Đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, có nên đổ xô vào những ngành học hot?
Theo chuyên gia, thí sinh cần hiểu rõ mong muốn của bản thân để xác định được ngành học phù hợp với năng lực, đam mê thay vì lựa chọn theo số đông.
Đến 17h00 ngày 30/7, các thí sinh sẽ hết thời hạn đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thí sinh Hoàng Thị Trà My (Hà Nội) cho biết, kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2024 của em tương đối tốt, điểm xét tuyển đại học cũng khá cao. Thế nhưng, khi đăng ký nguyện vọng, em vẫn còn gặp khó khăn vì không biết nên lựa chọn ngành học bản thân yêu thích hay ưu tiên một số ngành theo sự tư vấn của người quen.
“Bản thân em mong muốn được đăng ký vào ngành Sư phạm tiếng Đức của Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội và nếu xét điểm thi của mình, em tự tin có thể trúng tuyển ngành học này.
Thế nhưng, gia đình và bạn bè xung quanh lại khuyên em đăng ký ngành Báo chí vì trong một vài năm gần đây, Báo chí là một trong số những ngành học hot được nhiều người lựa chọn nên triển vọng sau khi ra trường sẽ cao.
Tuy nhiên, qua việc tìm hiểu em nhận thấy chương trình đào tạo ngành Báo chí khá nặng so với sức học của em nên nếu lựa chọn ngành học này, em không tự tin bản thân sẽ theo được. Điều này khiến em rất áp lực vì không biết nên lựa chọn ngành học nào là tốt nhất cho bản thân", Trà My chia sẻ.
Có nên đổ xô vào các ngành “hot”?
Đỗ đại học được coi là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của học sinh, có yếu tố quyết định đến công việc, sự nghiệp trong tương lai nên luôn được thí sinh và phụ huynh đặc biệt coi trọng.
Với những biến đổi nhanh chóng của kinh tế - xã hội, một số ngành học có cơ hội “lên ngôi” và thu hút nhiều sự quan tâm từ công chúng. Vài năm trở lại đây, điểm chuẩn đại học luôn là chủ đề nóng được dư luận quan tâm, đặc biệt khi ngày càng có nhiều ngành có điểm đầu vào ở ngưỡng 29 - 30 điểm.
Trước những biến động đó, nhiều thí sinh có xu hướng lựa chọn các ngành học hot, điểm chuẩn cao vì cho rằng đầu ra sẽ dễ dàng và có nhiều triển vọng.
Tuy nhiên, lại có nhiều ý kiến cho rằng, việc lựa chọn các ngành học nên dựa vào đam mê, năng lực của bản thân thay vì lựa chọn theo số đông.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Quản lý đào tạo, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, nhu cầu thực tiễn luôn luôn thay đổi do đó sẽ không có một công thức hoàn hảo nào giúp thí sinh lựa chọn ngành học tốt nhất. Điều cần và quan trọng nhất với thí sinh trong giai đoạn hiện nay chính là phải hiểu rõ mong muốn của bản thân để lựa chọn con đường phù hợp.
Thay vì chạy đua theo số đông và đổ xô vào các ngành học “hot”, thí sinh cần xác định được năng lực, sở thích và mục tiêu nghề nghiệp của chính mình. Đồng thời cần tìm hiểu kỹ thông tin về các cơ sở đào tạo, thông tin ngành học, cơ hội học tập, nghề nghiệp tương lai. Điều này giúp các em đưa ra lựa chọn phù hợp với bản thân, tăng cơ hội trúng tuyển và tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi trong quá trình học tập ở tương lai.
Cũng theo chia sẻ từ thầy Hải, quan niệm “ngành hot, nghề mốt ra trường lương cao, cơ hội việc làm tốt” đã phần nào phản ánh tâm lý chung của xã hội, đặc biệt là các bạn trẻ và phụ huynh.
