Danh sách thuốc giả Bộ Y tế yêu cầu không được kinh doanh, buôn bán

Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành và Y tế các ngành khẩn trương thông báo đến các cơ sở kinh doanh, cơ sở sử dụng thuốc không được kinh doanh, buôn bán, sử dụng các sản phẩm thuốc giả.

Cẩn thận sử dụng thuốc. Ảnh: Bnews phát

Cẩn thận sử dụng thuốc. Ảnh: Bnews phát

16 sản phẩm không thuộc danh mục thuốc đã được Bộ Y tế cấp giấy đăng ký lưu hành, gồm:

Danh sách thuốc giả Bộ Y tế yêu cầu không được kinh doanh, buôn bán

Danh sách thuốc giả Bộ Y tế yêu cầu không được kinh doanh, buôn bán

Cục Quản lý Dược yêu cầu các Sở Y tế thực hiện nghiêm Công điện số 41/CĐ-TTg ngày 17/4/2025 về xử lý vụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe; Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền...

Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh rà soát lại quy trình mua thuốc, cung ứng thuốc và tình hình cung ứng thuốc trong thời gian qua; bảo đảm thuốc được cung ứng là thuốc đã được cấp giấy phép lưu hành và được cung ứng từ các cơ sở kinh doanh dược hợp pháp, có hóa đơn chứng từ đầy đủ.

Trường hợp phát hiện thuốc có dấu hiệu nghi ngờ giả, thuốc chưa được cấp phép lưu hành, lập tức niêm phong, không tiếp tục sử dụng thuốc và báo cáo cơ quan quản lý y tế, cơ quan chức năng để kiểm tra, xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật.

Các Sở Y tế cũng cần phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí thông tin tới các cơ sở buôn bán, sử dụng thuốc và người dân biết để không buôn bán, sử dụng các thuốc giả trên; chỉ mua bán thuốc tại các cơ sở kinh doanh dược hợp pháp; không mua bán thuốc không rõ nguồn gốc; thông báo các dấu hiệu nghi ngờ về sản xuất, kinh doanh thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc tới cơ quan y tế và cơ quan có chức năng.

Song song đó, phải tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dược, cơ sở bán buôn, bán lẻ, sử dụng thuốc trên địa bàn, chú trọng kiểm tra nguồn gốc thuốc do các cơ sở kinh doanh, sử dụng; chỉ đạo Trung tâm kiểm nghiệm tăng cường lấy mẫu, kiểm tra chất lượng thuốc lưu hành trên địa bàn với các thuốc có nguy cơ bị làm giả hoặc kém chất lượng...

Những lưu ý người dân cần biết để tránh mua thuốc giảCảnh giác với thuốc bán online

Từ ngày 1/7 tới, khi Luật số 44/2024 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Dược có hiệu lực thi hành thì một số thuốc (thuốc không kê đơn) mới được kinh doanh (bán lẻ) theo phương thức thương mại điện tử trên sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, website thương mại điện tử bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến.

Theo đó, Cục Quản lý Dược lưu ý người dân, sau ngày 1/7, nếu mua thuốc qua mạng, người dân chỉ mua thuốc trên các trang web được cấp phép bán thuốc trực tuyến; không mua qua các nền tảng mạng xã hội hoặc người bán cá nhân không rõ danh tính.

Khi mua thuốc ở các nhà thuốc, quầy thuốc, người dân chỉ mua thuốc ở nơi được cấp phép, có uy tín và địa chỉ rõ ràng. Không mua từ nguồn không rõ ràng như chợ, hàng rong hoặc qua các trang mạng xã hội, livestream...

Bộ Y tế cũng lưu ý, người dân cần kiểm tra bao bì và thông tin trên vỏ thuốc như bao bì phải nguyên vẹn, không rách, mờ hoặc có dấu hiệu bị chỉnh sửa. Kiểm tra các thông tin như tên thuốc, số lô, ngày sản xuất, hạn sử dụng, số đăng ký, tên nhà sản xuất. Các thông tin này phải rõ ràng, không tẩy xóa.

Đồng thời, so sánh với bao bì chính hãng (nếu có) để phát hiện sự khác biệt về màu sắc, chữ in hoặc logo. Quan sát màu sắc, kích thước, ký hiệu trên viên thuốc, hộp thuốc, nếu có sự khác biệt so với lần sử dụng trước hoặc so với mô tả chính hãng, không nên sử dụng.

Sử dụng ứng dụng quét mã vạch/mã QR để kiểm tra thông tin sản phẩm (trường hợp có in mã vạch/mã QR trên vỏ hộp, mã không quét được hoặc thông tin không khớp, hãy nghi ngờ).

Mua thuốc cần có hóa đơn và chú ý giá cả bất thường

Khi mua thuốc, người dân cần yêu cầu hóa đơn mua hàng để đảm bảo nguồn gốc. Hóa đơn cũng là cơ sở để khiếu nại nếu phát hiện thuốc giả.

Thuốc giả thường được bán với giá rẻ bất thường để thu hút người mua. Nếu giá quá thấp so với thị trường, người dân cần cẩn trọng. Đồng thời, tránh tin vào các lời quảng cáo "thần dược" hoặc thuốc không rõ nguồn gốc được rao bán qua mạng hoặc truyền miệng.

Nếu phát hiện dấu hiệu thuốc giả, người dân cần báo ngay cho cơ quan chức năng như Sở Y tế, Cục Quản lý Dược hoặc công an địa phương để xử lý. Nếu đã mua phải thuốc giả, ngừng sử dụng ngay và liên hệ cơ sở y tế để được tư vấn. Việc sử dụng thuốc giả có thể gây nguy hiểm nghiêm trọng đến sức khỏe.

Để tìm hiểu thông tin từ nguồn chính thức, người dân nên tra cứu thông tin thuốc trên website của Cục Quản lý Dược (dav.gov.vn) hoặc các trang web uy tín của nhà sản xuất, hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi mua. Đối với thuốc kê đơn chỉ mua thuốc theo đơn thuốc của bác sỹ.

An Ngọc/Bnews/vnanet.vn

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/danh-sach-thuoc-gia-bo-y-te-yeu-cau-khong-duoc-kinh-doanh-buon-ban/374432.html
Zalo