Đang xây dựng các cơ chế, chính sách vượt trội cho các Trung tâm tài chính
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập và hoạt động của Trung tâm tài chính (TTTC) tại Việt Nam được xây dựng theo 03 nhóm chính sách gồm: thành lập TTTC và các cơ quan thuộc TTTC; các chính sách áp dụng đối với TTTC; chính sách quản lý nhà nước đối với TTTC.

Năm 2022, Việt Nam có Thành phố Hồ Chí Minh được đưa vào xếp hạng trong danh sách chính thức các Trung tâm tài chính toàn cầu tại Báo cáo GFCI 31 với thứ hạng là 102/120; tại Báo cáo GFCI 35 (tháng 3/2024), Thành phố Hồ Chí Minh xếp thứ hạng 108/121 và tại Báo cáo GFCI 36 (tháng 9/2024), xếp thứ hạng 105/121.
Chỉ quy định khung chính sách đặc thù
Ngày 22/02, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh đã chủ trì Hội đồng thẩm định đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập và hoạt động của Trung tâm tài chính (TTTC) tại Việt Nam.
Theo Báo cáo tại cuộc họp, mục đích xây dựng Nghị quyết nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm và chỉ đạo của Đảng về phát triển TTTC khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Nghị quyết cũng nhằm phát triển thị trường tài chính để huy động có hiệu quả các nguồn lực, dịch vụ tài chính để phục vụ cho sự phát triển kinh tế-xã hội các địa phương có TTTC nói riêng và Việt Nam nói chung theo hướng bảo đảm minh bạch, hiệu quả, hiện đại, tiên tiến, bắt kịp các chuẩn mực quốc tế; tạo động lực mới cho nền kinh tế phát triển; thúc đẩy quá trình tham gia sâu rộng vào kinh tế thế giới của Việt Nam.
Việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập và hoạt động của TTTC tại Việt Nam bảo đảm phù hợp với chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Thông báo số 47-TB/TW ngày 15/11/2024 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về kết luận của Bộ Chính trị về việc xây dựng TTTC tại Việt Nam; đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo tuyệt đối của Đảng; sự quản lý tập trung, thống nhất, thông suốt và liên tục của Nhà nước. Nghị quyết của Quốc hội quy định các nội dung mang tính nguyên tắc, khung chính sách phát triển TTTC và giao Chính phủ hướng dẫn nội dung chi tiết, xử lý các vấn đề cụ thể.
Nâng cao tính cạnh tranh nhưng kiểm soát, giám sát chặt chẽ
Góp ý vào các quy định cụ thể tại dự thảo Nghị quyết, đại diện các Bộ, ngành đều có chung nhận định, các chính sách áp dụng cho TTTC phải có tính đột phá, đảm bảo phát huy tối đa các lợi thế của Việt Nam, bắt kịp xu hướng phát triển quốc tế, theo chuẩn mực, thông lệ tiên tiến của thế giới, bảo đảm nguyên tắc pháp quyền, hài hòa với cam kết quốc tế. Các nguyên tắc này cũng phải bảo đảm sự đồng bộ, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, mở đường cho đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh đề nghị dự thảo Nghị quyết phải xây dựng được các cơ chế, chính sách vượt trội để có nâng cao tính cạnh tranh cho các Trung tâm tài chính nhưng cũng phải có kiểm soát, giám sát chặt chẽ
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh đồng tình với sự cần thiết xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập và hoạt động của Trung tâm tài chính tại Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh, dự thảo Nghị quyết phải xây dựng được các cơ chế, chính sách vượt trội để có nâng cao tính cạnh tranh nhưng cũng phải có kiểm soát, giám sát chặt chẽ.
Về nội dung chính sách, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định; đồng thời làm rõ nội dung của từng nhóm chính sách cụ thể. Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng cho ý kiến cụ thể về: tổ chức, cơ cấu của TTTC; cơ chế giải quyết tối giản, thuận lợi, tiếp cận với quốc tế; bộ máy điều hành, cách thức giám sát, quản lý nhà nước (tiền kiểm hay hậu kiểm, cái gì quản lý gián tiếp, cái gì quản lý trực tiếp); cơ chế thu thập thông tin; cơ chế thí điểm đột phá; cách thức hạn chế rủi ro.
Bà Vũ Ngọc Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:
Xem xét các quy định về mở cửa thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài

Bà Vũ Ngọc Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Theo tôi, dù dự thảo Nghị quyết có những quy định vượt trội, có thể khác với quy định hiện hành nhưng khái niệm sử dụng trong dự thảo vẫn phải thống nhất với hệ thống pháp luật.
Khi thu hút nguồn vốn từ nước ngoài vào TTTC để phát triển kinh tế Việt Nam, cần cân nhắc điều nào được phép và những điều nào bị hạn chế thì phải quy định rõ trong dự thảo. Bên cạnh đó, các quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với việc cung cấp dịch vụ trong TTTC liên quan trực tiếp đến các cam kết thương mại và đầu tư của Việt Nam. Do đó, việc dự thảo Nghị quyết quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài và điều kiện đầu tư nước ngoài tại TTTC cần được rà soát thêm để hạn chế rủi ro vi phạm các nghĩa vụ trong các hiệp định thương mại, hiệp định bảo hộ đầu tư của Việt Nam.
Trong lĩnh vực ngân hàng, quản lý ngoại hối, Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), là đơn vị thành viên của 17 Hiệp định thương mại tự do thế giới (FTA), là một trong những nước có độ mở thương mại cao nhất trong khối ASEAN cũng như CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), vì vậy Bộ Tư pháp cần phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo xem xét kỹ các quy định về mở cửa thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài; quy định về việc chuyển tiền ra nước ngoài, đồng thời cần tiếp tục rà soát, đánh giá tác động của các quy định trên.
Ông Phạm Văn Hiếu, Bộ Tài chính:
Phải có cơ chế ưu đãi vượt trội về thuế, phí

