Danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ - một di sản tỏa sáng trong lòng dân

Trải qua 80 năm xây dựng, rèn luyện và trưởng thành, Bộ đội Cụ Hồ thực sự trở thành một di sản trong lòng nhân dân; là điểm tựa, là động lực để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta ra sức phấn đấu xây dựng nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, phát triển trong kỷ nguyên mới trên cơ sở ý chí tự chủ, tự cường, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Thân thương Bộ đội Cụ Hồ

Nhân dân ta thường gọi lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam với tên gọi thân thương, gần gũi là “Bộ đội Cụ Hồ”, “anh bộ đội”, “chú bộ đội”. Tên gọi đó xuất phát từ tình cảm, sự yêu mến, kính trọng, biết ơn bộ đội và lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Ngược dòng lịch sử, ngày 22-12-1944, cách nay 80 năm, tại khu rừng thiêng Trần Hưng Đạo (Nguyên Bình, Cao Bằng), Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam) được thành lập với 34 chiến sĩ. Những ngày đầu Đội thành lập còn nhiều khó khăn, vũ khí còn thô sơ, nhưng với ý chí sắt đá, quyết chiến quyết thắng vì độc lập dân tộc, các chiến sĩ Quân đội đã làm nên chiến thắng Phai Khắt-Nà Ngần, mang đến niềm tin to lớn để Quân đội ta ngày càng trưởng thành, lớn mạnh và làm nên những mốc son chói lọi của dân tộc Việt Nam với Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Người dân Điện Biên vẫy chào các khối diễu binh đi qua đường phố trong dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2024). Ảnh: NGUYỄN HUY

Người dân Điện Biên vẫy chào các khối diễu binh đi qua đường phố trong dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2024). Ảnh: NGUYỄN HUY

Qua thực tiễn cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng LLVT cách mạng, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ đã trở thành biểu trưng đặc sắc của nét đẹp văn hóa quân sự Việt Nam, tỏa ánh hào quang từ chính những phẩm chất, nhân cách tốt đẹp của cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta-quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ thể hiện ở tầm cao và chiều sâu của tâm hồn, cốt cách, nhân cách con người Việt Nam qua lịch sử hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, của sự hun đúc, kết tinh, hòa quyện các giá trị văn hóa nhân văn, nhân đạo của dân tộc Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng đúc kết: Hình ảnh và tên gọi Bộ đội Cụ Hồ là một trong những nét độc đáo nhất, đặc sắc nhất của văn hóa quân sự Việt Nam, là sự kết tinh của chủ nghĩa yêu nước và tinh thần văn hóa Việt Nam với tinh hoa văn hóa, trí tuệ nhân loại. Thật hiếm có nước nào trên thế giới nhân dân lấy tên vị lãnh tụ kính yêu của mình để đặt tên cho quân đội của nhân dân mà họ sáng lập nên.

Nét đẹp văn hóa của cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta thể hiện ở sự kính trọng lãnh tụ, sự yêu thương, quý mến nhân dân, ở tinh thần vì nhân dân mà tận hiến, hy sinh. Bộ đội Cụ Hồ-một quân đội mà trong bất luận điều kiện, hoàn cảnh nào cũng luôn tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.

Danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ thể hiện sâu sắc bản chất cách mạng của quân đội kiểu mới-quân đội do Đảng của giai cấp công nhân tổ chức, giáo dục, rèn luyện và lãnh đạo; sự cưu mang, thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân; đồng thời là giá trị độc đáo của văn hóa giữ nước gắn với mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà thời đại Hồ Chí Minh đúc kết, tạo dựng nên, được các thế hệ người Việt Nam tin tưởng, gìn giữ và phát huy, bạn bè trên thế giới ngợi ca, khâm phục.

Tôn vinh Bộ đội Cụ Hồ là tình cảm, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân

Bộ đội Cụ Hồ là danh hiệu cao quý, là niềm tự hào của mỗi quân nhân và mỗi người dân Việt Nam. Vì lẽ đó, giá trị văn hóa Bộ đội Cụ Hồ luôn có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần xã hội Việt Nam; là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn, động lực mạnh mẽ thôi thúc cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta rèn đức, luyện tài, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Giữ gìn, lan tỏa và không ngừng phát huy giá trị văn hóa Bộ đội Cụ Hồ trong xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới là niềm vinh dự, tự hào và là trách nhiệm cao cả, thiêng liêng của cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta.

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong toàn quân, cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta đã phát huy tốt những giá trị văn hóa Bộ đội Cụ Hồ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều đơn vị đã trở thành cái nôi nuôi dưỡng phong trào thi đua yêu nước, là mẫu hình về sự lan tỏa giá trị văn hóa Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân, góp phần xây dựng Quân đội ta vững mạnh về chính trị và phát triển nhân cách con người mới xã hội chủ nghĩa trong LLVT.

Với ý nghĩa đó, việc tôn vinh danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ là tình cảm, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân ta, qua đó góp phần làm cho giá trị cao quý này được lan tỏa tới các thế hệ người dân và bạn bè quốc tế. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi nhận, đánh giá cao những hoạt động, cách làm nhằm tôn vinh danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ của các cơ quan, đơn vị trong Quân đội; trong đó Báo Quân đội nhân dân đã tiên phong chủ trì tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, diễn đàn rất thiết thực, bổ ích nhằm giúp nhân dân hiểu hơn về nguồn gốc, ý nghĩa, giá trị danh xưng, danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ.

Để tôn vinh và lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ trong xã hội thì cần có cách làm bài bản, khoa học với sự chung tay của các cấp, các ngành, các cơ quan liên quan. Trong đó, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, truyền thống lịch sử, cách mạng cho thế hệ trẻ và học sinh, sinh viên; tổ chức các cuộc thi, hội thi về vai trò, sứ mệnh của Bộ đội Cụ Hồ trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Hệ thống các bảo tàng, trong đó có Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cần phát huy tốt vai trò, sứ mệnh, trách nhiệm trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị di sản, bảo vật quốc gia, hiện vật, tư liệu liên quan đến Bộ đội Cụ Hồ. Nghiên cứu, xây dựng và tổ chức những chương trình giáo dục ngoại khóa, giáo dục trải nghiệm trong các bảo tàng cho học sinh, sinh viên về lý tưởng cách mạng, đạo đức, truyền thống của Bộ đội Cụ Hồ để củng cố, bồi đắp nhận thức, bản lĩnh và lý tưởng cao đẹp cho thế hệ trẻ. Trong hệ thống di tích liên quan đến Bộ đội Cụ Hồ, chúng ta có thể nghiên cứu, lựa chọn di tích tiêu biểu nhất để lập hồ sơ khoa học trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản văn hóa thế giới, qua đó góp phần lan tỏa mạnh mẽ hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ đến bạn bè quốc tế.

Có thể khẳng định rằng, trải qua 80 năm xây dựng, rèn luyện và trưởng thành, Bộ đội Cụ Hồ thực sự trở thành một di sản trong lòng nhân dân; là điểm tựa, là động lực để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta ra sức phấn đấu xây dựng nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, phát triển trong kỷ nguyên mới trên cơ sở ý chí tự chủ, tự cường, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Tiến sĩ TRỊNH THỊ THỦY, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/dien-dan-danh-hieu-bo-doi-cu-ho-xung-dang-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia/danh-hieu-bo-doi-cu-ho-mot-di-san-toa-sang-trong-long-dan-807720
Zalo