Đánh bóng hình ảnh từ cứu trợ: Diễn trò trên nỗi đau đồng bào | Hà Nội tin mỗi chiều

Hơn 12.000 trang thông tin sao kê số tiền ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 (Yagi) được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công khai vào tối 12/9 đã tạo nên cơn bão mới trong cộng đồng mạng xã hội.

Dư luận sục sôi vì những thông tin ngụy tạo thổi phồng số tiền làm từ thiện của một số đối tượng nhằm câu like, làm màu, phông bạt.

Những khoản tiền ủng hộ được công khai, dù nhiều dù ít đều có ý nghĩa lan tỏa nghĩa cử, tinh thần một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ, người trong một nước thì thương nhau cùng, đồng thời cũng làm lộ ra một số khoảng tối rất đáng phê phán, lên án.

Đó là một số cá nhân, fanpage, họ vốn là nhân vật của công chúng, đã thiếu trung thực, mượn cuộc vận động từ thiện hỗ trợ đồng bào đang gặp hoạn nạn trong cơn bão lũ để chơi trò diễn, làm màu, đánh bóng tên tuổi, hình ảnh bản thân.

Trong số những người được chỉ mặt gọi tên đầu tiên phải kể đến hot girl Louis Phạm, tên thật là Phạm Như Phương - một cựu vận động viên thể thao. Hot girl này bị tố làm màu khi giở trò ảo thuật khoe mẽ số tiền đóng góp từ thiện, vốn chỉ 500.000 đồng, thành con số gấp cả nghìn lần!

Louis Phạm bị tố "phông bạt" chuyện quyên góp.

Louis Phạm bị tố "phông bạt" chuyện quyên góp.

Tiếp theo là MC Việt Anh, chủ tài khoản TikTok Việt Anh Pí Po, sáng 10/9, tài khoản này đã khoe ảnh chuyển khoản 20 triệu đồng ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Thế nhưng, trên bản sao kê, tài khoản này chỉ chuyển 1 triệu đồng. Sau khi bị bóc phốt về hành vi thiếu trung thực này, 5 giờ sáng ngày 13/9, Việt Anh đăng clip tường thuật lại sự việc và xin lỗi.

Tương tự, một số cá nhân, hội, nhóm khác cũng tiếp tục bị bóc mẽ. Không chỉ vậy, thông qua bản sao kê, cộng đồng mạng còn phát hiện nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng tình hình để ăn chặn tiền ủng hộ. Trong ngày 13/9, nhiều cá nhân, quản lý các fanpage đồng loạt đăng clip, bài viết xin lỗi tới cộng đồng mạng xã hội, người theo dõi, đặc biệt là người dân cả nước, đồng thời thực hiện sửa sai.

Tiktoker Việt Anh Pí Po thừa nhận "phông bạt", xin lỗi vì ồn ào.

Tiktoker Việt Anh Pí Po thừa nhận "phông bạt", xin lỗi vì ồn ào.

Những cá nhân, hội, nhóm này thực sự đang diễn trò trên nỗi đau đồng bào mình!

Việc công khai thông tin sao kê không chỉ giúp người dân cả nước tường minh về số tiền ủng hộ, mà còn giúp phát hiện tình trạng một số người làm mất uy tín của tổ chức, cá nhân vì một lợi ích, động cơ nào đó.

Có lẽ, lúc này, những tập thể, cá nhân diễn trò, làm màu, khoe mẽ trên cộng đồng mạng xã hội về số tiền làm từ thiện phải tự soi, tự vấn lương tâm. Việc sửa sai và có lời xin lỗi, dù muộn cũng còn hơn không và đáng khuyến khích. Số tiền quyên góp, hỗ trợ từ thiện cốt ở tấm lòng, dù ít hay nhiều cũng đều đáng quý. Nhưng điều đáng quý hơn còn ở sự đồng cảm, trung thực, khiêm nhường, nói thật, làm thật.

Chủ tài khoản vội đóng trang cá nhân sau khi dân mạng phát hiện số tiền 100 triệu đồng ủng hộ chỉ là sản phẩm của phần mềm chỉnh sửa, còn thực tế chuyển 10.000 đồng. Ảnh chụp màn hình.

Chủ tài khoản vội đóng trang cá nhân sau khi dân mạng phát hiện số tiền 100 triệu đồng ủng hộ chỉ là sản phẩm của phần mềm chỉnh sửa, còn thực tế chuyển 10.000 đồng. Ảnh chụp màn hình.