Ông Phạm Văn Hiếu, Bộ Tài chính
Liên quan đến phát triển thị trường vốn, thời điểm thành lập sàn giao dịch chuyên biệt, giao dịch bằng tài sản mã hóa, tiền mã hóa trong TTTC, cơ quan chủ trì soạn thảo cần đánh giá thêm về thực tiễn và khả năng hoàn thiện pháp lý liên quan để xây dựng lộ trình thực hiện phù hợp, thống nhất với Luật Công nghiệp công nghệ số. Bên cạnh đó, phải có cơ chế ưu đãi vượt trội về thuế, lệ phí cho TTTC. Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính để xác định mức ưu đãi theo định hướng của Đảng và Nhà nước và phù hợp với quy định về thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp. Đối với việc quản lý nhà nước đối với TTTC, nên quy định theo hướng Chính phủ quản lý thống nhất về hoạt động của TTTC; các bộ, ngành, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, sẽ thực hiện các hoạt động quản lý cụ thể.
Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ công thương:
Mỗi địa phương cần lựa chọn mặt hàng giao dịch thế mạnh

Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ công thương
Việc giao dịch, mua bán hàng hóa đã được quy định ở Luật Thương mại 2003, hiện nay Bộ Công thương đang chủ trì xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 158/2006/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa.
Dựa vào thông tin thu thập được từ các TTTC, Trung tâm thương mại, chúng tôi đã rút ra một số bài học về mô hình của các TTTC. Về cơ bản, đối với những quốc gia đặc thù, quy mô thị trường bé, dân số ít thì họ tập trung vào thị trường quản lý tài sản. Các quốc gia có quy mô kinh tế, tính chất kinh tế tương đồng với Việt Nam hoặc phát triển hơn Việt Nam ở mức độ nhất định, đều có sở giao dịch hàng hóa, phái sinh hàng hóa rất phát triển.
Theo đó, mỗi địa phương cần lựa chọn mặt hàng giao dịch hàng hóa, dịch vụ dựa trên tiềm năng và thế mạnh sẵn có. Đối với TP. Hồ Chí Minh, dù đã có ý tưởng về việc thành lập sàn giao dịch hàng hóa, nhưng hiện tại vẫn chưa có sự phối hợp, trao đổi chặt chẽ với Bộ Công Thương.
Nhìn từ góc độ của Bộ Công thương, Việt Nam nên nhìn nhận thực tế, nên học tập kinh nghiệm các TTTC của các quốc gia tương tự với mình, không nên nhìn vào những TTTC “top” cao như Hoa Kỳ, London.
Bà Nguyễn Thị Mai Hương, Đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam:
Làm rõ thêm tư cách chủ thể của các thành viên hoạt động trong IFC

Bà Nguyễn Thị Mai Hương, Đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam
Dự thảo Nghị quyết hiện nay chưa cho thấy sự phân biệt rõ ràng giữa IFC (Tổ chức Tài chính quốc tế) trong nước và quốc tế. Theo đó, có thể nghiên cứu theo hướng IFC trong nước hoặc trong khu vực tập trung vào đổi mới công nghệ/sandbox/R&D… để đưa Đà Nẵng trở thành Trung tâm tài sản kỹ thuật số của Đông Nam Á. Bên cạnh đó, cần rõ ràng về khách hàng hay đối tượng mà mỗi IFC phục vụ, có thể nghiên cứu theo hướng IFC quốc tế sẽ phục vụ các tập đoàn trong nước và khách hàng quốc tế, IFC khu vực sẽ phục vụ các doanh nghiệp trong nước và “cá nhân”. Dự thảo cũng cần làm rõ ranh giới về địa lý và phạm vi giao dịch, mối quan hệ giữa các chủ thể trong IFC và IFC với các chủ thể bên ngoài IFC, ví dụ như giữa thành viên IFC với công ty mẹ… Đồng thời làm rõ thêm tư cách chủ thể của các thành viên hoạt động trong IFC.
Về chính sách sandbox đối với mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính (fintech), việc hoạt động sandbox ở cấp độ cao nên giao Chính phủ quy định chi tiết. Về cơ chế quản lý thị trưởng khác, nên xây dựng hệ thống thông tin minh bạch, kết nối rộng rãi với dữ liệu quốc gia cùng việc áp dụng các chuẩn mực kế toán thế giới. Nên quy định các sản phẩm tiền tệ linh hoạt tương tự như các thị trường phát triển để khuyến khích dòng vốn đầu tư của thành viên thị trường tài chính