Điều này dễ hiểu bởi ai cũng mong muốn có được một công việc ổn định, thu nhập cao sau khi ra trường. Tuy nhiên, việc chỉ tập trung vào những ngành hot theo xu hướng mà không xem xét kỹ các yếu tố khác như năng lực bản thân, sở thích, nhu cầu thị trường có thể dẫn đến những kết quả không như ý.
“Sức hấp dẫn của ngành học có tính thời điểm, có thể ở hiện tại ngành học này được đánh giá cao nhưng chưa chắc sau 4-5 năm sau sẽ còn giữ được sức nóng.
Vậy nên, điều quan trọng nhất đối với thí sinh là tìm được ngành học sẽ phát triển được thế mạnh của bản thân thay vì cố gắng chạy theo số đông, ép bản thân học một ngành nghề không đúng mong muốn”, thầy Hải nêu quan điểm.
Đồng tình với quan điểm trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Đại Lượng - Trưởng Phòng Đào tạo, Quản lý Khoa học và Hợp tác Quốc tế, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cũng cho rằng, trước khi lựa chọn ngành học hay sắp xếp nguyện vọng, thí sinh cần xem xét, căn cứ theo nhiều yếu tố.
Đánh giá từ thực tế, có nhiều thí sinh bất chấp đăng ký vào những ngành đang là xu thế trong xã hội mà không cân nhắc, xem xét yêu cầu của ngành học có phù hợp với bản thân hay không dẫn đến việc nhiều bạn ngỡ ngàng, thất vọng sau khi theo học thực tế tại trường.
Thậm chí, nhiều thí sinh dù đỗ vào các trường top đầu nhưng sau thời gian học tập thực tế mới phát hiện bản thân không phù hợp với ngành học và định hướng đào tạo của trường nên phải bảo lưu kết quả, thậm chí là thôi học để chuyển hướng sang một ngành học khác.
Bên cạnh việc chú trọng năng lực, sở thích của bản thân, thầy Lượng lưu ý đến các thí sinh cần tìm hiểu về nhu cầu thị trường lao động, qua đó có sự đối sánh với triển vọng nghề nghiệp và cơ hội việc làm của mỗi ngành học. Việc lựa chọn đúng ngành học mình yêu thích sẽ phát huy được nhiều năng lực, thế mạnh của bản thân, mang lại nhiều hứng thú, động lực trong quá trình học tập.
Ngành có điểm chuẩn thấp không có nghĩa là kém tiềm năng
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Đại Lượng, bất kỳ một ngành học nào được đào tạo thì đều mang nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu nhân lực từ thị trường lao động.
Trên thực tế, hầu hết thí sinh đều nhận định rằng ngành “hot" thì nhu cầu nhân lực lớn, ra trường dễ kiếm việc và có thu nhập cao và ngược lại, với một số ngành học có điểm chuẩn thấp, đa số thí sinh sẽ e dè và quan ngại hơn trong việc lựa chọn.
Do đó, việc thí sinh chạy đua theo các ngành học hot theo xu hướng có thể đến từ nguyên nhân do chưa nhìn thấy độ hấp dẫn của một số ngành khoa học cơ bản nên vội vàng đánh giá đó là những ngành học không tiềm năng.
Điều này có thể dẫn đến việc mất cân bằng trong cung - cầu nhân lực đối với thị trường lao động khi một lượng lớn thí sinh chạy đua vào những ngành xu hướng dẫn đến lượng cung lớn, thị trường lao động không đáp ứng đủ cũng dẫn đến việc nhiều sinh viên dù học ngành hot nhưng ra trường vẫn không tìm được công việc như ý.
Mặt khác, với một số ngành học đang có nhu cầu nhân lực lớn nhưng vì không thuộc những ngành xu hướng nên chưa thu hút được thí sinh.
