Đằng sau gói kích thích 'táo bạo' của Trung Quốc
Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) vừa qua đã thông báo cắt giảm lãi suất 'mạnh tay' trong nỗ lực phục hồi tăng trưởng kinh tế đang trì trệ và phục hồi ngành bất động sản nước này, trong động thái can thiệp táo bạo nhất nhằm thúc đẩy nền kinh tế kể từ đại dịch.
Động thái can thiệp mạnh tay
Trong tuần qua, PBoC đã công bố mức cắt giảm lãi suất chính sách là 0,2%, kết hợp với việc hạ yêu cầu dự trữ của các ngân hàng và cắt giảm lãi suất thế chấp hiện tại, đều ở mức 0,5%. Việc PBoC công bố 3 lần cắt giảm lãi suất cùng một lúc là điều chưa từng có tiền lệ. Đồng thời, có khả năng PBoC sẽ cắt giảm thêm 0,25% hoặc 0,5% đối với yêu cầu dự trữ trước khi kết thúc năm, theo Thống đốc PBoC Phan Công Thắng.
PBoC cũng đã công bố kế hoạch bơm thêm thanh khoản vào thị trường chứng khoán bằng cách tái cấp vốn cho các khoản vay ngân hàng để giúp các công ty mua lại cổ phiếu của chính họ. Động thái này cũng sẽ giúp các nhà đầu tư tổ chức như các công ty chứng khoán huy động vốn bằng cách cho phép họ vay tài sản thanh khoản bằng cách sử dụng cổ phiếu của chính họ làm tài sản thế chấp.
Ông Phan Công Thắng không nêu rõ thời điểm các động thái này có hiệu lực, nhưng cho biết có thể sử dụng tới 66 tỷ USD giá trị tài sản trong chương trình giao dịch chứng khoán để hỗ trợ thêm đầu tư. Để kích thích thêm thị trường nhà ở, Thống đốc PBoC cho biết sẽ giảm mức tiền đặt cọc cần thiết để mua ngôi nhà thứ hai từ 25% xuống 15%.
PBoC kỳ vọng sự kết hợp giữa lãi suất thấp hơn và tiền đặt cọc thấp hơn sẽ giúp ích cho khoảng 50 triệu hộ gia đình, giảm tổng hóa đơn lãi suất khoảng 150 tỷ nhân dân tệ mỗi năm.
Động thái mới nhất diễn ra sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất 0,5% vào tuần trước, tạo cơ hội cho Trung Quốc hạ lãi suất mà không gây áp lực lên đồng nhân dân tệ.
Cứu vãn thị trường bất động sản
Một cuộc khủng hoảng ngày càng gia tăng trên thị trường bất động sản Trung Quốc đã diễn ra kể từ khi chính quyền trấn áp tình trạng vay nợ quá mức của các nhà phát triển, khiến nhiều người vỡ nợ. Các nhà phát triển và chủ sở hữu bất động sản tiếp tục phải đối mặt với các khoản thanh toán thế chấp cao, gây ảnh hưởng tới khả năng đầu tư và phát triển. Các cơ quan quản lý đã tránh thực hiện các đợt cắt giảm lớn đối với chi phí vay, vì lo ngại rằng biện pháp kích thích bùng nổ bong bóng bất động sản mới.
“Động thái này có thể đến hơi muộn, nhưng còn hơn không” - Gary Ng, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Natixis, nhận định về gói kích thích mới nhất của PBoC, đồng thời cho biết thêm: “Trung Quốc cần một môi trường lãi suất thấp hơn để thúc đẩy niềm tin”.
Trong khi đó, chuyên gia Julian Evans-Pritchard, trưởng bộ phận kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics, cho biết động thái này đại diện cho “gói kích thích quan trọng nhất kể từ những ngày đầu của đại dịch”, mặc dù “có thể là chưa đủ”. Sự phục hồi kinh tế hoàn toàn, theo chuyên gia này sẽ “cần hỗ trợ tài chính đáng kể hơn so với mức tăng khiêm tốn trong chi tiêu của chính phủ hiện đang trong quá trình triển khai”.
Bắc Kinh đang hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% vào năm 2024. Tuy nhiên, một số ngân hàng đầu tư bao gồm Goldman Sachs, Nomura, UBS và Bank of America gần đây đã hạ dự báo về tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay.
Tuy nhiên, các nhà phân tích nghi ngại về tác dụng của những biện pháp đã khá mạnh tay này. "Đây là lần đầu tiên PBoC trực tiếp sử dụng tiền để hỗ trợ thị trường chứng khoán và bất động sản" - Lu Xi, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại Đại học Quốc gia Singapore, cho biết.
