Đằng sau động thái thúc đẩy tham gia đàm phán ngừng bắn ở Gaza của Israel

Chuyên gia Avi Melamed, cựu quan chức tình báo Israel, cho rằng Thủ tướng Benjamin Netanyahu không có khả năng thay đổi các nguyên tắc cơ bản về quyết định cử phái đoàn đến Cairo hoặc Doha để tham dự các cuộc đàm phán về thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza vào tuần tới.

Một bệnh viện dã chiến tại Dải Gaza bị phá hủy sau khi trúng không kích của Israel ngày 27/7/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Một bệnh viện dã chiến tại Dải Gaza bị phá hủy sau khi trúng không kích của Israel ngày 27/7/2024. Ảnh: THX/TTXVN

“Tôi không nghĩ rằng có sự thay đổi 180 độ khi nói đến quyết định cử phái đoàn Israel đến Cairo hoặc Doha. Tôi nghĩ rằng ông Netanyahu cũng hiểu rõ thực tế rằng, cuối cùng thì không gian đàm phán đang thu hẹp lại và ông cần phải tiến lên phía trước, vì cả lý do trong nước cũng như lý do khu vực và quốc tế”, ông Melamed chỉ ra.

Nhà phân tích này cho biết có vẻ như ông Netanyahu đang tiến tới đạt được một số đột phá trong tình hình này. Đồng thời, ông cảnh báo mọi thứ đang rơi vào tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc”.

“Nếu có một cuộc tấn công của Hezbollah hay Iran vào Israel, điều đó sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng”, cựu quan chức tình báo Israel cảnh báo, ám chỉ khả năng trả đũa của hai bên đối với Israel về cáo buộc Tel Aviv ám sát thủ lĩnh Hamas và Hezbollah.

Mặt khác, chuyên gia này lập luận rằng mong muốn tham gia đàm phán của Israel trong bối cảnh căng thẳng khu vực gia tăng có thể liên quan đến thực tế rằng, cuối cùng, khi gạt toàn bộ vấn đề trả đũa sang một bên, lợi ích cơ bản của các bên tham gia chính trong các cuộc chiến như Israel, Iran, Hezbollah là tránh leo thang rộng hơn.

“Nói cách khác, mỗi bên đều có một số mối quan tâm chung về vấn đề này”, ông Melamed kết luận.

Trước đó, trong một tuyên bố chung, Mỹ, Qatar và Ai Cập đã thúc giục Israel và phong trào Hamas nên tiếp tục các cuộc thảo luận khẩn cấp tại Doha hoặc Cairo vào ngày 15/8 để “thu hẹp mọi khoảng cách còn lại” và bắt đầu thực hiện thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza mà không trì hoãn thêm nữa.

Tuyên bố chung do Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Ai Cập, Abdel Fattah el-Sisi, và Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani ký kết ngày 8/8.

“Với tư cách là bên trung gian, nếu cần thiết, chúng tôi sẵn sàng trình bày đề xuất bắc cầu cuối cùng giải quyết các vấn đề thực hiện còn lại theo cách đáp ứng được kỳ vọng của tất cả các bên”, tuyên bố chung nêu rõ.

Theo tuyên bố chung, Ai Cập, Qatar và Mỹ đã làm việc trong nhiều tháng để đạt được một thỏa thuận khung. Hiện tại thỏa thuận này đã nằm trên bàn đàm phán, chỉ còn thiếu các chi tiết về việc thực hiện.

Văn phòng của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã phản hồi đề xuất này bằng cách ra hiệu sẵn sàng cử một phái đoàn tham dự các cuộc đàm phán vào ngày 15/8.

Tuyên bố của Washington, Doha và Cairo được đưa ra trong bối cảnh nhiều tháng nỗ lực bất thành nhằm đạt được lệnh ngừng bắn ở Gaza. Theo Bộ Y tế do Hamas điều hành tại Gaza, các cuộc pháo kích liên tục của Israel ở dải đất này đã khiến ít nhất 39.699 người Palestine thiệt mạng,

Ba quốc gia này đã làm trung gian cho một lệnh ngừng bắn kéo dài một tuần giữa Israel và Hamas kết thúc vào cuối tháng 11/2023, trong đó có cả một cuộc trao đổi các tù nhân Palestine lấy các con tin Israel cũng như cung cấp thêm hàng viện trợ nhân đạo cho Gaza. Tuy nhiên, các nỗ lực hòa giải sau đó nhằm đạt được một thỏa thuận ngừng bắn mới đã không mang lại kết quả.

Phong trào Hamas nhấn mạnh lệnh ngừng bắn vĩnh viễn đối với các hành động thù địch phải được thống nhất ngay từ đầu các cuộc đàm phán. Trong khi Thủ tướng Netanyahu cho rằng sau khi tạm dừng các hành động thù địch, Lực lượng Phòng vệ Israel phải được phép tiếp tục tiêu diệt các tay súng Hamas.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo Sputnik)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/dang-sau-dong-thai-thuc-day-tham-gia-dam-phan-ngung-ban-o-gaza-cua-israel-20240811203059849.htm
Zalo