'Đánh mạnh' tội phạm ma túy trên các tuyến trọng điểm
Hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép các chất, tiền chất ma túy ở Việt Nam đang diễn biến rất phức tạp với nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội của các đối tượng ngày càng tinh vi, xảo quyệt, manh động và liều lĩnh.
Chủ động ngăn chặn loại tội phạm này từ sớm, từ xa, các lực lượng phòng chống tội phạm về ma túy đang tập trung "đánh mạnh" loại tội phạm này trên toàn bộ các tuyến trọng điểm.
Tây Bắc - tuyến trọng điểm, phức tạp về ma túy
Từ nguồn tin của quần chúng nhân dân cung cấp, mới đây Công an tỉnh Sơn La phát hiện một nhóm đối tượng (quốc tịch Lào) nghi vấn là anh em họ hàng tập kết số lượng lớn ma túy ở khu vực biên giới xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, cất giấu trong rừng và cử người canh gác, rồi tìm mối tiêu thụ, thẩm lậu ma túy vào tỉnh Sơn La. Quá trình vận chuyển, các đối tượng có sử dụng vũ khí quân dụng.
Sau khi xác định đối tượng cầm đầu, nắm được quy luật hoạt động, phương thức, thủ đoạn của nhóm đối tượng, Công an Sơn La xác lập chuyên án, phối hợp Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chiềng Khương triệt xóa đường dây này. Tối 17/12, lực lượng chức năng vây bắt các đối tượng tại khu vực giáp biên giới thuộc địa phận bản Puông, xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã. Quá trình bắt giữ, các đối tượng đã dùng súng quân dụng và dao quắm chống trả quyết liệt.
Lực lượng chức năng đã khống chế thành công Vẳng Phôn Thong (sinh năm 1998, trú tại huyện Mường Ét, tỉnh Hủa Phăn, Lào), thu 1 khẩu súng quân dụng, 1 hộp tiếp đạn có 1 viên đã lên nòng, 1 dao quắm dài 47cm. Các đối tượng còn lại lợi dụng trời tối, dùng vũ khí chống trả và bỏ chạy về phía bên kia biên giới. Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ 3 bao tải dứa có trọng lượng trên 43,5 kg chứa 444.300 viên ma túy tổng hợp và một số vật chứng liên quan khác.
Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04, Bộ Công an), tuyến Tây Bắc có địa hình rừng núi hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, dân cư thưa thớt, chủ yếu là người dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn nên bà con dễ bị các đối tượng xấu dụ dỗ, lôi kéo, mua chuộc vào con đường vi phạm pháp luật về ma túy. Vì vậy, đây luôn được xác định là tuyến trọng điểm, phức tạp về tội phạm và tệ nạn ma túy ở nước ta. Nguồn ma túy chủ yếu được vận chuyển từ “Tam giác vàng” qua các tỉnh của Lào rồi đưa về các tỉnh biên giới tiếp giáp với Việt Nam, khi có cơ hội các đối tượng vận chuyển ma túy qua biên giới vào các tỉnh Sơn La, Điện Biên.
Các đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm cũng lẩn trốn tại địa bàn huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình và huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên cấu kết, móc nối với các đối tượng trong nước và các đối tượng ở các nước Lào, Myanmar, Trung Quốc để hình thành các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ Lào vào Việt Nam và đưa sang Trung Quốc tiêu thụ.
Nguy cơ tiềm ẩn trên toàn bộ các tuyến
Những phức tạp về tội phạm ma túy không chỉ trên tuyến Tây Bắc. Báo cáo mới nhất của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cho thấy, tình hình tội phạm ma túy trên toàn bộ các tuyến Đông Bắc, Bắc miền Trung - Tây Nguyên, Tây Nam cũng đang diễn biến khó lường, nhiều nguy cơ tiềm ẩn.
Như tuyến Đông Bắc, gần đây đã xuất hiện nhiều hơn tình trạng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ Việt Nam sang Trung Quốc qua biên giới đường bộ (Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn). Một số điểm trên hàng rào biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc bị người dân phá làm đường mòn đi lại, các đối tượng cũng lợi dụng điểm này để vận chuyển ma túy sang Trung Quốc. Các đối tượng trên tuyến thường móc nối với các đối tượng ngoài tỉnh và người Lào, người Trung Quốc, người thân trong gia đình, dòng tộc, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng ở vùng giáp biên để thiết lập các đường dây vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy khép kín hoạt động liên tuyến, liên tỉnh, xuyên quốc gia.
