Đẳng cấp của doanh nhân không phải siêu xe, chân dài

Doanh nhân, dù bên ta hay bên Âu, Mỹ họ đều thể hiện đẳng cấp bằng những hoạt động mang tính nhân văn, hướng đến lợi ích cộng đồng. Trái lại, những 'đại gia' chỉ biết săn tìm và khoe mẽ siêu xe, chân dài thì mãi mãi chỉ là đám trọc phú, giàu xổi mà thôi.

Khi những hình ảnh thương tâm đầu tiên về trận bão lũ Yagi hoành hành các tỉnh phía Bắc, rất nhiều doanh nhân, doanh nghiệp đồng bào khắp nơi đã rộng tay cứu trợ. Trong vài ngày, chỉ riêng số tiền đóng góp qua kênh của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã vượt con số 1.000 tỷ đồng.

Qua nhiều kênh kêu gọi khác, danh sách các doanh nhân, doanh nghiệp đóng góp ngày một dài tạo nên những con số ấn tượng. Chúng tôi thiết nghĩ không cần phải liệt kê lại ở đây.

Ông Tô Ngọc Ngời, đại diện HAWA tới Tòa soạn Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn ủng hộ chương trình do Tạp chí phát động. Ảnh: DNSG

Ông Tô Ngọc Ngời, đại diện HAWA tới Tòa soạn Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn ủng hộ chương trình do Tạp chí phát động. Ảnh: DNSG

CEO Tiên Nguyễn, con gái của doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn, trao 1 tỷ đồng cho Chương trình “Cùng tiếp sức học sinh tới trường sau bão số 3” do Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn phát động. Ảnh: Huyền Châm

CEO Tiên Nguyễn, con gái của doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn, trao 1 tỷ đồng cho Chương trình “Cùng tiếp sức học sinh tới trường sau bão số 3” do Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn phát động. Ảnh: Huyền Châm

Trong tình cảnh tang thương ấy, mỗi doanh nghiệp phụ một tay. Có doanh nghiệp BOT nọ trên trục Quốc lộ 1A thì miễn phí cho những đoàn xe cứu trợ. Có khách sạn kia ở Yên Bái, 3 giờ sáng mở cửa đón đoàn cứu trợ với giá rất tượng trưng: “Nhìn là biết các anh chị đi làm việc thiện”.

Khi nước lũ đang rút, lại có những nhóm doanh nhân ngồi bàn kế hoạch đưa những gói tái thiết đến những bản làng, cõng những tủ sách lên vùng cao...

Chương trình “Cùng tiếp sức học sinh tới trường sau bão số 3” do Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn phát động cũng thu hút được rất nhiều doanh nhân tham gia.

Nhiều người gọi những nghĩa cử này của doanh nhân là “trách nhiệm xã hội”, là “trách nhiệm cộng đồng”. Tuy nhiên, tôi không thích cách gọi này lắm.

Nếu nói về trách nhiệm với xã hội thì các doanh nghiệp chỉ có trách nhiệm đóng thuế. Mỗi doanh nghiệp đều đóng thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp... Mỗi doanh nhân, cán bộ công nhân viên thì đóng thuế thu nhập cá nhân. Doanh nhiệp càng lớn, làm ăn càng hiệu quả thì đóng thuế càng nhiều. Tiền thuế này nộp vào ngân sách và sẽ lan tỏa đến toàn bộ đời sống xã hội. Do vậy, doanh nhân, doanh nghiệp đóng thuế cao là đã chu toàn trách nhiệm xã hội lắm rồi. Đó là chưa kể các doanh nghiệp đã tạo công ăn việc làm thu hút lao động, chia sẻ gánh nặng với Chính phủ và xã hội...

Do vậy, thực chất của những nghĩa cử hướng tới cộng đồng không phải là “trách nhiệm” mà đó là những hoạt động kiến tạo giá trị nhân văn, xác lập đẳng cấp của doanh nhân.

Trên thế giới không thiếu những tấm gương các nhà tỷ phú cống hiến tới 99% tài sản cho cộng đồng. Họ không giữ bo bo tài sản cho bản thân và con cháu. Những doanh nhân mang tầm vĩ nhân như vậy nhiều lắm, kể không hết. Tuy nhiên, ai cũng có thể nhớ đến gia đình những tỷ phú giàu nhất thế giới như Bill Gates, Warren Buffet…

Ông trùm đầu tư Warren Buffett nổi tiếng là người dành hầu hết cuộc đời của mình để làm từ thiện. Warren Buffett từng khẳng định trong di chúc sẽ hiến 99% tài sản của mình thông qua Quỹ Bill & Melinda và 4 quỹ từ thiện khác có liên hệ với gia đình của ông.

Bill Gates từng tiết lộ mục đích của ông là dành tặng 95% tài sản cho hoạt động từ thiện. Ông cùng vợ (nay đã chia tay) và tỷ phú Buffet sáng lập chương trình “Giving Pledge” (Cam kết cống hiến). Đây là chiến dịch vận động các tỷ phú cam kết cống hiến phần lớn tài sản để làm từ thiện.

Nói cho ngay, Việt Nam hay thế giới đều luôn luôn tồn tại hai dạng người giàu. Một bên là thế giới của những doanh nhân đẳng cấp thật sự, những doanh nhân không muốn để lại di chúc thừa kế cho con cháu. Một bên là thế giới của những “đại gia” mà họ gọi một cách miệt thị là “Nouveau riche”. Đây là một từ tiếng Pháp nhưng được người Mỹ vay mượn để ám chỉ những người mới giàu (New rich), không thuộc tầng lớp quí tộc, thượng lưu. Từ này dịch ra tiếng Việt không cách nào hay hơn đó là “giàu xổi”, là trọc phú.

Việt Nam chúng ta mấy năm gần đây bức tranh phân biệt hai thế giới đối lập này cũng đã khá rõ rệt. Một bên là doanh nhân. Một bên chỉ là trọc phú.

Một bên là doanh nhân hướng tới lợi ích cộng đồng. Một bên là “đại gia” mải mê với những siêu xe, cặp kè với những chân dài.

Một bên là kinh doanh hướng tới những giá trị, hệ sinh thái bền vững. Một bên là làm ăn "chộp giựt", trốn thuế, nợ thuế...

Nhìn lại lịch sử, đầu thế kỷ XX, giai cấp tư sản Việt Nam vừa mới hình thành cũng đã nhanh chóng phân hóa thành hai lực lượng. Đó là tư sản mại bản và tư sản dân tộc. Trong đó, các cụ thuộc phe tư sản dân tộc ngay từ chặng đường đầu trong lịch sử đã thể hiện được ý thức dân tộc bằng những hành động thiết thực.

Thế mới thấy, dù ta hay Tây, từ cổ chí kim, đẳng cấp vẫn là mãi mãi. Không phải dễ mà xưng hai tiếng doanh nhân.

Thực chất của những nghĩa cử hướng tới cộng đồng không phải là “trách nhiệm” mà đó là những hoạt động kiến tạo giá trị nhân văn.

Hoàng Mạnh Hà

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/dang-cap-cua-doanh-nhan-khong-phai-sieu-xe-chan-dai-313598.html
Zalo