Đằng sau vụ ám sát ông Trump và 'vết sẹo sâu' trong nền chính trị Mỹ
Vụ ám sát ông Donald Trump đã mở ra một chương mới đen tối trong câu chuyện bạo lực chính trị ở Mỹ, làm rung chuyển quốc gia vốn đã chia rẽ sâu sắc tại một trong những thời kỳ căng thẳng nhất lịch sử hiện đại của nước này.
Đánh thức vết thương lịch sử của nước Mỹ
Nếu xét theo định nghĩa, việc nhắm vào một cựu tổng thống tại một cuộc vận động tranh cử chỉ vài ngày trước khi ông chấp nhận đề cử của đảng Cộng hòa là một cuộc tấn công vào nền dân chủ và quyền của mỗi người Mỹ trong việc lựa chọn người lãnh đạo của mình.
Ứng viên đảng Cộng hòa đang ở trên sân khấu với những người ủng hộ đứng sau ông trên khán đài như thường lệ, giơ cao những tấm áp phích và mặc trang phục MAGA (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại - ND) thì tiếng súng vang lên. Tai phải cựu Tổng thống Donald Trump đã trúng đạn khiến má ông dính máu. Ngay lập tức, ông đã được lực lượng an ninh hộ tống rời đi và nghi phạm cũng bị cơ quan mật vụ Mỹ tiêu diệt.
Một bức ảnh của Evan Vucci thuộc hãng thông tấn AP chụp ông Trump với máu trên tai và má, được các nhân viên mật vụ Mỹ vội vã đưa khỏi sân khấu, nắm tay giơ lên cao với lá cờ Mỹ ở phía sau đã ngay lập tức trở thành biểu tượng.
Theo CNN, hình ảnh này sẽ định nghĩa một thời đại chính trị đầy khó khăn, cho dù hậu quả chính trị của một buổi chiều nắng trở thành cơn ác mộng vẫn chưa rõ ràng.
Tiếng súng nổ bôm bốp và cảnh tượng một nhà lãnh đạo chính trị ngã xuống đất, với các nhân viên mật vụ vội vã lao người lên để chắn cho ông, đã đánh thức những vết thương lịch sử nghiêm trọng của nước Mỹ.
Mặc dù ông Trump hiện không giữ chức tổng thổng thống nhưng vết thương của ông nhấn mạnh đến mối đe dọa hiện hữu luôn rình rập Nhà Trắng và những người tranh cử. Tổng thống Joe Biden là tổng thống thứ 46 và 4 người tiền nhiệm của ông đã từng bị sát hại khi đang đương chức, gần đây nhất là vụ ám sát cựu Tổng thống John F. Kennedy vào năm 1963.
Việc ông Trump bị tấn công đã chấm dứt khoảng thời gian 40 năm mà nhiều người cho rằng, các chuyên gia của cơ quan mật vụ Mỹ đã hạ thấp đáng kể khả năng xảy ra những hành vi tấn công như vậy, đồng thời tạo ra nỗi ám ảnh kéo dài trong nhiều năm.
Ngoài ra, việc ông Trump bị nhắm đến khi đang trong chiến dịch tranh cử tổng thống được so sánh với vụ ám sát ứng viên đảng Dân chủ Robert F. Kennedy vào năm 1968 - một năm đẫm máu chứng kiến vụ sát hại nhà lãnh đạo dân quyền Martin Luther King Jr. và bạo lực tại Đại hội Toàn quốc của đảng Dân chủ ở Chicago.
Tuy nhiên, bạo lực chính trị vẫn chưa dừng lại ở đó. Năm 2011, nghị sĩ đảng Dân chủ bang Arizona khi đó là bà Gabrielle Giffords đã bị tổn thương não sau khi bà bị bắn vào đầu tại một sự kiện khiến 6 người thiệt mạng. Năm 2017, một tay súng đã nổ súng tại buổi tập bóng chày của đảng Cộng hòa, bắn Lãnh đạo phe đa số tại Hạ viện Steve Scalise và 3 người khác. Vụ bạo loạn nhằm vào Tòa nhà Quốc hội của những người ủng hộ ông Trump ngày 6/1/2021 vẫn chưa ngã ngũ.
Một người ủng hộ ông Trump tại cuộc mít tinh vận động tranh cử - Joseph Meyn, nhìn thấy cựu Tổng thống đi xuống và nghi phạm bị tiêu diệt, đã chia sẻ với CNN rằng vụ tấn công là triệu chứng của một quốc gia đang chìm trong cơn thịnh nộ chính trị.
"Mọi người có vẻ rất tức giận. Tôi không bất ngờ khi điều này xảy ra. Tôi chỉ sốc khi nhìn thấy mình ngồi đó và chuyện này xảy ra ngay cạnh mình", Joseph Meyn cho hay, đồng thời nói rằng: "Nó thật kinh khủng. Chúng ta không nên tiếp tục các buổi tranh luận chính trị ở đất nước này, nơi mà những việc như vậy sẽ còn xảy ra".
