Đằng sau việc Ukraine cải tổ quân đội giữa cuộc chiến với Nga

Ukraine đang triển khai một cuộc cải tổ quân đội quy mô lớn nhằm nâng cao hiệu quả và tổ chức trên chiến trường. Liệu cuộc cải tổ này sẽ giúp Kiev trong cuộc chiến với Nga?

Ukraine đang triển khai một cuộc cải tổ quân đội quy mô lớn nhằm nâng cao hiệu quả và tổ chức trên chiến trường, trong bối cảnh xung đột với Nga sắp bước sang năm thứ tư và chưa thấy hồi kết.

“Chúng ta cần hệ thống quân đoàn. Hôm nay, chúng tôi đã thảo luận về cách thức bổ nhiệm tư lệnh quân đoàn: đó phải là những sĩ quan được huấn luyện bài bản nhất, có triển vọng, giàu kinh nghiệm chiến đấu và tư duy hiện đại” - Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu hôm 3-2.

“Quân đội phải hiện đại” - ông Zelensky nhấn mạnh.

Hiện tại, quân đội Ukraine chủ yếu hoạt động theo hệ thống cấp lữ đoàn. Theo ông Zelensky, có hơn 100 lữ đoàn, mỗi lữ đoàn trực thuộc các nhóm tác chiến - chiến thuật và các nhóm này lại nằm dưới quyền chỉ huy của các bộ tư lệnh chiến lược - tác chiến và các bộ tư lệnh tác chiến.

Theo các chuyên gia được Kyiv Independent phỏng vấn, hệ thống này tạo ra một cơ chế quản lý cồng kềnh, dẫn đến phối hợp kém hiệu quả, do mỗi nhóm tác chiến - chiến thuật hay các bộ tư lệnh tác chiến kiểm soát hàng chục lữ đoàn cùng lúc.

Ông John Hardie, Phó Giám đốc Chương trình Nga tại viện Quỹ Bảo vệ các Nền dân chủ (Mỹ), cho rằng nhóm tác chiến - chiến thuật hay các bộ tư lệnh tác chiến chỉ là các đơn vị tạm thời, nên các chỉ huy của các nhóm này không thể nắm rõ lữ đoàn dưới quyền như một tư lệnh quân đoàn thường trực.

Một vấn đề liên quan là các tiểu đoàn thuộc cùng một lữ đoàn thường bị phân tán trên nhiều mặt trận khác nhau và phải phối thuộc với các lữ đoàn khác, làm suy yếu sự gắn kết của đơn vị, ông Hardie bổ sung.

Vị chuyên gia cũng chỉ ra rằng tình trạng quản lý vi mô là một nhược điểm khác của hệ thống hiện tại, khi có những chỉ huy can thiệp vào hoạt động mà không nắm đầy đủ hoặc cập nhật chính xác tình hình thực địa.

Học hỏi kinh nghiệm từ các đối tác trong liên minh quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Ukraine dự định chuyển sang hệ thống quân đoàn thay vì lữ đoàn, nhằm tăng cường sự phối hợp và thống nhất trong tác chiến.

 Binh sĩ Ukraine thuộc Lữ đoàn 43 tham chiến gần TP Chasiv Yar (tỉnh Donetsk, miền đông Ukraine) vào ngày 27-1. Ảnh: ANADOLU AGENCY

Binh sĩ Ukraine thuộc Lữ đoàn 43 tham chiến gần TP Chasiv Yar (tỉnh Donetsk, miền đông Ukraine) vào ngày 27-1. Ảnh: ANADOLU AGENCY

Sự khác biệt giữa hệ thống lữ đoàn và quân đoàn

Hệ thống quân đoàn là một cấp tổ chức quân đội gồm nhiều lữ đoàn, nhưng với số lượng ít hơn đáng kể so với hệ thống lữ đoàn hiện tại ở Ukraine, đồng thời bao gồm nhiều binh chủng và đơn vị hỗ trợ.

Cuộc cải tổ sắp tới sẽ bổ sung cấp quân đoàn vào cơ cấu quân đội Ukraine, đặt quân đoàn ở vị trí cao hơn lữ đoàn trong hệ thống tổ chức. Trang Censor.net của Ukraine dẫn các nguồn tin rằng quân đội nước này dự kiến thành lập 20 quân đoàn.

Điều này sẽ giúp tăng cường hiệu quả triển khai lực lượng lục quân và cải thiện sự kết nối giữa các đơn vị chiến thuật với Bộ Tổng Tham mưu.

Theo ông Mick Ryan, cựu Thiếu tướng Lục quân Úc, một quân đoàn thường chỉ bao gồm từ 3 đến 7 lữ đoàn, giúp tư lệnh có thể tập trung quản lý lực lượng tốt hơn và giảm tải áp lực chỉ huy.

“Việc chuyển sang hệ thống quân đoàn sẽ giúp họ kiểm soát các lữ đoàn hiệu quả hơn, với một số lữ đoàn lập kế hoạch tác chiến, một số lữ đoàn tập trung chiến đấu, và một số lữ đoàn được luân chuyển để nghỉ ngơi” - ông Ryan nói với Kyiv Independent.

