Đảng đoàn HĐND tỉnh Đồng Nai đề nghị nghiên cứu phương án bảo tồn công trình kiến trúc 'nhà lầu ông Phủ'
Đảng đoàn HĐND tỉnh Đồng Nai đề nghị Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, Thường trực Thành ủy Biên Hòa nghiên cứu phương án, giải pháp để bảo tồn công trình kiến trúc 'nhà lầu ông Phủ'.
Bí thư Đảng đoàn HĐND tỉnh Đồng Nai Thái Bảo vừa có Công văn số 96-CV/ĐĐHĐND gửi Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, Thường trực Thành ủy Biên Hòa về nội dung liên quan đến việc nghiên cứu vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa công trình kiến trúc “nhà lầu ông Phủ” thuộc Dự án đường ven sông Đồng Nai.
Theo công văn, những ngày qua, các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương liên tục phản ánh về việc công trình kiến trúc “nhà lầu ông Phủ” trăm năm tuổi ở TP. Biên Hòa thuộc Dự án đường ven sông Đồng Nai (đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh huyện Vĩnh Cửu) có nguy cơ bị tháo dỡ.
Báo chí đã phản ánh nhiều ý kiến quan tâm của các chuyên gia, kể cả chuyên gia nước ngoài, kiến trúc sư, những người nghiên cứu lịch sử và người dân TP. Biên Hòa. Trong số đó, có kiến nghị chính quyền cần tính toán có phương án bảo tồn công trình kiến trúc có giá trị văn hóa lịch sử này.
Từ đó, Đảng đoàn HĐND tỉnh Đồng Nai đề nghị Ban cán sự đảng UBND tỉnh và Thường trực Thành ủy Biên Hòa, lãnh đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu vấn đề trên để tính toán có phương án, giải pháp phù hợp, vừa bảo đảm việc triển khai thực hiện dự án, đồng thời gắn với việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc theo tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 12/12/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khóa XI.
Cụ thể, Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 12/12/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khóa XI về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Đồng Nai nêu rõ: “Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa (vật thể và phi vật thể) cùng các giá trị văn hóa khác, tái hiện, tạo ra nhiều sản phẩm văn hóa, sản phẩm du lịch đặc trưng, có chất lượng cao, mang đậm bản sắc Đồng Nai, phù hợp với xu thế thời đại”.
Dự án đường ven sông Đồng Nai dài hơn 5km (từ cầu Hóa An, TP. Biên Hòa đến xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu). Đường được thiết kế rộng 34m, vỉa hè mỗi bên 5m, mặt đường 24m. Tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách. Trong đó, gần 1.340 tỷ đồng dành cho việc xây dựng tuyến đường, phần còn lại dành cho dự án xây kè ven sông.
Trong số hơn 500 hộ dân bị ảnh hưởng, phải di dời một phần hoặc toàn bộ nhà cửa, có biệt thự “100 năm tuổi của Đốc phủ sứ Võ Hà Thanh" (công trình kiến trúc “nhà lầu ông Phủ”). Biệt phủ trên là của ông Võ Hà Thanh (SN 1876, quê Quảng Ngãi). Ông theo cha vào Biên Hòa từ nhỏ. Ban đầu, từ người làm thuê, ông đã làm chủ đồn điền cao su, hầm khai thác đá lớn của Biên Hòa, thành Đốc phủ sứ.
Biệt thự “nhà lầu ông Phủ” được xây năm 1922, hoàn thành năm 1924 với kiến trúc Pháp và nhiều vật liệu từ Pháp đưa qua. Cơ quan chức năng TP Biên Hòa định giá bồi thường ngôi biệt thự cổ này số tiền 5,4 tỷ đồng.