"Những vụ ám sát John F. Kennedy, Robert Francis Kennedy, Martin Luther King hay những nỗ lực ám sát ông Reagan và bây giờ là ông Trump, nó thật vô lý. Chính trị không nên là một trò chơi có tổng bằng 0, nơi mà có người thắng tất cả và có người mất tất cả".
Bước ngoặt đáng kinh ngạc
Những diễn biến gây sốc hôm 13/7 (giờ Mỹ) đã bổ sung thêm yếu tố chính trị đầy biến động vào một năm bầu cử khó đoán khi gần đây ông Biden - Tổng thống lớn tuổi nhất trong lịch sử phải đấu tranh để giành lấy đề cử của mình sau màn tranh luận kém nổi bật và việc ông Trump, 78 tuổi bị bồi thẩm đoàn ở New York kết tội.
Hầu hết các nhà lãnh đạo và các nhân vật chính trị từ cả hai đảng đều nhanh chóng gửi lời cầu nguyện tới ông Trump và kêu gọi bình tĩnh.
Đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden – đối thủ của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tới, đã có cuộc trò chuyện hỏi thăm sức khỏe ông Trump qua điện thoại và lên án vụ việc trên: “Hãy nhìn xem, ở Mỹ không có chỗ cho loại bạo lực như vậy. Đó là một trong những lý do tại sao chúng ta phải đoàn kết đất nước. Chúng ta không cho phép điều đó xảy ra và không tha thứ cho điều này”.
Với tình trạng chính trị bị phân cực nghiêm trọng ở Mỹ, cú sốc ban đầu về vụ ám sát chắc chắn sẽ gây ra những chia rẽ nghiêm trọng.
Tác động từ vụ ám sát cựu Tổng thống Trump
Cựu Tổng thống Trump được những người ủng hộ ông xem như một người hùng bất khả chiến bại và được đối xử với sự tôn kính lớn tại cuộc vận động tranh cử vừa qua. Trong khoảnh khắc bị tấn công, cựu Tổng thống Trump đã tạo ra một khoảnh khắc thách thức mang tính biểu tượng - đó là giơ nắm đấm và hét lớn "chiến đấu, chiến đấu" với đám đông những người ủng hộ mình - đồng thời nhìn thẳng vào dãy máy quay truyền hình trên bục cao.
Những hình ảnh này sẽ đi vào lịch sử và làm phong phú thêm những câu chuyện về ông Trump, tương tự như bức ảnh chụp chân dung lưu hồ sơ cảnh sát (mugshot) của ông ở nhà giam Atlanta hay đoạn video ông quay lại Nhà Trắng vào năm 2020 sau khi mắc Covid-19 nặng.
Giới quan sát cho rằng sẽ có những tác động khó lường đối với chiến dịch tranh cử mà ông Trump đang dẫn trước ông Biden - ngay cả trước khi chiến dịch của ông Biden rơi tự do với màn tranh luận bị cho là "thảm hại" ngày 27/6. Bầu không khí xung quanh Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa ở Milwaukee tuần này sẽ còn căng thẳng hơn nữa.
Ngay trong ngày 13/7, đã có những lời kêu gọi điều tra về việc làm thế nào mà một tay súng bên ngoài phạm vi an ninh của cuộc mít tinh, lại có thể đưa ông Trump vào tầm ngắm. Đây có thể được cho là một thất bại lớn về an ninh, điều này sẽ kéo dài trong nhiều tháng và tác động đến tất cả các tổng thống tương lai cũng như các chiến dịch tranh cử.
Nhiều chính trị gia ở 2 đảng đã nhớ về sức nóng của các tuyên bố chính trị giữa bối cảnh có những dấu hiệu đáng sợ cho thấy những tuyên bố này có thể gây ra điều gì với một quốc gia mà việc tiếp cận súng đang quá dễ dàng.
Phản ứng trước sự việc này, bà Giffords nói trong một tuyên bố rằng: "Bạo lực chính trị thật đáng sợ. Tôi đang nghĩ về cựu Tổng thống Trump và những người bị ảnh hưởng bởi hành vi bạo lực chính trị không thể bênh vực này. Bạo lực chính trị không phải là những gì thuộc về người Mỹ và không bao giờ được chấp nhận".
Thật không may, lịch sử cho thấy bạo lực, tuy không thể bênh vực được, thì vẫn là một vết sẹo sâu trong nền chính trị Mỹ.
Các nhà khoa học chính trị và chuyên gia về chủ nghĩa cực đoan đã cảnh báo trong những năm gần đây rằng, sự phân cực chính trị leo thang đang đi cùng với việc những mối đe dọa và hành động bạo lực trở thành một phần phổ biến của nền chính trị Mỹ.