Tại tuyến Bắc miền Trung - Tây Nguyên, ma túy tiếp tục được mua bán, vận chuyển trái phép từ Lào (khu vực Tam giác vàng), Campuchia vào địa bàn các tỉnh trên tuyến. Các đối tượng trong nước câu kết với các đối tượng sống ở khu vực giáp biên, đặc biệt nhóm đối tượng là người dân tộc thiểu số ở Việt Nam sang Lào định cư hoặc trốn, nhập quốc tịch Lào để điều hành việc mua bán ma túy, đồng thời thuê các nhóm người Lào có trang bị vũ khí vận chuyển ma túy trái phép qua biên giới vào địa bàn các tỉnh của Việt Nam.
Đặc biệt thời gian gần đây, lực lượng chức năng đã phát hiện lượng lớn lên tới hàng tấn ma túy tổng hợp được một số đối tượng người Trung Quốc mở xưởng điều chế, sản xuất ngay sát biên giới Việt Nam, sau đó vận chuyển vào Việt Nam rồi vận chuyển đi Đài Loan (Trung Quốc) tiêu thụ.
Và gần đây, ma túy từ Campuchia vận chuyển qua tuyến biên giới Tây Nam có xu hướng dịch chuyển sang tỉnh Bình Phước, An Giang và từ Lào qua các tỉnh Bắc miền Trung rồi tập kết tại các kho ở các tỉnh giáp ranh Thành phố Hồ Chí Minh, sau đó trung chuyển về các kho ở các quận, huyện như: Quận 12, Bình Tân, Tân Phú, huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè… để ngụy trang trong các loại hàng hóa rồi dùng các công ty do các đối tượng thành lập để xuất đi nước thứ ba tiêu thụ.
Phòng, chống ma túy từ sớm, từ xa
Theo Trung tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04, Bộ Công an), trước diễn biến khó lường, phức tạp về tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy ở Việt Nam, vừa qua C04 đã tham mưu với lãnh đạo Bộ Công an báo cáo lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội nhiều chủ trương, chính sách lớn trong công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy.
“Chúng tôi quán triệt phương châm đấu tranh quyết liệt với tội phạm ma túy theo hướng mở rộng triệt xóa toàn bộ đường dây, không đánh khúc giữa, truy xét tận gốc- nơi xuất phát của tội phạm ma túy, kể cả ở nước ngoài. C04 và Công an các đơn vị, địa phương đã khám phá thành công hàng chục nghìn vụ án lớn, triệt phá nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia, thu giữ hàng tấn ma túy các loại”, Trung tướng Nguyễn Văn Viện nhấn mạnh.
Theo Cục C04, trong thời gian tới lực lượng sẽ tiếp tục tập trung "đánh mạnh" loại tội phạm này. Theo đó, tập trung đấu tranh mạnh, điều tra, xử lý triệt để với các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy liên tuyến, liên tỉnh, xuyên quốc gia, gắn với việc thực hiện có hiệu quả: Phương án nghiệp vụ số 01, Phương án nghiệp vụ số 02 trên 4 tuyến trọng điểm là Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc miền Trung - Tây Nguyên, Tây Nam. Đồng thời, có kế hoạch đấu tranh với các đối tượng mua bán ma túy "núp bóng" thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử… . Từ đó góp phần ngăn chặn có hiệu quả nguồn cung ma túy.
Để ngăn chặn ma túy thẩm lậu vào nội địa từ sớm, từ xa, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cũng tăng cường công tác phối hợp giữa lực lượng Công an với các lực lượng Hải quan, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển tại khu vực biên giới, cửa khẩu và trên biển. Trong đó, lực lượng Công an là chủ công, nòng cốt trong phòng, chống ma túy; chủ trì, chủ động trong công tác trao đổi thông tin, xác lập và đấu tranh chuyên án chung, phối hợp ngăn chặn nguồn ma túy thẩm lậu từ nước ngoài qua biên giới vào Việt Nam.
“Chúng tôi cũng thúc đẩy hiệu quả các hoạt động hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, đặc biệt là với các nước Lào, Campuchia, Trung Quốc, Thái Lan, Australia, Hoa Kỳ…”, Trung tướng Nguyễn Văn Viện nhấn mạnh.