Đảng bộ xã Mường Khiêng lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế
Cùng với chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, Đảng bộ xã Mường Khiêng, huyện Thuận Châu tập trung lãnh đạo nhân dân khai thác tiềm năng, thế mạnh, phát triển kinh tế, tăng thu nhập, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo.
Bà Bạc Thị Bình, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Mường Khiêng, cho biết: Đảng bộ xã có hơn 350 đảng viên, sinh hoạt tại 31 chi bộ. Đảng ủy xã đã ban hành các nghị quyết chuyên đề phát triển kinh tế, đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Phân công các cấp ủy viên hằng tháng về dự sinh hoạt cùng chi bộ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, nhân dân, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp phù hợp trong chỉ đạo phát triển sản xuất.
Đối với các bản vùng thấp, xã hướng dẫn nhân dân chuyển đổi các diện tích trồng cây ngô năng suất thấp sang trồng các loại cây ăn quả; ở các bản vùng cao tập trung phát triển chăn nuôi gia súc; các bản dọc sông Đà, tận dụng diện tích mặt nước để nuôi cá lồng. Hằng năm, nhân dân gieo cấy hơn 300 ha lúa ruộng 2 vụ; trồng 1.000 ha sắn cao sản; chăm sóc hơn 380 ha cây ăn quả, chủ yếu là nhãn, xoài. Chăn nuôi hơn 12.000 con gia súc và gần 50.000 con gia cầm; trồng gần 100 ha cỏ phục vụ chăn nuôi. Khai thác 6.000 m2 mặt nước lòng hồ nuôi hơn 80 lồng cá; trồng và chăm sóc 104 ha rừng tại các bản Hốc, Pục Tứn và Sào Và. Đến nay, đã xây dựng được nhiều mô hình kinh tế tiêu biểu, cho thu nhập ổn định, như mô hình trồng cây ăn quả tại các bản Bon, Bố Cục và bản Kềm; nuôi cá lồng tại bản Huổi Pản...
Bên cạnh đó, xã Mường Khiêng còn tạo điều kiện cho các hộ dân được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất, với hơn 850 hộ được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với tổng dư nợ hơn 80 tỷ đồng. Phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho hơn 400 người đi lao động ngoài tỉnh, thu nhập bình quân từ 7-10 triệu đồng/người/tháng.
Chi bộ bản Bon, có 13 đảng viên, luôn phát huy tinh thần tiên phong “đi trước, làm trước” trong phát triển kinh tế, để nhân dân học tập và làm theo. Ông Quàng Văn Vóng, Bí thư chi bộ, Trưởng bản, cho biết: Các đảng viên đã chuyển đổi diện tích trồng ngô năng suất thấp sang trồng cây ăn quả, phát triển chăn nuôi hàng hóa, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất... Hiện nay, bản có 135 ha cây nhãn, xoài, sản lượng hơn 200 tấn/năm; canh tác 55 ha sắn, sản lượng 550 tấn/năm; khoanh nuôi, bảo vệ 65 ha rừng. Để giúp bà con tiêu thụ các sản phẩm cây ăn quả, Chi bộ và Ban quản lý bản còn tuyên truyền, vận động nhân dân liên kết thành lập HTX bản Bon.
Khai thác lợi thế vùng lòng hồ sông Đà, Chi bộ bản Huổi Pản đã tuyên truyền, vận động nhân dân nuôi cá lồng phát triển kinh tế; liên kết thành lập HTX, giúp nhiều hộ thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Anh Vì Văn Nghiêm, bản Huổi Pản, cho biết: Hiện nay, gia đình có 8 lồng cá, chủ yếu nuôi các loại cá trắm, lăng vàng, nheo, diêu hồng. Nguồn thức ăn cho cá chủ yếu sử dụng bột ngô, sắn, rau, lá chuối và cá tạp; cá lớn nhanh, thịt thơm, chắc, được nhiều người đặt mua. Mỗi năm, gia đình xuất bán 5-7 tấn cá, trừ các chi phí thu lãi hơn 400 triệu đồng.
Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ xã Mường Khiêng tập trung chỉ đạo duy trì và nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả; phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho nhân dân; khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, kinh tế tư nhân vào đầu tư trên địa bàn, tạo bước đột phá mới trong sản xuất để nâng cao đời sống nhân dân.