Đằng sau thỏa thuận thương mại lịch sử giữa EU với các nước Nam Mỹ
Sau 25 năm đàm phán, Liên minh châu Âu (EU) và khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur), gồm: Brazil, Argentina, Uruguay, Paraguay, Bolivia, vừa ký kết thỏa thuận thương mại lịch sử, với trọng tâm là nguồn nguyên liệu then chốt lithium cho cuộc cách mạng công nghệ xanh của châu Âu.
Thỏa thuận lịch sử
Thỏa thuận giữa EU và 5 quốc gia Nam Mỹ dự kiến tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, bao phủ hơn 700 triệu dân và chiếm 20% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu.
Phát biểu tại họp báo với lãnh đạo Argentina và Brazil - 2 thành viên chủ chốt của Mercosur, tại Hội nghị Thượng đỉnh Mercosur hôm 6/12, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nhấn mạnh: “Trong một thế giới đầy chia rẽ, các nền dân chủ cần dựa vào nhau. Thỏa thuận này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn mang tính chiến lược về chính trị”.
Trong khi đó, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva cho biết: “Sau 2 năm đàm phán căng thẳng, chúng tôi đã đạt được một thỏa thuận thương mại hiện đại và cân bằng, công nhận uy tín về môi trường của Mercosur và củng cố cam kết của các nước Nam Mỹ đối với Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu”.
Theo chuyên gia kinh tế Federico Steinberg, nghiên cứu viên thỉnh giảng của chương trình châu Âu, Nga và Á - Âu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Mỹ, có 3 yếu tố khiến EU và Mercosur đạt được hiệp định thương mại tự do sau một phần tư thế kỷ đàm phán bị đình trệ.
Vị chuyên gia nhấn mạnh: “Đó là sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, được minh chứng bằng việc ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ.
Trên thực tế, Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva và Tổng thống Argentina Javier Milei là những người ủng hộ mạnh mẽ cho một thỏa thuận và “những cân nhắc chiến lược quan trọng từ phía EU”, chẳng hạn như những lo ngại đang diễn ra liên quan đến sự mở rộng nhanh chóng của hoạt động thương mại và đầu tư của Trung Quốc tại Mỹ Latinh”.
Theo các điều khoản của thỏa thuận, các công ty châu Âu có khả năng tiếp cận tốt hơn với thị trường mua sắm công, các ngành dịch vụ giá trị cao và các nguyên liệu thô quan trọng như lithium.
Ông Steinberg cho biết, đổi lại, EU sẽ giảm thuế đối với các sản phẩm nông nghiệp và hàng hóa khác và đóng góp 1,8 tỷ euro thông qua sáng kiến Global Gateway để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh và số hóa của Mercosur.
Trước đó, các cuộc đàm phán giữa EU và Mercosur bắt đầu vào năm 1999 và đến 2019 đã đạt được thỏa thuận sơ bộ. Tuy nhiên, thỏa thuận này đã bị đình trệ trong nhiều năm do sự phản đối của Pháp và một số quốc gia, vì lo ngại về những tổn thất kinh tế đối với nông dân châu Âu.
Lithium: nguyên liệu quan trọng
Theo giới phân tích, điểm nhấn của thỏa thuận thương mại tự do giữa EU và Mercosur nằm ở việc tiếp cận "vàng trắng" lithium - nguyên liệu then chốt cho cuộc cách mạng công nghệ xanh.
Các chuyên gia tại ngân hàng ING nhận định, tầm quan trọng của các nguyên liệu thô quan trọng như lithium dường như "ít được đưa tin" hơn trong phạm vi đưa tin về hiệp định thương mại tự do, mặc dù kim loại này có tầm quan trọng đối với tương lai kinh tế của châu Âu.
"Điều đó thật đáng ngạc nhiên, vì EU phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc về các nguyên liệu thô quan trọng, các quốc gia như Argentina, Bolivia và Brazil nắm giữ trữ lượng lớn một số nguyên liệu thô quan trọng này và nhu cầu của EU đối với các nguyên liệu này dự kiến sẽ tăng mạnh.
Giới chuyên gia nhận định, lithium là "mỏ vàng" của tương lai. Khu vực Mỹ Latinh hiện nắm giữ hơn 50% trữ lượng lithium toàn cầu, trong đó Argentina dẫn đầu với 21% và Chile khoảng 11%.