Theo đó, thầy Lượng bày tỏ mong muốn Nhà nước sẽ xây dựng nhiều chính sách để điều tiết, thu hút thí sinh đối với những ngành học đặc thù còn gặp hạn chế trong vấn đề tuyển sinh nhằm đảm bảo kết quả đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tiễn.
Trong khi đó, đánh giá từ tình hình thực tế tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hải cho biết trong 2-3 năm trở lại đây, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và nền kinh tế số đã thúc đẩy nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực liên quan đến công nghiệp 4.0.
Trên cơ sở đó, các ngành học liên quan như ngành Kỹ thuật điện, Điện tử và Tự động hóa; ngành Công nghệ Kỹ thuật ô tô và Cơ điện tử; Kỹ thuật cơ khí; Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng được nhiều thí sinh ưu tiên lựa chọn và trở thành những ngành hot có điểm chuẩn cao.
Mặt khác, một số ngành khoa học cơ bản và các ngành đặc thù như Khoa học môi trường; Quản lý đất đai; Nông nghiệp sinh thái và Nông nghiệp đô thị lại ít được chú ý và quan tâm hơn. Thậm chí, nhiều thí sinh lo ngại về tính đặc thù của ngành học sẽ đem lại nhiều hạn chế trong quá trình tìm kiếm việc làm phù hợp.
Tuy nhiên, theo quan điểm của thầy Hải, việc một bộ phận trong xã hội cho rằng các ngành có điểm chuẩn thấp thì triển vọng nghề nghiệp không cao là cách đánh giá khá vội vàng và chưa thực sự chuẩn xác.
Lấy ví dụ các ngành khối nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản hiện nay đang ngày càng khẳng định được vai trò quan trọng của mình đối với tiến trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Theo đó, tiềm năng phát triển của ngành học trong tương lai vô cùng lớn, nhu cầu từ thị trường lao động đối với nhân sự các lĩnh vực này cũng rất cao.
Bên cạnh đó, xu hướng phát triển toàn cầu đã khiến các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng ngày càng quan tâm đến vấn đề phát triển bền vững, giảm thiểu tác động đến môi trường.
Do đó, định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, áp dụng công nghệ vào nông nghiệp để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm thiểu chi phí, phát triển các công nghệ xanh, năng lượng tái tạo, xử lý chất thải đang được các quốc gia ưu tiên, chú trọng và đặt lên hàng đầu.
Vậy nên, một số ngành như Khoa học môi trường, Quản lý đất đai, Nông nghiệp sinh thái và Nông nghiệp đô thị đang là những ngành học vô cùng tiềm năng. Sinh viên theo đuổi các ngành học này sau khi tốt nghiệp sẽ có nhiều triển vọng và cơ hội làm việc lý tưởng.
Việc lựa chọn ngành học là một quyết định quan trọng có ảnh hưởng đến tương lai, do đó, thầy Hải lưu ý đến thí sinh cần xác định rõ năng lực và sở thích của bản thân để sắp xếp nguyện vọng cho hợp lý, đặt nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ ngành mình yêu thích nhất đến ngành mình muốn thử sức.
Bên cạnh đó, phải nắm rõ những nguyên tắc và quy định xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thông tin tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học và các ngành học mong muốn xét tuyển.
Đặc biệt phải có các nguyện vọng dự phòng với điểm chuẩn thấp hơn để đảm bảo cơ hội trúng tuyển, tránh tình trạng không đỗ nguyện vọng nào do điểm chuẩn cao hơn dự kiến.
Các mốc thời gian quan trọng thí sinh cần lưu ý khi xét tuyển đại học năm 2024.
- Từ ngày 18/7 - 30/7: Thí sinh đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển (không giới hạn số lần) trên hệ thống tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Từ ngày 31/7 - 6/8: Thí sinh nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến.
- Trước 17h00 ngày 19/8: Thí sinh nhận thông báo trúng tuyển đợt 1.
- Trước 17h00 ngày 27/8: Thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên Hệ thống.