Đánh giá vị trí, giá trị và mối liên hệ vùng của núi Đụn trong không gian lịch sử, văn hóa của di tích quốc gia Lăng miếu Triệu Tường và các di tích nhà Nguyễn

Chiều 30/9, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Hà Trung tổ chức Hội thảo khoa học 'Đánh giá vị trí, giá trị lịch sử, văn hóa, mối liên hệ vùng của núi Đụn trong không gian lịch sử, văn hóa của di tích quốc gia Lăng miếu Triệu Tường và các di tích nhà Nguyễn trong khu vực'.

Tham dự hội thảo có gần 100 đại biểu là các chuyên gia, các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực lịch sử, khảo cổ, văn hóa, bảo tồn, địa chất, môi trường trong và ngoài tỉnh.

Các đại biểu dự hội thảo

Các đại biểu dự hội thảo

Theo báo cáo đề dẫn tại hội thảo: Địa bàn huyện Hà Trung không có nhiều hang động, đặc biệt là những hang động có giá trị về cảnh quan thiên nhiên, danh thắng và di sản văn hóa. Trường hợp hang Đụn (hay còn gọi là hang Núi Đụn) thuộc địa phận một làng miền núi của xã Hà Long phân bố phía Tây Bắc huyện Hà Trung, cách trung tâm huyện 12km, trung tâm tỉnh Thanh Hóa 40km, là một phát hiện mới, gợi mở khả năng bảo tồn, nghiên cứu, khai thác những giá trị văn hóa, danh thắng và du lịch trên địa bàn huyện. Hang động dài khoảng 70m, cao khoảng 40m, có nhiều nhũ đá và có mạch nước ngầm trong vắt vừa được phát hiện tại núi Đụn.

Đại diện lãnh đạo huyện Hà Trung phát biểu khai mạc hội thảo.

Đại diện lãnh đạo huyện Hà Trung phát biểu khai mạc hội thảo.

Ngay sau khi phát hiện, UBND huyện Hà Trung đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa và UBND xã Hà Long (Hà Trung) tiến hành kiểm tra hiện trạng, ghi nhận trong núi Đụn có hang động dài khoảng 70m, rộng 50m, cao 40m. Hang có 4 cửa ra vào ở các phía đông, tây, nam, bắc. Trong hang có nhiều nhũ đá tự nhiên, có nguồn nước ngầm chảy ra khu vực di tích cấp tỉnh hồ Bến Quân.

Các đại biểu chủ trì hội thảo.

Các đại biểu chủ trì hội thảo.

Ngay sau khi tiếp nhận kiến nghị của UBND huyện Hà Trung, UBND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định dừng khai thác đá tại núi Đụn.

UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Công văn số 5204/UBND-CN, ngày 15/4/2024 và số 7714/UBND-CN, ngày 31/5/2024 về việc khảo sát, đánh giá quy mô, giá trị, ý nghĩa lịch sử, văn hóa, di sản, du lịch đối với hang động tại núi Đụn.

Toàn cảnh hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã có văn bản giao cho Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn Di sản văn hóa Thanh Hóa phối hợp với các đơn vị liên quan để khảo sát, đánh giá toàn diện về quy mô, giá trị, ý nghĩa về lịch sử, văn hóa, di sản, du lịch. Trường hợp hang động cần phải bảo vệ thì có đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa khoanh định vào vùng cấm, tạm cấm hoạt động khai thác khoáng sản.

PGS.TS Bùi Văn Liêm, Tổng Biên tập tạp chí khảo cổ học, Phó Chủ tịch Hội khảo cổ học Việt Nam trình bày báo cáo đề dẫn tại hội thảo

PGS.TS Bùi Văn Liêm, Tổng Biên tập tạp chí khảo cổ học, Phó Chủ tịch Hội khảo cổ học Việt Nam trình bày báo cáo đề dẫn tại hội thảo

Tại hội thảo, 18 tham luận của các chuyên gia, các nhà khoa học đã tập trung làm rõ các giá trị lịch sử, văn hóa, địa chất, địa mạo của hang Đụn; mối liên hệ vùng của núi Đụn trong không gian lịch sử, văn hóa của di tích quốc gia Lăng miếu Triệu Tường và các di tích nhà Nguyễn trong khu vực; công tác bảo tồn, quảng bá và phát huy giá trị của hang Đụn

Đại biểu trình bày tham luận tại hội thảo.

Đại biểu trình bày tham luận tại hội thảo.

Kết quả của hội thảo là cơ sở quan trọng để Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Hà Trung triển khai thực hiện công tác quy hoạch, bảo vệ, bảo tồn các di tích văn hóa ở huyện Hà Trung mà điểm nhấn quan trọng là địa điểm núi Đụn. Qua đó từng bước khai thác có hiệu quả tiềm năng cảnh quan thiên nhiên, văn hóa lịch sử của núi Đụn gắn với phát triển du lịch của Hà Trung nói riêng và Thanh Hóa nói chung thời gian tới.

Nguyễn Đạt

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/danh-gia-vi-tri-gia-tri-va-moi-lien-he-vung-cua-nui-dun-trong-khong-gian-lich-su-van-hoa-cua-di-tich-quoc-gia-lang-mieu-trieu-tuong-va-cac-di-tich-nha-nguyen-226273.htm
Zalo