Đảng lãnh đạo đột phá phát triển hạ tầng giao thông

Mùa xuân Ất Tỵ 2025 này Đảng ta kỷ niệm 95 năm thành lập (3/2/1930 - 3/2/2025). 95 mùa xuân, Đảng đồng hành cùng dân tộc vượt qua mọi gian lao, thử thách, trở thành một quốc gia có vai trò, vị thế và uy tín trên trường quốc tế. Trong những thành công to lớn ấy, đặc biệt, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định ba đột phá chiến lược, trong đó xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại.

Hệ thống hạ tầng GTVT đã có sự phát triển thần tốc trong thời gian qua và sẽ "bứt tốc" trong năm 2025

Hệ thống hạ tầng GTVT đã có sự phát triển thần tốc trong thời gian qua và sẽ "bứt tốc" trong năm 2025

Khát vọng mở đường

Để hoàn thành mục tiêu mà Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã đề ra, những năm qua, ngành GTVT đã nỗ lực, tập trung phát triển kế cấu hạ tầng, với mục tiêu phấn đấu cuối năm 2025 hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc, cơ bản hoàn thành sân bay Long Thành... và chuẩn bị tốt các công trình, dự án, nhất là các dự án trọng điểm quốc.

Chỉ tính riêng ở lĩnh vực đường bộ, trong gần 20 năm (từ năm 2020 trở về trước), cả nước mới đầu tư xây dựng gần 1.200 km đường bộ cao tốc, nhưng chỉ trong 3 năm (2021 - 2024), cả nước đã hoàn thành, đưa vào khai thác hơn 800 km, đưa tổng chiều dài đường bộ cao tốc cả nước vượt qua "ngưỡng" 2.000 km.

Năm 2025 là cột mốc có ý nghĩa rất quan trọng khi toàn ngành GTVT đang quyết tâm cao nhất thực hiện tốt các nhiệm vụ, kế hoạch được giao, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Đảng đề ra. Bộ GTVT phấn đấu hoàn thành các dự án, "nối thông" tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam và cùng các địa phương hoàn thành một số dự án đường bộ cao tốc kết nối…

Chia sẻ về hành trình "chạy đua" tiến độ thi công dự án đường cao tốc Bắc - Nam, các ban QLDA thuộc Bộ GTVT đều đánh giá, thời gian qua, các dự án tiếp tục nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Đặc biệt, trực tiếp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dành hàng chục lần thị sát các dự án và gỡ khó, đôn đốc tiến độ, gỡ "nút thắt" về mặt bằng, vật liệu từng bước được khơi thông, giúp nhà thầu có đủ điều kiện tăng tốc thi công các hạng mục. Mặt bằng thông, vật liệu đủ, các nhà thầu tăng ca kíp, xoay chuyển tình thế, nhiều dự án rút ngắn tiến độ từ 3 đến 6 tháng, tất cả vì mục tiêu thông tuyến, đưa dự án vào khai thác, thể hiện ý chí, khát vọng cống hiến cho đất nước của những người làm GTVT hôm nay.

Nghị quyết của Đảng đã chỉ rõ: Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình lớn, quan trọng thiết yếu, nhất là tại các khu vực có tiềm năng phát triển và giải quyết ách tắc, quá tải, bảo đảm kết nối thông suốt giữa các trung tâm kinh tế lớn, các đầu mối giao thông cửa ngõ các tuyến có nhu cầu vận tải lớn. Cụ thể hóa các quan điểm, định hướng chỉ đạo của Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các quyết định quy hoạch phát triển GTVT của 5 chuyên ngành: Đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không và hàng hải.

Với tinh thần đưa Nghị quyết vào cuộc sống, cả nước tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng trọng điểm quốc gia. Thời gian qua, ngành GTVT cùng với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương đầu tư, kết nối hệ thống cao tốc với sân bay, cảng biển và triển khai đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị; phấn đấu cơ bản hoàn thành Cảng Hàng không quốc tế Long Thành trong năm 2025; khởi công xây dựng bến cảng Liên Chiểu; hoàn thành thủ tục đầu tư Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ...

Bên cạnh đó, ngành GTVT cùng với các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc kết nối như: Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Lạng Sơn - Cao Bằng, Tuyên Quang - Hà Giang... với mục tiêu cán đích, đưa vào khai thác 3.000 km đường bộ cao tốc và trên 1.000 km đường bộ ven biển, xây dựng và chuẩn bị tốt các công trình, dự án, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia giai đoạn 2026 - 2030 mà Nghị quyết của Đảng đã đề ra.

