Đăng tin sai sự thật: 'Tài khoản ảo, hậu quả thật'
Phát ngôn sai sự thật trên mạng xã hội không còn là chuyện nhỏ. Hậu quả nhãn tiền cho những ai coi thường pháp luật.
Ảo giác quyền lực trên mạng xã hội
Trong thời đại mà mạng xã hội chiếm lĩnh không gian truyền thông và định hình cả dư luận xã hội, chưa bao giờ câu nói “mỗi người là một nhà báo” lại trở nên đúng đến thế. Chỉ cần vài thao tác chạm tay, một đoạn clip có chủ đích hoặc vài dòng trạng thái thiếu kiểm chứng cũng có thể lan truyền như vết dầu loang, chạm đến hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn người trong thời gian ngắn. Nhưng khi "con chữ ảo" trở thành nguồn cơn của hiểu lầm, tổn thương hoặc xúc phạm uy tín của tập thể, thì cái giá phải trả là hoàn toàn thật - và đôi khi, không chỉ là tiền bạc.

V.M.T lên mạng xã hội chê Nhà công tử Bạc Liêu gây bức xúc dư luận sau đó clip đã được gỡ bỏ và xin lỗi. Ảnh cắt từ clip
Mới đây, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Bạc Liêu đã xử phạt hành chính một trường hợp điển hình: V.M.T (sinh năm 1990, cư trú tại huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) bị phạt 7,5 triệu đồng vì đã sử dụng mạng xã hội TikTok để đăng tải nội dung sai sự thật, xúc phạm uy tín Khu di tích lịch sử - văn hóa Nhà công tử Bạc Liêu.
Nội dung clip không chỉ mang tính phê phán thiếu cơ sở, mà còn thể hiện ý đồ bôi xấu một địa điểm mang giá trị lịch sử và văn hóa đặc biệt của miền Tây Nam Bộ. Việc so sánh nơi đây với… sở thú, cùng lời kêu gọi người xem “không cần ghé thăm”, không chỉ là một trò đùa vô thưởng vô phạt, mà là một hành vi xâm phạm đến danh dự của địa phương, bóp méo hình ảnh văn hóa trong mắt du khách và cộng đồng.
V.M.T thừa nhận hành vi vi phạm, cho rằng chỉ muốn chia sẻ “trải nghiệm cá nhân”. Nhưng sự thật là, một khi nội dung được đăng lên mạng, nó không còn là câu chuyện cá nhân. Clip đó, sau khi lan truyền, đã thổi bùng làn sóng bức xúc từ cộng đồng mạng, ảnh hưởng tiêu cực tới ngành du lịch địa phương. Những lời lẽ thiếu suy nghĩ tưởng chừng "chỉ để câu view" thực chất đã gây ra hậu quả xã hội khi uy tín bị ảnh hưởng, niềm tin bị xói mòn và trong trường hợp này, cả giá trị lịch sử bị bôi nhọ.
“Tài khoản ảo, hậu quả thật”
Câu chuyện của V.M.T không phải là cá biệt. Trên các nền tảng như TikTok, Facebook, YouTube… hàng ngày xuất hiện không ít tài khoản sử dụng danh nghĩa "review", "trải nghiệm thực tế", "nói thật không sợ mất lòng" để đưa ra các nhận xét một chiều, cắt ghép sai lệch, thậm chí vu khống trắng trợn.
Những "anh hùng bàn phím" thời 4.0 nấp sau lớp mặt nạ "người dùng vô danh" đôi khi tưởng mình là trung tâm của vũ trụ thông tin, mặc sức công kích, phán xét mà không màng tới hệ lụy. Nhưng khi luật pháp lên tiếng, họ mới giật mình nhận ra rằng tài khoản có thể là ảo, nhưng hậu quả là thật.
Theo quy định tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP, ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 14/2022/NĐ-CP, ngày 27/1/2022 của Chính phủ, hành vi cung cấp thông tin sai sự thật trên mạng xã hội có thể bị phạt đến 10 triệu đồng.
Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, khi thông tin gây thiệt hại thực tế về danh dự, nhân phẩm hoặc kinh tế, người vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, mức xử phạt chỉ là phần nổi của tảng băng. Điều nguy hiểm hơn là khi người dùng mạng xã hội đánh mất trách nhiệm với lời nói của mình, biến không gian mạng trở thành mảnh đất hoang cho tin giả, tin độc phát triển.
Sự việc tại Bạc Liêu cũng đặt ra một bài học cảnh tỉnh đối với chính quyền địa phương và các cơ sở văn hóa, du lịch. Mạng xã hội là “con dao hai lưỡi”, nó có thể là công cụ truyền thông mạnh mẽ nếu được khai thác đúng cách, nhưng cũng có thể trở thành mầm họa nếu bị lợi dụng.
Việc nâng cao nhận thức cộng đồng về “văn hóa mạng”, truyền thông chính thống kịp thời, cùng với việc hoàn thiện pháp luật để xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng mạng xã hội để phá hoại hình ảnh quốc gia - dân tộc là điều cần thiết và cấp bách.
Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên số, nơi mỗi tài khoản mạng xã hội giống như một kênh truyền thông cá nhân. Và đi kèm với tự do ngôn luận là trách nhiệm pháp lý, đạo đức xã hội và nhận thức công dân.
Sự việc trên cũng là lời nhắc nhở rằng, mạng ảo không bao giờ là vùng trắng của pháp luật. Và quan trọng hơn, sự tổn thương do một lời vu vơ trên mạng có thể để lại vết sẹo thật, không chỉ cho một cá nhân hay tổ chức, mà cho cả giá trị văn hóa, lịch sử và niềm tự hào của một cộng đồng.
Hãy nhớ rằng, một lời nói thiếu suy nghĩ có thể khiến bạn phải trả giá bằng cả uy tín và tiền bạc. Và trong thế giới mạng, nơi mọi dấu vết đều được lưu lại thì "phát ngôn có trách nhiệm" chính là lá chắn vững chắc nhất bảo vệ bạn khỏi rắc rối pháp lý và sự lên án từ xã hội.
Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với V.M.T (sinh năm 1990, ngụ xã Long Hòa, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) đã có hành vi sử dụng mạng xã hội đăng tải nội dung sai sự thật, xúc phạm uy tín của Khu di tích lịch sử - văn hóa Nhà Công tử Bạc Liêu.
Qua làm việc, V.M.T đã thừa nhận toàn bộ hành vi sai phạm của mình. Căn cứ hành vi, mức độ vi phạm, ngày 3/4, Công an tỉnh Bạc Liêu ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính V.M.T 7.500.000 đồng về hành vi “sử dụng mạng xã hội cung cấp thông tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm uy tín của cá nhân, tổ chức” theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP.
Trước đó, ngày 21/3, trên mạng xã hội TikTok xuất hiện tài khoản đăng tải thông tin “Đừng bao giờ ghé nhà công tử bạc liêu vì chả có gì thu hút ngoài giá vé cao ngất 45k/1 người”; kèm một đoạn video clip thời lượng 1 phút 50 giây có nội dung “chẳng thú vị gì cả mà giá vé lại 45.000 đồng… Thay vì các bạn đến Công tử Bạc Liêu, các bạn đi sở thú, xem thú sẽ hấp dẫn hơn… khuyên các bạn khi đến Bạc Liêu không cần đi đến Nhà Công tử Bạc Liêu…”. Đoạn video clip sau khi đăng tải đã gây bức xúc trên nền tảng mạng xã hội TikTok và dư luận xã hội.