Danh nhân tuổi Mão

Người tuổi mèo (sinh năm Mão) thường được coi là người linh hoạt, nhạy bén, mưu lược, tài hoa, gặp nhiều may mắn và thành đạt. Phải chăng vì thế, trong số những danh nhân ảnh hưởng lớn tới tiến trình lịch sử Việt Nam, có khá nhiều vị tuổi Mão.

Trần Nhật Duật

Ông sinh năm Ất Mão (năm 1255), quê ở tỉnh Nam Định, là con thứ 6 của vua Trần Thái Tông và là danh tướng, người anh hùng trong trận Hàm Tử đánh giặc Nguyên - Mông (năm 1285). Chẳng những rất giỏi việc chính trị, quân sự, thông thạo ngôn ngữ, phong tục tập quán của các sắc tộc trong và ngoài nước, ông còn là nhà sáng tác âm nhạc, nhà văn xuất sắc. Trần Nhật Duật từng phục vụ 4 triều vua Trần (Nhân Tông, Anh Tông, Minh Tông, Hiến Tông), làm quan đến chức Thái sư (Tể tướng), ông có nhiều công lao trong xây dựng và bảo vệ đất nước, đem lại an lành cho dân.

Phạm Ngũ Lão

Ông sinh năm Ất Mão (năm 1255), quê ở tỉnh Hưng Yên, danh tướng đời Trần giỏi cả văn - võ, có chí lớn, được Trần Hưng Đạo tin cẩn gả con gái nuôi cho và tiến cử vào triều làm tướng.

Danh tướng Phạm Ngũ Lão. Tranh minh họa.

Danh tướng Phạm Ngũ Lão. Tranh minh họa.

Trong hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông xâm lược (năm 1285 và 1288), ông đều lập công lớn, được ban thưởng đặc biệt và thăng tới Điện soái Thượng tướng quân. Bài “Thuật hoài” của ông là một tác phẩm văn học nổi tiếng: Vung gươm sông núi đã bấy lâu/ Ba quân như cọp nuốt trôi trâu/ Công danh trai tráng còn mang nợ/ Những thẹn khi nghe chuyện Vũ Hầu.

Nguyễn Đăng Đạo

Ông sinh năm Tân Mão (năm 1651), quê ở tỉnh Bắc Ninh, danh sĩ thời Lê Trung Hưng. Nguyễn Đăng Đạo sinh ra và lớn lên trong không gian văn hóa xứ Kinh Bắc, lại được thừa hưởng một truyền thống hiếu học, khoa bảng của gia đình và dòng họ, cho nên sớm bộc lộ tư chất thông minh, hiếu học.

Nguyễn Đăng Đạo từng đảm nhiệm các chức: Bồi tụng, Hộ bộ Hữu Thị lang, Lại bộ Hữu Thị lang, Ngự sử đài Đô ngự sử, Binh bộ Thượng thư... sau được thăng Tham tụng, Lễ bộ Thượng thư kiêm Đông các Đại học sĩ, Nhập thị Kinh diên, tước Thọ Lâm bá. Trong thời gian làm quan, ông hai lần được giữ chức Tri Cống cử trông coi việc tuyển dụng nhân tài cho đất nước ở kỳ thi Hội. Ông cũng được trao trọng trách dẫn đầu đoàn sứ bộ sang triều Thanh đòi lại ba động Ngưu Dương, Hồ Điệp, Phổ Viên thuộc xứ Tuyên Quang. Ông từng cùng vợ đem hết tiền của dành dụm được cứu trợ dân nghèo, lại sống rất cần, kiệm, liêm, chính, tận tụy vì nước nên được người đương thời trọng vọng.

Nguyễn Thiếp

Ông sinh năm Quý Mão (năm 1723), quê ở tỉnh Hà Tĩnh, là xử sĩ, danh sĩ, thời Lê mạt và Tây Sơn. Năm 20 tuổi ông đỗ hương giải, làm quan ít lâu rồi về ở ẩn trên núi Thiên Nhận với nhiều tên hiệu. Nổi tiếng về tài năng thơ văn, tầm nhìn xa rộng và khí phách quân tử, ông được người đứng đầu ba triều đại đối nghịch nhau (chúa Trịnh Sâm, Hoàng đế Quang Trung, vua Gia Long) đều kính trọng, mời giúp việc chính trị. Nể lời mời nhiều lần của vua Quang Trung, ông ra giúp nhà Tây Sơn, làm Viện trưởng Viện Sùng chính. Ông được coi là một “dị nhân” trong lịch sử Việt Nam.

Phan Bội Châu

Chí sĩ Phan Bội Châu sinh năm Đinh Mão (1867), quê ở tỉnh Nghệ An. Ông cũng là danh sĩ, nhà chính trị xuất sắc thời cận đại. Nổi tiếng thông minh từ nhỏ, năm 1900 Phan Bội Châu thi đỗ Giải nguyên trường thi Nghệ An. Nhiệt tình yêu nước, năm 17 tuổi, ông đã hưởng ứng phong trào Cần Vương, viết bài hịch “Bình Tây thu Bắc” rồi cùng bạn thành lập Đội Sĩ tử Cần Vương tại quê nhà. Năm 1904, ông vận động thành lập Hội Duy Tân, năm sau sang Trung Quốc, rồi Nhật Bản gây dựng phong trào Đông Du cứu quốc. Năm 1908, ông bị trục xuất khỏi Nhật, trở lại Trung Quốc, rồi sang Thái Lan xây dựng căn cứ chính trị.

Sau Cách mạng Tân Hợi 1911 (Trung Quốc), Phan Bội Châu thành lập Việt Nam Quang Phục hội; ông bị bắt giam ở Quảng Châu. Ra tù, càng tích cực hoạt động, năm 1922 ông cải tổ Việt Nam Quang Phục hội thành Đảng Việt Nam Quốc dân. Năm 1925, bị tay sai Pháp bắt cóc ở Thượng Hải, đưa về nước, chịu án khổ sai chung thân. Trước áp lực bởi phong trào đấu tranh đòi ân xá cho ông, Toàn quyền Pháp Varenne buộc phải ra lệnh giảm án, giam lỏng Phan Bội Châu ở Huế và ông sống tại đây đến cuối đời (năm 1940). Ông để lại nhiều tác phẩm văn chương và báo chí giàu nhiệt huyết cách mạng, được phổ biến sâu rộng trong quần chúng với sức lay động lớn.

Công Hiếu

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/van-hoa/397870/danh-nhan-tuo-i-ma-o.html
Zalo