Đánh giá kết quả công tác cải cách hành chính năm 2024
Ngày 15/1, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức phiên họp thứ chín đánh giá kết quả công tác cải cách hành chính (CCHC) năm 2024, triển khai phương hướng, nhiệm vụ CCHC năm 2025. Phiên họp được kết nối trực tuyến tới các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ chủ trì phiên họp tại điểm cầu Trung ương. Dự phiên họp tại điểm cầu Hưng Yên có đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban thứ nhất Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh.
Năm 2024, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương và người dân, doanh nghiệp, việc rà soát, xử lý vướng mắc, bất cập về cải CCHC đã được triển khai tích cực, góp phần thúc đẩy CCHC, cải thiện môi trường kinh doanh. Cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) tiếp tục được quan tâm. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã dành thời gian lắng nghe, tiếp xúc với người dân, cộng đồng doanh nghiệp để chỉ đạo nghiên cứu, xử lý những phản ánh, kiến nghị về cơ chế, chính sách, TTHC...
Trong năm, có 13 bộ, ngành đã thực thi phương án đơn giản hóa 313 TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư tại 35 văn bản quy phạm pháp luật. Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và hoàn thiện quy định về vị trí việc làm tại cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, cải cách chính sách tiền lương tiếp tục có chuyển biến rõ nét, đạt được những kết quả tích cực. Năm 2024, thành lập mới thành phố Huế trực thuộc Trung ương; sắp xếp 38 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện và 1.178 ĐVHC cấp xã. Sau sắp xếp giảm 9 đơn vị cấp huyện và 563 đơn vị cấp xã; đồng thời thành lập mới, nâng cấp 137 ĐVHC đô thị để thúc đẩy tốc độ đô thị hóa...
Cùng với đó, nhiệm vụ xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số tiếp tục được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt. Từ ngày 1/1 đến 20/12/2024, số lượng văn bản điện tử gửi, nhận trên trục liên thông văn bản quốc gia là trên 12,2 triệu văn bản, tăng hơn 4 triệu văn bản so với năm 2023; lũy kế đến nay đã có hơn 46,5 triệu văn bản gửi, nhận trên trục liên thông văn bản quốc gia, tăng hơn 18,3 triệu văn bản so với năm 2023. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của bộ, ngành đạt 59,57% (tăng gần 2 lần so với năm 2023); của địa phương đạt 56% (tăng 1,92 lần so với năm 2023). Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tại các bộ, ngành đạt 61,4% và các địa phương đạt 67,46%.
Tại phiên họp, các đại biểu phân tích, thảo luận, làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia; việc nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết TTHC phục vụ người dân, doanh nghiệp; vấn đề cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại địa phương...
Phát biểu kết luận phiên họp, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ đề nghị: Các bộ, ngành, địa phương quán triệt, thực hiện nghiêm, toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2021-2030; bám sát chủ trương của Đảng, Chính phủ về cải cách tư pháp để triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao; tiếp tục phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ CCHC; triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiệm vụ sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính Nhà nước bảo đảm khẩn trương, không bị gián đoạn hoặc bỏ sót công việc; tập trung tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong thực hiện cải cách TTHC; tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm gắn với kiểm tra, giám sát.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương trong việc nâng cao hiệu quả CCHC và đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương chủ động phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công nhằm đẩy mạnh CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, góp phần tạo đột phá cho sự phát triển của đất nước...