Đằng sau lựa chọn nội các mới của Tổng thống đắc cử Mỹ
Trong khoảng thời gian ngắn sau chiến thắng ở cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024, ông Donald Trump đã lần lượt đưa ra những lựa chọn 'tướng' đồng hành trong nội các tương lai.
Danh sách này sẽ thể hiện bức tranh rõ nét hơn về tầm nhìn và hành trình “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” mà Tổng thống đắc cử Mỹ cam kết thực hiện.
Trung thành, năng lực và chiến lược mới
Khi bổ nhiệm nội các, một trong những yếu tố Tổng thống đắc cử Donald Trump cân nhắc hàng đầu chính là lòng trung thành. Điều này xuất phát từ bài học trong nhiệm kỳ trước, khi nhiều quan chức, như cựu Giám đốc FBI James Comey, đã khiến ông Trump cảm thấy bị "phản bội vì họ đặt lời tuyên thệ với Hiến pháp lên trên lòng trung thành với ông". Việc này cũng thể hiện rõ ở ứng cử viên của ông cho vị trí Bộ trưởng Giáo dục.
Bà Linda McMahon, một đồng minh và người ủng hộ lâu năm của Trump, là đồng sáng lập và cựu giám đốc điều hành của World Wrestling Entertainment. Khi ông còn là ngôi sao của chương trình truyền hình thực tế "The Apprentice" của NBC, ông đã xuất hiện tại WrestleMania của WWE vào năm 2007. Tỷ phú 76 tuổi đến từ Connecticut này từng giữ chức giám đốc Cục Quản lý Doanh nghiệp Nhỏ trong chính quyền Trump 1.0 và từ chức vào năm 2019 để hỗ trợ cho chiến dịch tái tranh cử của ông.
Trong danh sách những thành viên nội các mới cũng bao gồm những cái tên như Thượng nghị sĩ Marco Rubio - đề cử Ngoại trưởng Mỹ, Hạ nghị sĩ Cộng hòa của New York Elise Stefanik - đề cử Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp quốc hay Nghị sĩ bang Florida Michael Waltz - đề cử Cố vấn An ninh quốc gia… Những nhân vật này đều đại diện sắc bén cho những khía cạnh trong tư tưởng chính trị của ông Trump và phản ánh mong muốn thay đổi chính sách của Mỹ sau bầu cử.
Hầu hết các ứng viên đều được đánh giá là có thành tích ấn tượng. Ông Marco Rubio là thành viên Ủy ban Đối ngoại và Tình báo Thượng viện. Bà Elise Stefanik, tốt nghiệp Harvard, từng là trợ lý của cựu Tổng thống George W. Bush và là một trong những nữ nghị sĩ Cộng hòa cấp cao nhất tại Hạ viện, trong khi ông Michael Waltz có kinh nghiệm tại Afghanistan, Trung Đông và châu Phi.
Mặt khác, một số nhân vật gắn liền với lĩnh vực truyền hình - cụ thể là đài Fox News cũng xuất hiện trong danh sách đề cử của ông Trump. Tổng thống đắc cử Mỹ đã chọn ông Pete Hegseth - người dẫn chương trình của Fox News - cho vị trí Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Một người dẫn chương trình Fox News khác là ông Sean Duffy được đề cử làm Bộ trưởng Giao thông vận tải, trong khi Tulsi Gabbard - nhà bình luận được trả lương của Fox News - được chọn làm Giám đốc Tình báo Quốc gia; ông Tom Homan - nhà bình luận được trả lương của Fox News - nhận đề cử làm người đứng đầu Bộ An ninh nội địa.
Với việc ông Trump chọn liên tiếp 2 bộ trưởng từ Fox News, kênh tin tức ủng hộ Tổng thống Mỹ đắc cử - có thể đưa ra dấu hiệu rằng việc đưa tin trên truyền hình một lần nữa có thể trở thành một yếu tố mạnh mẽ trong định hình các hành động và tiếp cận của chính quyền Trump 2.0. Đối với ông, không mạng truyền hình nào có sức ảnh hưởng lớn hơn Fox News.
“Ghế nóng” ở Bộ Tài chính
Dù ít nhiều gây tranh cãi và phá bỏ nhiều quy tắc trong quá trình chọn các vị trí cho nội các, ông Trump vẫn khó quyết định người đứng đầu Bộ Tài chính Mỹ - chức vụ kinh tế quyền lực nhất trong nội các sắp tới của ông.