“Việc này cũng giúp sử dụng lực lượng lục quân hiệu quả hơn và tăng cường sự liên kết giữa các cấp chỉ huy chiến thuật và Bộ Tổng Tham mưu” - ông Ryan nói thêm.

Ông Ryan nhấn mạnh rằng việc chuyển đổi sang hệ thống quân đoàn cũng là một phần trong quá trình quân đội Ukraine thích nghi với tiêu chuẩn NATO.

Tuy nhiên, ông Ryan cho rằng các quân đoàn mới của Ukraine có thể sẽ khác so với những quân đoàn từng được Anh và Mỹ triển khai trong Chiến tranh Lạnh, bởi công nghệ quân sự đã có những thay đổi sâu rộng kể từ thập niên 1990.

“Phương Tây nên theo dõi sát quá trình này, bởi thực tế là, ngoài Mỹ, hầu hết các quân đội phương Tây hiện nay vẫn hoạt động theo mô hình lữ đoàn” - ông Ryan nhận xét.

 Binh lính Ukraine thuộc Tiểu đoàn tấn công độc lập số 1 Da Vinci tập trận ở tỉnh Dnipropetrovsk (Ukraine) vào tháng 12-2024. Ảnh: AFP

Binh lính Ukraine thuộc Tiểu đoàn tấn công độc lập số 1 Da Vinci tập trận ở tỉnh Dnipropetrovsk (Ukraine) vào tháng 12-2024. Ảnh: AFP

Ukraine hiện có quân đoàn nào không?

Hiện tại, Lực lượng Vũ trang Ukraine có năm quân đoàn: Quân đoàn số 9, 10 và 11 thuộc Lục quân, Quân đoàn Phản ứng Nhanh thuộc Lực lượng Đổ bộ Đường không, và Quân đoàn Thủy quân Lục chiến thuộc Hải quân.

Tuy nhiên, theo ông John Hardie, những quân đoàn này chủ yếu chỉ mang danh nghĩa. “Các đơn vị thuộc quân đoàn thường bị phân tán trên nhiều mặt trận khác nhau, trong khi các quân đoàn lại thiếu các đơn vị hỗ trợ cần thiết ở cấp quân đoàn” - vị chuyên gia nhận xét.

Ngay cả khi một số đơn vị trong cùng quân đoàn chiến đấu bên nhau, như trong cuộc phản công năm 2023, các tư lệnh quân đoàn cũng không thực sự kiểm soát và chỉ huy được toàn bộ lực lượng, và quan trọng hơn, các đơn vị này thiếu sự gắn kết để hoạt động hiệu quả như một quân đoàn đúng nghĩa, ông Hardie nói thêm.

Cựu sĩ quan quân đội Ukraine và chuyên gia quốc phòng Viktor Kevliuk cho rằng thành tích của các quân đoàn hiện tại ở Ukraine là một vấn đề đáng lo ngại. “Năm 2023, Quân đoàn số 9 và 10 thất bại trong chiến dịch tấn công tại tỉnh Zaporizhzhia. Năm 2024, Quân đoàn số 7 để mất TP Vuhledar, rồi sau đó là TP Kurakhove (tỉnh Donetsk)” - ông nói.

Liệu cải cách quân đoàn có hiệu quả không?

Theo chuyên gia Viktor Kevliuk, việc chuyển sang hệ thống quân đoàn sẽ không giải quyết được những vấn đề cốt lõi khác của quân đội Ukraine, đặc biệt là tình trạng thiếu hụt nhân lực trầm trọng và khó khăn trong việc bổ sung lực lượng bộ binh sau những tổn thất nặng nề của các lữ đoàn dày dạn kinh nghiệm chiến đấu.

Ông cũng lo ngại rằng các chỉ huy quân đoàn mới có thể là những người từng thất bại trong việc quản lý các nhóm tác chiến - chiến thuật trước đây.

“Thay đổi hệ thống chỉ huy là điều không dễ dàng. Vấn đề cốt lõi là làm sao để các chỉ huy thay đổi phong cách lãnh đạo” - ông Kevliuk nhấn mạnh. Ngoài ra, chuyên gia này cho rằng hai thách thức lớn khác là xây dựng cơ chế phối hợp ngang giữa các sở chỉ huy và đảm bảo đủ trang thiết bị kỹ thuật để phục vụ công tác chỉ huy.

“Theo kịch bản khả quan nhất, sự chuyển đổi này sẽ không tạo ra tác động đáng kể. Nhưng nhiều khả năng, chất lượng chỉ huy của các đơn vị sẽ còn tệ hơn” - ông Kevliuk kết luận.

THẢO VY

Nguồn PLO: https://plo.vn/dang-sau-viec-ukraine-cai-to-quan-doi-giua-cuoc-chien-voi-nga-post833942.html
Zalo