Đăng ký, quản lý hộ tịch từng bước được hiện đại hóa
Từ năm 2016 đến nay, mỗi năm có hàng triệu trẻ em được đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân, tỷ lệ đăng ký khai sinh ở Việt Nam trong các năm qua đã đạt trên 98%...
Ngày 16/12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc Tổng kết chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017 – 2024.
Báo cáo tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực Nhâm Ngọc Hiển cho biết cùng với việc Quốc hội thông qua Luật Hộ tịch năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 101/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024.
Đây là Chương trình hành động quan trọng, có ý nghĩa thiết thực, liên quan đến bảo đảm việc thực hiện quyền của công dân, có ảnh hưởng trực tiếp đến công tác quản lý dân cư, quản lý xã hội, là một dấu mốc quan trọng trong thể chế và cơ chế thực hiện đăng ký, thống kê hộ tịch.
Việc ban hành Chương trình hành động cũng thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu đặt ra trong Tuyên bố chung tại Hội nghị Bộ trưởng Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Mục tiêu tổng quát là bảo đảm các sự kiện hộ tịch được đăng ký kịp thời, đầy đủ, chính xác, đúng quy định pháp luật; nâng cao tỷ lệ đăng ký hộ tịch, tập trung vào tỷ lệ đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử.
Qua hơn 7 năm thực hiện Chương trình hành động, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, đặc biệt là những tác động tích cực đối với hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch trên toàn quốc, bảo đảm quyền đăng ký hộ tịch của người dân.
Phương thức đăng ký, quản lý hộ tịch từng bước được hiện đại hóa thông qua việc xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, triển khai Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung miễn phí, thống nhất tại tất cả các cơ quan đăng ký hộ tịch của 63 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương (gồm trên 10.000 UBND cấp xã, hơn 700 UBND cấp huyện) và trong thời gian tới sẽ triển khai tại các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Về cơ bản, pháp luật hộ tịch của Việt Nam đã thừa nhận và bảo đảm quyền đăng ký hộ tịch cho tất cả mọi cá nhân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt quốc tịch, dân tộc, tôn giáo hay nơi cư trú; bảo đảm mọi sự kiện hộ tịch của cá nhân được đăng ký đầy đủ, kịp thời, trung thực, khách quan và chính xác.
Trên cơ sở đó, từ năm 2016 đến nay, mỗi năm có hàng triệu trẻ em được đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân, tỷ lệ đăng ký khai sinh ở Việt Nam trong các năm qua đã đạt trên 98%.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện Chương trình hành động còn gặp một số khó khăn, thách thức như: hệ thống pháp luật về hộ tịch, quốc tịch tuy đã được ban hành đầy đủ, nhưng vẫn còn các quy định pháp luật trong lĩnh vực khác có liên quan chưa đồng bộ.
Bên cạnh đó chưa có các chính sách, quy định phù hợp dành riêng cho việc đăng ký hộ tịch, xác định quốc tịch đối với nhóm dân cư khó tiếp cận, dễ bị tổn thương; nguồn lực triển khai Chương trình hành động quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch còn hạn chế; năng lực của đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch một số nơi chưa đáp ứng được yêu cầu.
Đặc biệt, trong các đợt bùng phát dịch Covid-19 mà chúng ta đã trải qua đã cho thấy khả năng ứng phó trong công tác đăng ký hộ tịch thông qua phương thức trực tuyến còn có hạn chế.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi đánh giá cao tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc cùng những tham luận tâm huyết để đánh giá những mặt tích cực, những hạn chế tồn tại, vướng mắc cần tháo gỡ trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình hành động.
Đặc biệt là những tham luận đóng góp nhằm nâng cao hiệu quả công tác đăng ký và thống kê hộ tịch, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, tiếp tục cải cách, phân cấp mạnh mẽ, tiến tới tăng mạnh tỷ lệ đăng ký hộ tịch trực tuyến, hoàn thiện cơ sở pháp lý để thực hiện đăng ký hộ tịch không phụ thuộc nơi cư trú...
Thứ trưởng cho rằng để tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế đã được nhận diện thì cần củng cố, xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp có liên quan, đồng thời các cấp chính quyền cần tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực cán bộ, công chức làm công tác hộ tịch ở cấp huyện và cấp xã; đảm bảo phân bổ ngân sách phù hợp cho công tác đăng ký, quản lý hộ tịch từ Trung ương đến địa phương.