TS.LS Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, dưới góc nhìn pháp lý, cho rằng: Nếu sửa biên lai chuyển tiền, photoshop biên lai để thể hiện tăng số tiền từ thiện thì không chỉ là hành vi vi phạm đạo đức xã hội mà còn là hành vi vi phạm pháp luật.

Theo Điều 101, Nghị định số 15 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, thì người cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật lên mạng xã hội có thể bị xử phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Đối với tổ chức vi phạm thì mức phạt sẽ gấp hai lần mức này.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, hành động chỉnh sửa hình ảnh để thổi phồng số tiền đã ủng hộ không chỉ là hành vi lừa dối cộng đồng mà còn làm mất đi ý nghĩa cao cả của hoạt động từ thiện. Đây là một sự lợi dụng lòng tốt và niềm tin của mọi người để đánh bóng tên tuổi, phục vụ lợi ích cá nhân.

Từ thiện xuất phát từ tâm, từ lòng nhân ái và trách nhiệm xã hội, chứ không phải là một công cụ để phô trương hoặc tạo dựng hình ảnh. Những người thực hiện hành vi này đã làm tổn hại không chỉ đến niềm tin của công chúng mà còn làm suy yếu lòng tin vào các hoạt động từ thiện chân chính.

Cán bộ MTTQ Việt Nam làm thủ tục tiếp nhận ủng hộ. Ảnh: MTTQ.

Cán bộ MTTQ Việt Nam làm thủ tục tiếp nhận ủng hộ. Ảnh: MTTQ.

Sự kiện này đặt ra thách thức lớn cho cộng đồng và các tổ chức quản lý hoạt động từ thiện. Dù hành động gian dối này chỉ xuất phát từ một số cá nhân, nhưng nó có thể khiến cả một cộng đồng nghi ngờ về sự minh bạch của quá trình từ thiện. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến những người thật sự muốn giúp đỡ nhưng bị e ngại trước những vụ việc như vậy. Việc công khai danh sách sao kê, dù dài đến hơn 12.000 trang, cho thấy nỗ lực đáng kể trong việc giữ cho hoạt động từ thiện được minh bạch và công bằng. Cộng đồng cũng đã có phản ứng tích cực, tự mình kiểm tra và phát hiện ra những hành vi gian lận, cho thấy sức mạnh của ý thức xã hội trong việc bảo vệ những giá trị tốt đẹp.

PGS TS Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII, Chủ tịch Hội nữ trí thức thành phố Hà Nội cho rằng, trong lúc thiên tai, dịch họa luôn cần sự chung tay, chia ngọt sẻ bùi của dân tộc Việt Nam, đặc biệt trong lúc này sự chia sẻ quan trọng hơn bất kỳ khi nào hết. Chính vì vậy tất cả sự chung tay ủng hộ của nhân dân thì phải đến tay những người dân cần được trợ giúp, một cách cụ thể, công khai, minh bạch. Việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công khai minh bạch từ thiện rõ ràng làm tăng niềm tin trong nhân dân.

Chuyện minh bạch sao kê tiền cứu trợ thiên tai bắt nguồn từ những lùm xùm vụ các nghệ sĩ quyên góp cứu trợ, từ thiện từ mùa mưa bão năm 2020. Nhiều người nổi tiếng làm từ thiện khi đó bị cộng đồng đòi sao kê tiền từ thiện. Họ huy động tiền từ những nhà hảo tâm, nhưng không có sao kê, không có sự giám sát kiểm tra nên dễ bị lòng tham dẫn dụ, dễ bị cộng đồng nghi ngờ.

Nhiều nghệ sĩ Việt từng "lao đao" vì chuyện làm từ thiện cá nhân.

Nhiều nghệ sĩ Việt từng "lao đao" vì chuyện làm từ thiện cá nhân.

Việc công khai thông tin sao kê số tiền ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3 từ Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không chỉ giúp tăng cường tính minh bạch, trung thực trong việc huy động quỹ cứu trợ, mà còn giúp người dân kịp thời phát hiện những hành vi không đúng đắn của những tổ chức, cá nhân trong việc vận động, ủng hộ quỹ.

Dư luận mong rằng, ngoài việc công khai thông tin sao kê cứu trợ, thời gian tới, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục công khai, minh bạch việc phân bổ tiền cứu trợ đến các địa phương, từng hộ dân, để các tầng lớp nhân dân giám sát, đồng thời làm rõ động cơ, mục đích của những hành động thiếu trung thực trên mạng xã hội, nhằm vạch trần những ý đồ xấu.

Thanh Duyên

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/danh-bong-hinh-anh-tu-cuu-tro-dien-tro-tren-noi-dau-dong-bao-ha-noi-tin-moi-chieu-265391.htm
Zalo