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen mô tả thỏa thuận thương mại EU - Mercosur là một “thỏa thuận đôi bên cùng có lợi” có thể giúp các công ty EU tiết kiệm 4 tỷ euro (4,24 tỷ USD) tiền thuế xuất khẩu mỗi năm.
Theo người đứng đầu EC, hiệp định này sẽ có tác động tích cực đến khoảng 60.000 công ty xuất khẩu sang khu vực Mercosur. Bà Ursula von der Leyen lưu ý thêm rằng các DN châu Âu sẽ "được hưởng lợi từ việc giảm thuế quan, thủ tục hải quan đơn giản hơn và dễ dàng tiếp cận với một số nguyên liệu thô quan trọng.
Trong khi đó, bà Kaja Kallas - Cao ủy EU về chính sách an ninh và đối ngoại, đã nêu bật tầm quan trọng của việc tiếp cận các nguyên liệu thô quan trọng trong tuyên bố về thỏa thuận thương mại nói trên.
“Đối với người châu Âu, hiệp định này mở ra một khu vực rộng lớn để giao thương tự do, bao gồm cả việc tiếp cận các nguyên liệu thô quan trọng và giảm thiểu nguy cơ từ các đối thủ cạnh tranh hàng đầu của EU” - bà Kallas nói hôm 6/12.
Liên đoàn Công nghiệp Đức (BDI) - một nhóm các nhà sản xuất dịch vụ liên quan đến công nghiệp Đức, sử dụng khoảng 8 triệu lao động, cũng đánh giá cao thỏa thuận, cho rằng đây là "cơ hội chiến lược" đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu thô quan trọng như lithium và đồng, vốn rất cần thiết cho các ngành công nghiệp chủ chốt như xe điện và năng lượng tái tạo.
Sẽ còn nhiều tranh cãi
Dù đạt được đồng thuận chính trị, quá trình đưa thỏa thuận vào thực tế vẫn còn dài và đầy thách thức. Văn bản phải trải qua các giai đoạn kiểm tra pháp lý, dịch thuật và cuối cùng là sự đồng thuận của ít nhất 15 trong tổng số 27 thành viên EU.
Trong khi đó, không phải tất cả các quốc gia EU đều ủng hộ thỏa thuận. Thỏa thuận ngay lập tức làm dấy lên căng thẳng giữa các quốc gia thành viên EU. Đức và các quốc gia ủng hộ thỏa thuận, như Tây Ban Nha và Hà Lan, coi đây là cơ hội để EU khẳng định vị thế thương mại toàn cầu.
Chính quyền Berlin xem thỏa thuận này là cơ hội quý giá để mở rộng thị trường xuất khẩu, trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang chật vật với tốc độ tăng trưởng chậm. Chính phủ Đức, vốn thúc đẩy thỏa thuận trong nhiều năm, ca ngợi đây là “bước tiến chiến lược” giúp giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc và Mỹ.
Tây Ban Nha và Đức đều đánh giá Mercosur là thị trường tiềm năng đối với ô tô, máy móc và hóa chất của EU, đồng thời cũng là nguồn cung cấp khoáng sản quan trọng đáng tin cậy, như mặt hàng lithium, được sử dụng trong pin và là nguyên liệu cần thiết cho quá trình chuyển đổi xanh của châu Âu.
Ngược lại, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chỉ trích mạnh mẽ hiệp định vì lo ngại về ảnh hưởng tiêu cực đối với ngành nông nghiệp trong nước. Các nhà sản xuất Pháp cảnh báo việc nhập khẩu thịt bò và thịt gia cầm giá rẻ từ Nam Mỹ sẽ gây áp lực lớn lên thị trường nội địa, ảnh hưởng đến sinh kế của nông dân.
Trước đó, nhóm vận động hành lang nông dân châu Âu Copa-Coge đã nhắc lại sự phản đối của mình đối với thỏa thuận này khi nói rằng các sản phẩm nông nghiệp của Mercosur không đáp ứng các tiêu chuẩn của EU và sẽ tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh.
Pháp không đơn độc trong cuộc chiến phản đối. Ba Lan, Áo, và Ireland cũng đã bày tỏ quan ngại về các vấn đề môi trường và lợi ích kinh tế nội địa. Tâm điểm chú ý giờ đây chuyển sang Italia, nơi Thủ tướng Giorgia Meloni phải đối mặt với áp lực quyết định có nên ủng hộ thỏa thuận hay không.