Đánh giá giữa kỳ đề tài khoa học cấp tỉnh về xây dựng đội ngũ cán bộ của tỉnh Đồng Nai
Sáng 19-9, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường chủ trì Hội đồng Đánh giá giữa kỳ kết quả thực hiện đề tài Xây dựng đội ngũ cán bộ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh Đồng Nai.
Đây là đề tài khoa học cấp tỉnh, do tỉnh Đồng Nai đặt hàng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì thực hiện. PGS.TS Lâm Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh làm chủ nhiệm đề tài.
Yêu cầu mà tỉnh Đồng Nai đặt ra cho đơn vị thực hiện đề tài là phải luận giải, làm rõ những vấn đề cơ bản về lý luận và thực tiễn về xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; xây dựng, phát huy vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh Đồng Nai trong giai đoạn hiện nay.
Bên cạnh đó, khảo sát, đánh giá, nhận xét chính xác, khách quan thực trạng đội ngũ cán bộ, đảng viên và công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, xây dựng tổ chức đảng của tỉnh Đông Nai hiện nay. Chỉ ra những ưu điểm, khuyết điểm và nguyên nhân của những ưu, khuyết điểm đó.
Từ đó, đề xuất phương hướng và những giải pháp chủ yếu, khả thi nhằm tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, xây dựng, phát huy vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh Đồng Nai thời gian tới.
Sau khi PGS.TS Lâm Quốc Tuấn trình bày kết quả đạt được của đề tài, các thành viên trong hội đồng đã phản biện, bổ sung, góp ý nhiều ý kiến sát đáng để tác giả hoàn thiện đề tài.
Phó bí thư Tỉnh ủy Quản Minh Cường nhấn mạnh, đây là một trong 6 đề tài do tỉnh Đồng Nai đặt hàng các đơn vị. Kết quả của đề tài sẽ là cơ sở dữ liệu quan trọng để xây dựng Văn kiện đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Nai sắp tới.
Chủ tịch hội đồng đánh giá nhóm tác giả đã thực hiện đề tài công phu, có nhiều số liệu, đáp ứng được nhiệm vụ theo đơn đặt hàng của tỉnh. Tuy nhiên, cần bổ sung, sửa chữa những nội dung theo ý kiến của các thành viên hội đồng phản biện.
Ngoài ra, các tài liệu, số liệu cần được lập bảng biểu khoa học, có nguồn gốc rõ ràng. Các đánh giá của đề tài phải dựa trên các dẫn chứng khoa học, bám sát thực tiễn hơn nữa. Đặc biệt, những kiến nghị, giải pháp của đề tài phải bám sát đặc trưng của tỉnh Đồng Nai và đảm bảo tính khả thi như: tình hình công nhân lao động, an ninh trật tự, tôn giáo, văn hóa; xu thế phát triển của tỉnh Đồng Nai là đô thị thông minh, đô thị sân bay, phát triển mạnh logictis…
Từ đó, đặt ra yêu cầu gì đối với đội ngũ cán bộ của tỉnh Đồng Nai cả về trình độ, kiến thức, kỹ năng, đạo đức… để đáp ứng yêu cầu công việc và sự phát triển chung của tỉnh.
Đơn vị thực hiện đề tài cũng cần kiến nghị những giải pháp liên quan đến đào tạo, huấn luyện, tuyển chọn, bố trí cán bộ sao cho hợp lý; đánh giá cán bộ dựa trên những tiêu chí nào…