Đánh giá hiệu quả đào tạo lãnh đạo trẻ các thành phố trực thuộc tỉnh và các thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước
Thực hiện Dự án 'Đào tạo lãnh đạo trẻ các thành phố trực thuộc tỉnh và các thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước', trong 2 ngày 16, 17-9 tại Hà Nội, Cục Đào đạo, bồi dưỡng cán bộ (Ban Tổ chức Trung ương) phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Tọa đàm đánh giá kết quả sau khi về nước dành cho 2 lớp bồi dưỡng tại Nhật Bản vào tháng 2-2024 (Lớp 3) và tháng 5-2024 (Lớp 4).
Tham dự Tọa đàm, phía Việt Nam có đồng chí Vũ Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương; các đồng chí cán bộ, chuyên viên các phòng thuộc Cục; hơn 30 học viên tham gia khóa bồi dưỡng tại Nhật Bản. Tham dự phía Nhật Bản có ông HIRAOKA Hisakazu, Phó Trưởng đại diện JICA Việt Nam; các giáo sư, cán bộ JICA, JICE…
Tọa đàm nhằm tạo điều kiện cho giảng viên và học viên đã tham gia 2 lớp bồi dưỡng tại Nhật Bản trao đổi về ý tưởng và gợi ý áp dụng kiến thức, kinh nghiệm đã thu nhận được từ khóa bồi dưỡng vào công tác tại địa phương; đồng thời để Ban tổ chức khóa học đánh giá hiệu quả sau đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Đồng chí Vũ Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho biết: Dự án “Đào tạo lãnh đạo trẻ các thành phố trực thuộc tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước” là dự án hợp tác giữa Ban Tổ chức Trung ương và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), được ký kết năm 2019. Dự án nhằm mục đích tạo điều kiện cho cán bộ lãnh đạo trẻ của các địa phương trên toàn quốc của Việt Nam được học tập kinh nghiệm về quản lý hành chính, quy hoạch đô thị tại Nhật Bản, góp phần nâng cao năng lực, kỹ năng hoạch định và thực thi các nhiệm vụ quản trị nhà nước ở địa phương.
Theo đó, Chính phủ Nhật Bản đài thọ chi phí cho 120 cán bộ đi bồi dưỡng 6 khóa tại Nhật Bản, mỗi khóa kéo dài 1 tháng. Đến nay đã cử được 5 khóa với gần 100 học viên tham dự. Các khóa học đều đã được tổ chức chu đáo với sự tham gia giảng dạy của các giáo sư tại các trường đại học hàng đầu của Nhật Bản, các cựu chính khách, chuyên gia tại các cơ quan, tổ chức của Nhật Bản.
Chương trình học ở lớp và các chuyến khảo sát thực tế được thiết kế khoa học, phong phú, trong đó tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như quy hoạch đô thị, giao thông đô thị, xây dựng đô thị; quản lý môi trường, xử lý rác thải; cải cách hành chính công; quản lý nhân sự và giáo dục… là những lĩnh vực rất cần được quan tâm trong quá trình phát triển các đô thị Việt Nam hiện nay.
Với mục tiêu bồi dưỡng kiến thức thực tế, hữu ích, Cục Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và JICA tiếp tục tổ chức Tọa đàm sau đào tạo, nhằm tạo điều kiện cho giảng viên và học viên đã tham gia các lớp tại Nhật Bản trao đổi về ý tưởng và gợi ý áp dụng kiến thức, kinh nghiệm đã thu nhận được từ khóa bồi dưỡng vào công tác tại địa phương, đơn vị; đồng thời để Ban tổ chức khóa học đánh giá hiệu quả sau đào tạo.
Phát biểu tại Tọa đàm, ông HIRAOKA Hisakazu, Phó Trưởng đại diện JICA Việt Nam cho biết, Dự án “Đào tạo lãnh đạo trẻ các thành phố trực thuộc tỉnh và các thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước” được triển khai theo đề nghị của đồng chí Phạm Minh Chính (lúc đó đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, hiện nay đồng chí là Thủ tướng Chính phủ). Dự án có vai trò quan trọng, góp phần vào sự phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nhật Bản thời gian qua. Tọa đàm lần này rất vinh dự mời được các giáo sư trực tiếp giảng dạy tại Nhật Bản sang Việt Nam, thêm cơ hội để các học viên thảo luận, trao đổi về các chính sách liên quan đến các địa phương trên cơ sở kết quả, kiến thức tiếp thu được qua chương trình đào tạo tại Nhật Bản. Cũng qua diễn đàn này, ông HIRAOKA Hisakazu mong muốn được lắng nghe những ý kiến đánh giá của học viên về khóa đào tạo, bồi dưỡng tại Nhật Bản, để phía Nhật Bản tiếp thu, phát huy hơn nữa những kết quả tích cực, khắc phục những hạn chế nếu có.
Tọa đàm đã nghe nhiều ý kiến chia sẻ từ các học viên tham gia khóa học về những kiến thức, kỹ năng tiếp thu được sau đào tạo; những vận dụng vào thực tế quản lý, điều hành tại địa phương, cơ quan, đơn vị cũng như những đề xuất, kiến nghị trong đào tạo, bồi dưỡng dành cho cán bộ trong thời gian tới.
* Sáng 17-9, tại trụ sở UBND quận Long Biên (Hà Nội), các đại biểu tiếp tục chương trình nghiên cứu thực tế nhằm trao đổi với học viên về việc áp dụng kiến thức vào công tác tham mưu thực tế tại địa phương, đơn vị nơi học viên công tác; thu thập ý kiến nhằm cải thiện khóa học trong tương lai.
Các đại biểu tham dự Hội thảo đã trao đổi nội dung về xây dựng bộ tiêu chí đánh giá sự chuyên nghiệp của cán bộ, công chức quận Long Biên và Đề án “Phát triển nông nghiệp, nông nghiệp cao gắn với du lịch sinh thái vùng bãi sông Hồng".