục, tập quán của người dân địa phương; giao lưu trao đổi sinh hoạt văn hóa truyền thống. Đó là chưa kể đến việc tham quan di tích An Phú.

Dạo quanh An Phú một vòng, tôi gặp bà Hà Thị Kim Anh (thôn 2) đang thoăn thoắt cắt rau, rồi nhanh tay cột thành từng bó. Bà tâm sự: Nhờ nghề trồng rau này mà bà nuôi 2 đứa con hoàn thành chương trình đại học. Dịp sốt đất nông nghiệp, giá đất cao, nhiều cò đất hỏi thăm muốn mua, nhưng bà không bán. Nếu nơi đây được hỗ trợ, đầu tư phát triển du lịch, bà sẽ giao lại cho con để chúng có cơ hội phát triển kinh tế.

Nghề làm rau ở xã An Phú có tuổi đời hơn 100 năm. Ảnh: N.T.D

Nghề làm rau ở xã An Phú có tuổi đời hơn 100 năm. Ảnh: N.T.D

Theo bà Nguyễn Thị Hiệp-Chủ tịch UBND xã An Phú: “An Phú có nhiều lợi thế để phát triển loại hình du lịch cộng đồng. Nhưng cần có một lộ trình dài hơi, bài bản, xây dựng quy hoạch cụ thể, chi tiết để phát triển du lịch cộng đồng một cách bền vững”.

Cũng theo bà Hiệp, điều cốt yếu là phải làm sao để mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch trên chính mảnh đất quê hương; để họ sẵn sàng tâm thế tiếp đón du khách. Muốn làm được điều đó, trước hết cần học tập các mô hình du lịch cộng đồng hiệu quả trên cả nước; từ đào tạo kỹ năng, thành lập hợp tác xã du lịch, điều phối dựa trên năng lực sẵn có, thành viên sẵn có đến việc vận hành du lịch và đặt ra quy chế hoạt động riêng.

Chú trọng vào con người, chú trọng vào văn hóa. Ưu tiên phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, du lịch cùng trải nghiệm: từ việc du khách tự tay ngắt bông hoa, cắt một luống rau đến cần mẫn cấy lúa trên đồng… và cuối cùng là được sử dụng sản phẩm do chính họ làm ra.

Bên cạnh đó, dựa vào cộng đồng, lấy cộng đồng làm chủ. Đi kèm phát triển du lịch là cảnh quan thiên nhiên được bảo tồn.

Để không bị mai một hay mất gốc cần tham khảo các tiêu chí từ các làng du lịch cộng đồng khác như: phải là người gốc An Phú hoặc 3 đời cư trú sẽ được ưu tiên mở các homestay; nâng cao vai trò điều phối của mỗi cá nhân trong tập thể. Mỗi người dân được bàn, được làm du lịch, được giám sát và lợi ích được phân chia hợp lý.

Thông qua sự kết nối từ đối tác lữ hành với người dân sẽ tạo ra nhiều sản phẩm dịch vụ mới lạ, hấp dẫn phục vụ du khách, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ, người dân có thể yên tâm vừa sản xuất, vừa làm du lịch, vừa quảng bá vùng đất, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

...Hy vọng trong tương lai không xa, An Phú sẽ có sự phát triển vượt bậc. Hãy “đánh thức” một vùng đất có truyền thống và bề dày văn hóa từ chính mạch nguồn mảnh đất cha ông. Chúng ta hoàn toàn có thể tin vào một An Phú phát triển du lịch nông nghiệp xanh, du lịch cộng đồng bền vững được “đánh thức” sau giấc ngủ dài.

NGUYỄN THỊ DIỄM

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/danh-thuc-an-phu-post291118.html
Zalo