Giờ đây, chúng ta đi đến đâu, vùng miền nào của Tổ quốc, các dự án đường bộ, hàng không, hàng hải... đều như một đại công trường xây dựng, mở ra cơ hội cho sự kết nối như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo: Cần tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược, trọng điểm và quan trọng quốc gia, đặc biệt là các dự án về hạ tầng giao thông đường bộ và đường sắt tốc độ cao, cảng biển, sân bay, năng lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Không chỉ người đứng đầu Đảng giành sự quan tâm, chỉ đạo đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng thường xuyên có mặt trên các dự án trọng điểm quốc gia. Tại những lần kiểm tra, người đứng đầu Chính phủ đã lắng nghe các bên báo cáo tiến độ, những kiến nghị…, qua đó Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo, bàn các giải pháp, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ các dự án, nhất là trong thủ tục đầu tư, việc cấp mỏ vật liệu, GPMB, công tác thi công...

Cán bộ, công nhân trên công trường luôn phát huy tinh thần "vượt nắng, thắng mưa, không thua gió bão"

Cán bộ, công nhân trên công trường luôn phát huy tinh thần "vượt nắng, thắng mưa, không thua gió bão"

Tận mắt chứng kiến cảnh công nhân mồ hôi ướt đẫm dưới cái nắng 39 độ của miền Trung thi công dự án cao tốc mới cảm nhận rõ tinh thần "vượt nắng, thắng mưa" không chỉ là khẩu hiệu mà đã cụ thể hóa bằng từng hành động. Ở mỗi công trường, đã có những "mệnh lệnh từ trái tim", hy sinh niềm vui cá nhân của mỗi công nhân, kỹ sư, có cả những chủ doanh nghiệp sẵn sàng tâm thế hy sinh lợi nhuận, bỏ thêm chi phí, thay đổi giải pháp thi công nhằm sớm thông tuyến đường huyết mạch.

Những chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ như những khẩu hiệu, tiếp thêm sức mạnh cho mỗi người thợ trên công trường, phát huy tinh thần "vượt nắng, thắng mưa, không thua gió bão", thi công "3 ca, 4 kíp", "làm việc xuyên ngày nghỉ, ngày tết", "làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm", "chỉ bàn làm, không bàn lùi", khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Phong trào thi đua "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc"; hoàn thành cơ bản dự án sân bay Long Thành, dự án Nhà ga hành khách T3 (Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất), dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, đường Vành đai 4 Hà Nội, đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh...

Hiện thực hóa kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Sau 18 năm triển khai nghiên cứu bài bản, thận trọng, khoa học trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng kinh nghiệm của các quốc gia phát triển, tiếp thu có chọn lọc để phù hợp với điều kiện thực tiễn nước ta, Bộ GTVT đã hoàn thành nghiên cứu, báo cáo và được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương thông qua Nghị quyết về Đề án đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và được Quốc hội Khóa XV thông qua chủ trương đầu tư tại Kỳ họp thứ 8, tháng 11/2024 vừa qua; đồng thời, chuẩn bị đầu tư các dự án đường sắt kết nối Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và phấn đấu khởi công vào cuối năm 2025.

Việc Đảng và Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đang tạo ra những bước tiến quan trọng cho dự án đường sắt sau gần 20 năm "thai nghén". Đây chính là thời khắc quan trọng góp phần hiện thực hóa chủ trương, định hướng của Đảng, chính sách của Nhà nước, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông. Với sự quyết tâm, nỗ lực của toàn ngành, sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, chúng ta sẽ thực hiện thành công dự án mang tính biểu tượng của kỷ nguyên.

Xuân Ất Tỵ năm 2025, mùa Xuân khởi đầu cho đất nước vươn mình phát triển, cũng là thời điểm Đảng Cộng sản Việt Nam trải qua chặng đường 95 năm xây dựng, trưởng thành, cùng đất nước đồng hành và phát triển. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, với quyết tâm của cả nước và đặc biệt là ngành GTVT, những khát vọng về phát triển đột phá hạ tầng đang dần hiện ra trong mùa xuân mới này.

Vũ Bình

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/dang-lanh-dao-dot-pha-phat-trien-ha-tang-giao-thong-183250116094436377.htm
Zalo