Mục đích của tất cả động thái này nhằm giúp nền kinh tế Trung Quốc khởi sắc với mục tiêu tăng trưởng GDP hàng năm đạt "khoảng 5%". Trong khi xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 8 tăng mạnh 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái, thì nhập khẩu chỉ tăng 0,5%, làm nổi bật chi tiêu trong nước yếu kém. Mặt khác, một loạt các quốc gia triển khai các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới, bao gồm cả mức thuế 100% đối với xe điện của Trung Quốc do Mỹ và Canada áp dụng.
Dù các biện pháp của PBoC có thể mang lại một số cứu trợ cho các công ty hoặc các chính quyền địa phương đang phải vật lộn với công tác trả nợ, các chuyên gia vẫn bi quan.
Julian Evans-Pritchard, trưởng bộ phận Kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics, nhận định: đây là một bước đi đúng hướng, nhưng chưa đủ để thúc đẩy sự thay đổi trong tăng trưởng trừ khi được tiếp nối bằng hỗ trợ tài chính lớn hơn.
Dinny McMahon, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường Trung Quốc tại nhóm nghiên cứu chính sách Trung Quốc Trivium, nhận định: “cần gọi đây là gói cứu trợ", thay vì thúc đẩy những tác nhân đầu tư.
Đầu tiên, việc hỗ trợ thị trường chứng khoán không thực sự quan trọng vì nền kinh tế Trung Quốc không được tài chính hóa nhiều và chỉ có khoảng 10% số người Trung Quốc bình thường nắm giữ cổ phiếu (so với 70% người Mỹ).
Ngược lại, bất động sản chiếm tới 80% tài sản hộ gia đình của Trung Quốc, cũng như 30% GDP. Như vậy, quyết định cắt giảm lãi suất thế chấp hiện tại của PBoC sẽ giúp khoảng 50 triệu hộ gia đình Trung Quốc có thêm 21 tỷ USD mỗi năm, theo dự đoán của Goldman Sachs. Tuy nhiên, có ít dấu hiệu cho thấy những chủ nhà Trung Quốc đang gặp khó khăn sẽ chi tiêu khoản tiền đó thay vì tiết kiệm hoặc sử dụng để trả nợ vốn.
Nguyên nhân là do tiêu dùng ở Trung Quốc từ lâu đã bắt nguồn từ niềm tin của nhà đầu tư, đặc biệt là trong thị trường bất động sản trước đây rất sôi động. Các chủ bất động sản đã quen với việc giá trị thường tăng lên tới 120% trong một thập kỷ. Tuy nhiên, những ngày đó giờ đã qua, khi giá nhà mới tại 70 TP trên khắp Trung Quốc giảm 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 8, sau khi giảm 4,9% vào tháng trước. Đầu tư bất động sản đã giảm 10,2% cho đến nay trong năm 2024 so với tám tháng đầu năm ngoái.
Giải pháp bổ sung?
Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc đã tăng lên 18,8% vào tháng trước. Điều này chủ yếu là do "tổng cầu giảm, bao gồm đầu tư tư nhân, chi tiêu và tiêu dùng của chính phủ, lo sợ về rủi ro chính sách và kỳ vọng thấp về tăng trưởng trong tương lai" - Qu Feng, phó giáo sư kinh tế tại Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore, cho biết.
Theo các quan chức, để thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng cần giải pháp khó khăn nhất: tăng lương, đồng thời cung cấp các cơ hội đầu tư mang lại lợi nhuận thực sự.
Với những thách thức về nhân khẩu học cũng đồng nghĩa là bất động sản không còn bùng nổ ở Trung Quốc và cần khuyến khích đầu tư vào thị trường chứng khoán. Điều này cũng đòi hỏi phải giảm xu hướng tiết kiệm của mọi người, tăng cường chi tiêu vào các hàng hóa công cộng về mặt giáo dục, chăm sóc sức khỏe và lương hưu đóng vai trò là "bảo hiểm tiêu dùng" - chuyên gia Lu cho biết.
Trên thực tế, Trung Quốc đang có những động thái ngược lại. Vào ngày 13/9, hãng thông tấn nhà nước Xinhua đưa tin rằng Trung Quốc sẽ bắt đầu tăng tuổi nghỉ hưu lần đầu tiên kể từ năm 1978, từ 60 lên 63 đối với nam giới và từ 50 lên 53 hoặc 55 lên 58 đối với nữ giới (tùy thuộc vào tình trạng công việc). Mặc dù việc tăng tuổi nghỉ hưu từ lâu đã được coi là một bước đi cần thiết trong bối cảnh dân số đang giảm và già hóa, nhưng điều đó khó có thể khuyến khích chi tiêu tiêu dùng trong dân.