Đánh giá lại Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở 3 cấp học

Theo các chuyên gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cần tăng cường, giám sát dựa trên mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, khẩn trương đánh giá toàn bộ Chương trình ở cả 3 cấp học, đặc biệt ở phân khúc THPT trên mọi bình diện để sơ kết, tổng kết 5 năm qua rút ra được những bài học kinh nghiệm, tiếp tục triển khai trong những năm tiếp theo.

Năm học 2024 - 2025, Chương trình GDPT 2018 đã được triển khai trọn vẹn ở 12 lớp của cả 3 cấp học, trong đó có những thời điểm dịch bệnh, học sinh phải tạm dừng đến trường học trực tiếp, chuyển sang học trực tuyến. Sau 4 năm triển khai, nhiều giáo viên nhận định, chương trình mới, SGK mới đã giúp học sinh có cơ hội thực hành nhiều hơn và giảm thiểu tình trạng dạy học bằng văn mẫu. Chương trình mới tăng số lượng các tiết học thực hành, góp phần giúp học sinh có thêm hứng thú trong học tập. Thay vì lối truyền thụ kiến thức 1 chiều như trước kia, giáo viên hướng tới phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Để đáp ứng mục tiêu này, giáo viên cần thay đổi phương pháp dạy học và đánh giá, giúp học sinh không chỉ hiểu bài mà còn làm quen với các dạng câu hỏi, cấu trúc đề thi mới.

Theo cô Tô Lan Hương - giáo viên Trường Tiểu học - THCS - THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội), cái khó của giáo viên khi triển khai Chương trình GDPT 2018 là tổ chức phương pháp. Nếu như các môn khoa học tự nhiên còn có thực hành hỗ trợ thì môn Ngữ văn để tổ chức các hoạt động cho học sinh, làm thế nào cho mới, cho cuốn hút là điều không dễ. Giáo viên cần dành ra nhiều thời gian hơn trong việc soạn giáo án mặc dù số chữ ít hơn để đem lại hiệu quả như mục tiêu bài học đặt ra.

Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức cơ quan Bộ GDĐT Lương Tất Thùy cho rằng, thời gian qua, đội ngũ giáo viên đã cơ bản thực hiện hiệu quả phương pháp, hình thức dạy và học, đổi mới kiểm tra đánh giá nhằm phát triển năng lực phẩm chất học sinh. Công tác đổi mới phương pháp giáo dục được thực hiện ở tất cả các cơ sở giáo dục. Học sinh phát huy tính chủ động sáng tạo, giáo viên đóng vai trò người tổ chức, kiểm tra, định hướng. Hình thức tổ chức dạy và học đa dạng từng bước ứng dụng công nghệ thông tin tiên tiến hiệu quả. Đặc biệt, cách thức tổ chức các hoạt động giáo dục theo hướng nhẹ nhàng, tự nhiên, hiệu quả, phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của học sinh đã đem lại hiệu quả thiết thực, thu hút được học sinh và giúp các em dần mạnh dạn, tự tin, dám thể hiện quan điểm của mình. Nhiều kỹ năng vượt trội đã được rèn luyện, nhất là chủ động tiếp nhận nhiệm vụ của giáo viên, khả năng làm việc nhóm tốt hơn, giúp học sinh vận dụng kiến thức đã được học vào thực tế tốt hơn.

ThS Phạm Đức Hạnh - Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức cơ quan Bộ GDĐT đề xuất cần có kế hoạch bồi dưỡng giáo viên dài hơi cho các môn học mới như Ngoại ngữ cấp tiểu học, Hoạt động trải nghiệm, Tin học và Công nghệ. Tổ chức huấn luyện đào tạo giáo viên (kể cả đào tạo lại) về kế hoạch giáo dục đối với các khối lớp để đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018.

Đổi mới giáo dục đang đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt khi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 hướng đến đánh giá năng lực thay vì chỉ kiểm tra kiến thức thuần túy đang đến rất gần. PGS.TS Nguyễn Văn Khánh - Chủ biên Chương trình môn Vật lý cho rằng để đảm bảo chất lượng giáo dục, trong dạy học ở nhà trường, phải đảm bảo sao cho học sinh đạt được các yêu cầu về phẩm chất và năng lực được quy định ở Chương trình tổng thể và các Chương trình môn học/hoạt động giáo dục. Cần thực hiện dạy và học thực chất, dạy học không phải chỉ để truyền thụ kiến thức mà nhằm giúp học sinh hoàn thành các công việc, bước đầu giải quyết được các vấn đề phù hợp trong học tập và đời sống nhờ vận dụng hiệu quả và sáng tạo những kiến thức, kĩ năng đã học. Để đánh giá được năng lực của học sinh, phải thiết kế các tình huống xuất hiện vấn đề cần giải quyết, giúp học sinh bộc lộ năng lực của mình. Trong đánh giá năng lực người học, có thể vận dụng các dạng thức mới về câu hỏi thi theo hướng đổi mới của Bộ GDĐT, kết hợp với các hình thức đánh giá khác như thảo luận, thuyết trình, làm bài tập nhóm, đề án…

Kỳ vọng đổi mới giáo dục sẽ giúp giảm tình trạng dạy thêm, học thêm đã tồn tại nhiều năm qua, các chuyên gia cho rằng về phía người dạy, có thể tổ chức các hình thức dạy học thông qua trò chơi. Từ đó tạo cơ hội cho học sinh được trải nghiệm đa dạng loại hình, đảm bảo các em được học thông qua hoạt động và học qua trải nghiệm, từ đó có những kỹ năng cần thiết và tạo nền tảng bền vững cho sự nghiệp học tập suốt đời. Đối với đề kiểm tra, đề thi cần yêu cầu học sinh sử dụng kiến thức, kỹ năng đã học vào giải quyết những vấn đề trong cuộc sống hàng ngày. Chẳng hạn, những năm gần đây đề thi môn Toán của TPHCM để tuyển sinh vào lớp 10 có nhiều câu hỏi mang tính thực tiễn không khó về mặt tính toán mà đòi hỏi học sinh các kỹ năng tổng hợp để làm được bài.

Thu Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/danh-gia-lai-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-2018-o-3-cap-hoc-10297037.html
Zalo