Đảng, Nhà nước luôn chăm lo phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

79 năm qua kể từ khi nước nhà giành được độc lập, thúc đẩy vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi phát triển luôn là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta. Chủ trương này vừa thể hiện sự công bằng, tạo điều kiện để đồng bào được thụ hưởng thành quả của công cuộc đổi mới đất nước, vừa là sự tri ân đối với vùng căn cứ địa cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Đồng bào các DTTS luôn nguyện một lòng theo Đảng, tiếp tục đoàn kết, chung sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ảnh: Phương Liên

Đồng bào các DTTS luôn nguyện một lòng theo Đảng, tiếp tục đoàn kết, chung sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ảnh: Phương Liên

Lịch sử hào hùng

Tháng 1/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã về nước sau hơn 30 năm bôn ba ở nước ngoài. Người đã chọn Cao Bằng - tỉnh miền núi, biên giới để xây dựng căn cứ địa cách mạng, nơi “đi đầu trong công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc” để từ đó mở rộng ra toàn quốc.

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Người, chiến khu Cao - Bắc - Lạng được thành lập và trở thành “cái nôi” của cách mạng, tập trung đầu não kháng chiến. Trong 34 chiến sĩ xuất quân tại khu rừng Trần Hưng Đạo năm xưa, tiền thân của QĐND Việt Nam ngày nay, có 29 đồng chí là người DTTS.

Trước khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, nhiều căn cứ cách mạng đã được thành lập ở các địa phương trong cả nước. Tuy vậy, quan trọng và lớn nhất vẫn là căn cứ địa Việt Bắc, địa bàn cư trú của các DTTS: Tày, Nùng, Mông, Dao... Trong hoàn cảnh rất khó khăn, thiếu thốn song đồng bào các DTTS đã hết lòng hy sinh phục vụ cách mạng, bảo vệ và nuôi dưỡng cán bộ cũng như trực tiếp tham gia cách mạng.

Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, an toàn khu của Đảng và Chính phủ nằm trong vùng đồng bào các DTTS, thuộc địa bàn các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang.

Trong các cuộc kháng chiến, hàng vạn con em đồng bào DTTS hăng hái lên đường nhập ngũ, cùng với quân và dân cả nước anh dũng chiến đấu. Hàng ngàn người là liệt sĩ, thương binh, bệnh binh đã đóng góp xương máu làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước, đồng bào các DTTS tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, vượt khó vươn lên, hăng hái thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Vì lợi ích quốc gia, trong 15 năm gần đây, trên 35 vạn hộ dân người DTTS đã di dời nhà cửa, ruộng vườn, quê hương gắn bó bao đời, chấp nhận gian khó, “tạo dựng lại cuộc sống từ đầu” để dành đất xây dựng các công trình thủy điện, thủy lợi, giao thông, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Những thành tựu to lớn

Trong không khí phấn khởi cùng cả nước chào mừng kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đi đến nơi đâu trên nước ta cũng có thể cảm nhận được sự đổi thay ở vùng DTTS và miền núi. Theo Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Phan Xuân Sơn (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), từ chỗ là người dân mất nước, đồng bào DTTS đã trở thành người làm chủ đất nước, được quyền bình đẳng với dân tộc đa số, được tham gia quản lý đất nước.

Cán bộ Biên phòng cùng các em nhỏ đón nhận niềm vui có nguồn nước sạch về thôn Pire 2, xã A Bung, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Phương Liên

Cán bộ Biên phòng cùng các em nhỏ đón nhận niềm vui có nguồn nước sạch về thôn Pire 2, xã A Bung, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Phương Liên

Thực hiện chủ trương, đường lối nhất quán của Đảng về công tác dân tộc, những năm qua, mặc dù nguồn lực còn khó khăn nhưng Chính phủ đã ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước tập trung xây dựng hàng vạn công trình hạ tầng cho vùng DTTS và miền núi, chủ yếu là đường giao thông, hệ thống điện, thủy lợi, các công trình nước sạch, trường, lớp học, trạm y tế, nhà văn hóa, chợ nông thôn... Đặc biệt, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ 2021-2025 là quyết sách đặc biệt quan trọng của Đảng, Nhà nước với quyết tâm phát triển mạnh mẽ vùng “lõm” đang còn nhiều khó khăn của cả nước.

Qua hơn 3 năm thực hiện, hệ thống chính sách dân tộc đã được tích hợp trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào DTTS đạt 3,4%, vượt mức 3% mục tiêu kế hoạch giao. Tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông đạt 98,6%; tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa đạt 89,5% (vượt so với mức 70% mục tiêu kế hoạch giao); tỷ lệ trường, lớp học được xây dựng kiên cố đạt 91,4%; tỷ lệ trạm y tế được xây dựng kiên cố đạt 95,7%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp đạt 98,9%; tỷ lệ đồng bào được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 94% (vượt so với mức 90% mục tiêu kế hoạch giao); tỷ lệ đồng bào được xem truyền hình đạt trung bình 94,9%; tỷ lệ đồng bào được nghe đài phát thanh đạt trung bình 94%; tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt 94,9%.

Cùng với đó, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi học tiểu học đến trường đạt 98,6% (vượt so với mức 97% mục tiêu kế hoạch giao); tỷ lệ học sinh trong độ tuổi học trung học cơ sở đến trường đạt 95,8% (vượt so với mức 95% mục tiêu kế hoạch giao); tỷ lệ học sinh trong độ tuổi học trung học phổ thông đến trường đạt 70,3% (vượt so với mức 60% mục tiêu kế hoạch giao); tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông đạt 92,1% (vượt so với mức 90% mục tiêu kế hoạch giao)... Hệ thống chính trị cơ sở ngày càng được kiện toàn, chất lượng đội ngũ cán bộ được nâng lên. Cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng người DTTS; từng bước khắc phục tình trạng hẫng hụt nguồn cán bộ DTTS. Đội ngũ cán bộ đang dần được trẻ hóa, có trình độ chuyên môn, đa dạng về thành phần dân tộc. Nhiều người DTTS trở thành cán bộ cao cấp của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.

Sau 79 năm độc lập, đất nước ta “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Vùng DTTS và miền núi cũng đang bước sang giai đoạn phát triển mới cùng sự đi lên của đất nước. Được thụ hưởng trực tiếp những thành quả của cách mạng, hơn 14 triệu đồng bào các DTTS trên khắp mọi miền đất nước luôn tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước. Đồng bào các DTTS nguyện tiếp tục đoàn kết dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, đồng lòng, chung sức xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; cùng nhau phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Phương Liên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dang-nha-nuoc-luon-cham-lo-phat-trien-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui-post480037.html
Zalo