Dành ít nhất 60% nguồn tài chính để chăm lo phúc lợi cho công nhân

Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động vừa ban hành Nghị quyết về 'Tập trung nguồn lực chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động trong tình hình mới', trong đó đề ra mục tiêu, dành ít nhất 60% tổng chi từ nguồn tài chính công đoàn để chăm lo phúc lợi cho người lao động.

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thời gian qua, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác chăm lo phúc lợi của tổ chức Công đoàn vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, chưa mang lại nhiều phúc lợi thiết thực… Ổn định việc làm, tiền lương, thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện là mong muốn lớn của người lao động.

Trước tình hình trên, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề ra mục tiêu tổng quát là tập trung nguồn lực của tổ chức Công đoàn chăm lo phúc lợi theo hướng đồng bộ, ổn định, dài hạn; huy động nguồn lực xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh.

Tổng LĐLĐ Việt Nam ban hành nghị quyết nhằm tập trung nguồn lực chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động trong tình hình mới.

Tổng LĐLĐ Việt Nam ban hành nghị quyết nhằm tập trung nguồn lực chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động trong tình hình mới.

Các chỉ tiêu lớn được Tổng LĐLĐ Việt Nam đặt ra trong nghị quyết: Phấn đấu dành ít nhất 60% tổng chi từ nguồn tài chính công đoàn để chăm lo phúc lợi cho người lao động; 100% đoàn viên được thăm, động viên, tặng quà khi gặp hoàn cảnh khó khăn; 100% Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và trên 50% công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức “Tết Sum vầy”, “Tháng Công nhân”, “Chợ Tết Công đoàn” với hình thức phù hợp…

Để thực hiện được mục tiêu trên, nghị quyết của Tổng LĐLĐ Việt Nam đề ra hàng loạt các giải pháp về sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, cơ chế chính sách, pháp luật liên quan đến nhà ở, tiền lương; việc làm, thị trường lao động; thiết chế văn hóa, thể thao; giáo dục, đào tạo, đào tạo lại; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; các chính sách đối với lao động làm việc trong các ngành nghề công việc đặc thù, nặng nhọc, độc hại, lao động là nữ, trẻ em....

Thực hiện đồng bộ các giải pháp để thu đúng, thu đủ, thu kịp thời kinh phí công đoàn, đoàn phí công đoàn tạo nguồn lực cho chăm lo phúc lợi cho người lao động. Quản lý, sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, bảo đảm công khai, minh bạch, tiết kiệm, tránh thất thoát nguồn tài chính công đoàn chi cho công tác chăm lo phúc lợi.

Tập trung nguồn lực tài chính, nhất là nguồn tài chính công đoàn tích lũy để đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân thuê và các chính sách hỗ trợ người lao động bị giảm thời giờ làm việc, mất việc làm: Hỗ trợ khi bị giảm thời giờ làm việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động do tác động của khủng hoảng kinh tế, xã hội, thiên tai, dịch bệnh và các rủi ro khác.

Văn Kiên

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/danh-it-nhat-60-nguon-tai-chinh-de-cham-lo-phuc-loi-cho-cong-nhan-post1668692.tpo
Zalo