Đánh giá thực trạng hệ thống đường sắt qua Huế, xây dựng cơ chế phát triển phù hợp

Ngày 24/3, đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã có buổi làm việc với UBND TP Huế về khảo sát phục vụ thẩm tra dự án Luật Đường sắt (sửa đổi).

Tại buổi làm việc với UBND TP Huế, ông Tạ Đình Thi - Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội cho biết, dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) đưa ra 5 nhóm chính sách. Trong đó phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt là một trong những nội dung nổi bật.

Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội làm việc với UBND TP Huế về khảo sát phục vụ thẩm tra dự án Luật Đường sắt (sửa đổi).

Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội làm việc với UBND TP Huế về khảo sát phục vụ thẩm tra dự án Luật Đường sắt (sửa đổi).

Ông Thi cho rằng, cơ chế huy động các nguồn lực, tổ chức nguồn lực, cơ chế hợp tác giữa các khu vực công, khu vực tư, đầu tư nước ngoài như thế nào để tập trung phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt, các nhóm chính sách về kinh doanh đường sắt, quản lý nhà nước về hạ tầng đường sắt, phát triển công nghiệp đường sắt… là những vấn đề cần quan tâm.

Lãnh đạo UBND TP Huế và Sở GTVT TP Huế cho biết, tuyến đường sắt Bắc - Nam qua địa bàn TP Huế chiều dài 112,5km, gồm 10 ga, trên tuyến có 7 hầm và 109 cầu. Ga chính là ga Huế, là ga khu đoạn, diện tích nhà ga và quảng trường ga hơn 39 nghìn m2; 9 đường tàu, khả năng tiếp nhận 40 chuyến tàu/ngày, đêm.

Kết nối giữa đường sắt Bắc - Nam với đường bộ tương đối tốt, kết nối giữa đường sắt với các phương thức vận tải khác (đường thủy, cảng biển, sân bay) chưa được thuận tiện...

Về phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt tại địa phương, theo quy hoạch đã được phê duyệt, sẽ nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt hiện có thuận tiện cho việc vận chuyển hành khách và hàng hóa phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đồng thời, xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao và tuyến nhánh kết nối với Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô phù hợp với lộ trình quy hoạch mạng lưới đường sắt đã được Thủ tướng phê duyệt. Tiến tới xóa bỏ lối đi tự mở qua đường sắt trên địa bàn để đảm bảo trật tự hành lang ATGT và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt trên toàn đô thị.

Phát triển đường sắt tốc độ cao qua Huế, hình thành mô hình ga đường sắt và TOD theo các khu vực ga tại Phú Mỹ và Chân Mây. TP Huế cũng đã có định hướng quy hoạch tuyến đường sắt kết nối với Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô tại các quy hoạch có liên quan.

"Trong quy hoạch của TP Huế cũng đã đưa vào các quy hoạch kết nối đường sắt với các trung tâm du lịch, đường sắt đô thị kết nối với cảng nước sâu Chân Mây…", ông Hoàng Hải Minh - Phó chủ tịch UBND TP Huế cho hay.

Đóng góp ý kiến phục vụ thẩm tra dự án Luật Đường sắt (sửa đổi), lãnh đạo UBND TP Huế và các Sở ngành đề xuất về việc sửa đổi, bổ sung hoặc điều chỉnh các điều khoản của Luật Đường sắt hiện hành để phù hợp với tình hình thực tế và đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành đường sắt.

Ông Hoàng Hải Minh - Phó chủ tịch UBND TP Huế phát biểu tại buổi làm việc.

Ông Hoàng Hải Minh - Phó chủ tịch UBND TP Huế phát biểu tại buổi làm việc.

Bên cạnh đó, kiến nghị một số vấn đề liên quan đến lập hồ sơ quản lý đất dành cho đường sắt đối với đoạn đường sắt, dự án đường sắt qua địa bàn TP Huế.

Tại buổi làm việc, các thành viên trong đoàn công tác cho rằng, ga Huế là một trong những nhà ga lớn, giữ vai trò đầu mối trong vận tải hành khách, hàng hóa đặc biệt quan trọng đối với vùng và quốc gia.

Tuy nhiên, tính kết nối giữa ga Huế đến cảng Chân Mây, sân bay Phú Bài còn yếu. Bên cạnh đó, TP Huế cần quan tâm đường sắt đô thị; xóa bỏ lối đi tự mở, giải quyết dứt điểm "điểm đen" TNGT, đảm bảo ATGT đường sắt; đầu tư phát triển hạ tầng thiết yếu đường sắt…

Đoàn tàu du lịch Huế - Đà Nẵng “Hành trình kết nối di sản miền Trung” qua ga Thừa Lưu thuộc huyện Phú Lộc, TP Huế,

Đoàn tàu du lịch Huế - Đà Nẵng “Hành trình kết nối di sản miền Trung” qua ga Thừa Lưu thuộc huyện Phú Lộc, TP Huế,

Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Tạ Đình Thi nhấn mạnh, mục tiêu cuối cùng là để có một đạo luật đáp ứng yêu cầu thực tiễn, sát với thực tiễn. Ông đề nghị TP Huế sớm hoàn thiện báo cáo để gửi cho đoàn công tác để nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình thẩm tra, chỉnh lý và hoàn thiện dự án Luật Đường sắt (sửa đổi).

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng đề nghị Bộ GTVT tiếp thu các ý kiến tại buổi làm việc của các đại biểu Quốc hội, lãnh đạo UBND TP Huế, các sở, ngành nhằm hoàn thiện từng bước dự thảo Luật…

Duy Lợi

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/danh-gia-thuc-trang-he-thong-duong-sat-qua-hue-xay-dung-co-che-phat-trien-phu-hop-192250224192513948.htm
Zalo