Dành nguồn lực thích hợp để triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ

Ngày 30/9, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức khai mạc sự kiện Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024 với chủ đề: Thúc đẩy đổi mới sáng tạo - Động lực cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững.

Các đại biểu tham quan gian hàng tại sự kiện.

Các đại biểu tham quan gian hàng tại sự kiện.

Phát biểu ý kiến tại sự kiện, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh: Nhìn lại chặng đường phát triển những năm qua, có thể tự hào khi Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong các bảng xếp hạng quốc tế. Theo Báo cáo Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu (GII) của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) năm 2024, Việt Nam hiện xếp hạng 44/133 quốc gia, duy trì vị trí dẫn đầu trong nhóm các nước thu nhập trung bình thấp. Trong suốt 10 năm qua, xếp hạng của Việt Nam đã tăng hơn 30 bậc, một minh chứng rõ rệt cho sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp trong việc thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu ý kiến.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu ý kiến.

Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã và đang đóng góp vai trò rất lớn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Trong các lĩnh vực trọng yếu như nông nghiệp, xây dựng, y tế, giáo dục và công nghiệp. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo không chỉ là động lực chính giúp nâng cao năng suất, tăng trưởng bền vững, mà còn giúp tạo ra những mô hình kinh doanh mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và quốc gia trên trường quốc tế.

Thủ đô Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị mà còn là điểm sáng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong khu vực. Với những bước tiến quan trọng trong việc xây dựng khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội đã thu hút hơn 300 dự án đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ cao, với tổng vốn đăng ký đầu tư lên tới hơn 8 tỷ USD.

Bên cạnh đó, Hà Nội đã tiên phong trong việc phát triển các khu đô thị thông minh, tích hợp công nghệ AI, big data, và Internet vạn vật (IoT) vào quản lý hạ tầng đô thị, giao thông và y tế, góp phần tạo ra những đột phá trong năng lực cạnh tranh của thành phố.

Sự kiện "Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024" được tổ chức tại thành phố Hà Nội, với chủ đề Thúc đẩy đổi mới sáng tạo - Động lực cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững là một trong những hoạt động có định hướng của Bộ Khoa học và Công nghệ nhằm thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo cho các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp tại Thủ đô Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh hàng hóa của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các nhà khoa học ứng dụng kết quả của mình vào sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Với những mong muốn thúc đẩy hiệu quả hơn nữa hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo, mang lại giá trị gia tăng và đóng góp vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội, Bộ Khoa học và Công nghệ mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp của các ban, bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp và nhà khoa học trên cả nước để tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tăng cường sự phối hợp nhằm nâng cao sự liên kết và thống nhất trong tầm nhìn chiến lược về phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo trong đó doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm; viện nghiên cứu trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh; thúc đẩy xã hội hóa các nguồn lực đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là nguồn lực từ doanh nghiệp.

Hai là, tăng cường sự phối hợp và dành nguồn lực thích hợp để tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ và đẩy mạnh hoạt động đổi mới công nghệ, coi đây là một trong những giải pháp trọng tâm để mỗi doanh nghiệp, mỗi ngành và cả nền kinh tế có thể nâng cao năng suất lao động.

Ba là, triển khai các giải pháp nhằm phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả và hội nhập: tăng cường gắn kết chặt chẽ giữa người sản xuất, doanh nghiệp, địa phương và các đơn vị nghiên cứu, đồng thời huy động được các nguồn lực khác nhau (trong và ngoài nước) hỗ trợ để thúc đẩy việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo tại các doanh nghiệp; Mở rộng hoạt động kết nối cung-cầu công nghệ sang một số nước phát triển để tăng cường hoạt động chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên.

Bốn là, cần tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là các đề án sửa đổi, bổ sung các luật đã đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ nhiệm kỳ này, bảo đảm mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, hình thành môi trường pháp lý thuận lợi và đồng bộ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu ý kiến.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu ý kiến.

Đánh giá về những kết quả đạt được trong thời gian qua, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết: Trong 9 tháng đầu năm 2024, Hà Nội đã đạt được nhiều thành quả về phát triển kinh tế-xã hội. Tốc độ tăng trưởng GRDP của thành phố đạt 6,65%, khẳng định vai trò trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa của cả nước. Năng suất lao động tăng vượt trội, đạt mức 3,209 triệu đồng/lao động, cao gấp 1,6 lần so với bình quân cả nước. Mức đóng góp của yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP của Hà Nội tăng dần hằng năm.

Hà Nội là địa phương tập trung hơn 70% tổ chức khoa học, công nghệ, trường đại học, viện nghiên cứu và 82% phòng thí nghiệm của cả nước (trong đó có 14 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia), với hơn 65% nhà khoa học đầu ngành của cả nước đang sinh sống và làm việc. Thành phố xác định đây là lợi thế đặc biệt quan trọng để Thủ đô tập trung đầu tư cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Từ năm 2021 đến nay, Hà Nội đã và đang triển khai gần 300 nhiệm vụ thuộc 9 chương trình khoa học-công nghệ cấp thành phố và chương trình phát triển tài sản trí tuệ. Kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào thực tiễn với tỷ lệ cao, các dự án sản xuất thử nghiệm được áp dụng 100% kết quả các đề tài, đề án được áp dụng ngay khoảng 90%. Số lượng đơn đăng ký, bằng chứng nhận sở hữu công nghiệp, số công bố quốc tế trên địa bàn Hà Nội luôn dẫn đầu toàn quốc.

Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024 được tổ chức với quy mô quốc gia, bao gồm nhiều hoạt động chuyên sâu về công nghệ và đổi mới sáng tạo; tập trung vào các lĩnh vực đang thu hút sự quan tâm của xã hội và doanh nghiệp, với sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp lớn, viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước.

Sự kiện sẽ thu hút từ 2.500 đến 3.000 người tham dự trực tiếp và 7.000 đến 10.000 người tham dự trực tuyến, cùng với không gian trình diễn công nghệ quy mô.

MINH TUẤN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/danh-nguon-luc-thich-hop-de-trien-khai-cac-giai-phap-ho-tro-doanh-nghiep-doi-moi-cong-nghe-post833992.html
Zalo