Theo Politico, các ứng cử viên cho vị trí này hiện bao gồm tỷ phú Howard Lutnick - đồng chủ tịch nhóm chuyển giao của ông Trump, ông Scott Bessent - Giám đốc điều hành quỹ đầu tư, cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Kevin Warsh, Thượng nghị sĩ Bill Hagerty từ Đảng Cộng hòa, Giám đốc điều hành Apollo Global Management Marc Rowan và cố vấn kinh tế lâu năm của ông Trump là ông Robert Lighthizer.
Trong số các ứng viên, tỷ phú Elon Musk công khai ủng hộ ông Scott Bessent, còn Bộ trưởng Y tế tương lai Robert F. Kennedy Jr. lại nghiêng về ông Howard Lutnick. Trong khi đó, những người ủng hộ chính sách thuế quan bảo hộ đã vận động để đưa cựu đại diện thương mại của ông Trump là ông Robert Lighthizer vào vai trò này. Ông Trump từ lâu đã rất nhạy cảm với thị trường chứng khoán và lãi suất, hai lĩnh vực mà Bộ trưởng Tài chính có ảnh hưởng rất lớn.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ tương lai sẽ phải đối mặt với những thách thức nặng nề. Theo đó, Bộ sẽ đảm nhận việc phát hành nợ của Mỹ, hoạch định các vấn đề an ninh quốc gia về kinh tế, chính sách thuế và vị thế của đồng USD.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng có khả năng điều phối chính sách công nghiệp, thương mại và đối ngoại. Quốc hội Mỹ đang chuẩn bị cho một “cuộc chiến” liên quan tới phương án giải quyết các khoản cắt giảm thuế sắp hết hạn mà ông Trump đã ký thành luật từ năm 2017.
Theo ước tính của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ, việc gia hạn các khoản cắt giảm đó sẽ làm tăng thêm 4.600 tỷ USD vào thâm hụt liên bang trong thập kỷ tới, làm ảnh hưởng tới đánh giá của các cơ quan xếp hạng, các ngân hàng lớn và các công ty quản lý tài sản lớn.
Rào cản chưa thông
Nhiều Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa có thể đưa ra những thách thức tiềm tàng đối với quá trình chọn thành viên Nội của Tổng thống đắc cử Mỹ. Hiến pháp Mỹ quy định Thượng viện phải phê chuẩn nhiều vị trí do Tổng thống bổ nhiệm, trong đó có bộ trưởng, đại sứ Mỹ tại các nước, thẩm phán liên bang.
Do nội các được coi là nhân sự chủ chốt theo hiến pháp, các vị trí này đều cần có sự nhất trí từ Thượng viện, ngoại trừ Phó tổng thống, người đã được ấn định từ chiến dịch tranh cử. Thượng viện bắt đầu quy trình phê chuẩn bằng việc tổ chức điều trần. Phiên điều trần diễn ra “tại ủy ban có thẩm quyền với cơ quan mà ứng viên được đề cử làm lãnh đạo" và có thể kéo dài nhiều giờ.
Thành viên các ủy ban đặt câu hỏi cho ứng viên, thường là về tiểu sử và quan điểm chính sách, kế hoạch lãnh đạo trong tương lai. Ứng viên còn được yêu cầu điền vào biểu mẫu công khai tài chính và bị điều tra lý lịch. Cuối cùng sẽ kết thúc bằng một cuộc bỏ phiếu tại ủy ban, trước khi được bỏ phiếu toàn Thượng viện. Ứng viên cần được đa số thượng nghị sĩ tham gia bỏ phiếu ủng hộ để được chấp thuận.
Ông Trump từng có mối quan hệ được đánh giá là chưa “hữu hảo” với một số Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa. Với lợi thế đa số tại Thượng viện Mỹ khá mong manh thì chỉ cần tất cả Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ và 4 Thượng nghị sĩ của đảng Cộng hòa không phê duyệt thì các ứng viên trong Nội các của ông Trump sẽ phải dừng bước.
Đặc biệt, việc đề cử cựu Hạ nghị sĩ Matt Gaetz làm Bộ trưởng Tư pháp và ông Robert F. Kennedy Jr làm Bộ trưởng Y tế - những người là tâm điểm tranh cãi trong tuần qua đã vấp phải sự chỉ trích của một số Thượng nghị sĩ trong đảng.