Đảng bộ tỉnh Tiền Giang: Những thành tựu to lớn qua 95 năm
Thực hiện chủ trương xã hội hóa với phương châm 'Nhà nước và nhân dân cùng làm', Đảng bộ tỉnh lãnh đạo đưa hoạt động xã hội hóa vào các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục - thể thao, khoa học - công nghệ và đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trong thu hút đầu tư cơ sở vật chất, nguồn lực từ trong nhân dân, giải quyết việc làm cho người lao động.
Các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương được kế thừa, phát huy góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa Việt Nam. Đồng thời, thực hiện có kết quả chương trình xóa đói giảm nghèo, chăm sóc đối tượng chính sách, gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, tạo được niềm tin trong nhân dân.
Đảng bộ tỉnh nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của hệ thống chính trị và có sự đổi mới trong xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương; nhất là trong lãnh đạo hệ thống chính trị vận hành theo cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”; Đảng vừa là bộ phận của hệ thống chính trị vừa là “hạt nhân” lãnh đạo hệ thống ấy hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp, pháp luật; đấu tranh chống các quan điểm đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, chống các quan điểm sai trái hòng phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng trong hệ thống chính trị; thông qua vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tạo sự đồng thuận trong nhân dân ngày càng tốt hơn; ban hành và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở với cơ chế “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, chính nhân dân vừa là người làm chủ xã hội, vừa là người làm chủ trực tiếp ở cơ sở thông qua các hình thức tự quản trong cộng đồng dân cư.
Hệ thống tổ chức Đảng luôn tự đổi mới và tự chỉnh đốn, củng cố và xây dựng tổ chức cơ sở đảng gắn với kiểm điểm đánh giá phân tích chất lượng đảng viên, tổ chức cơ sở đảng, xây dựng phong cách làm việc có chương trình, kế hoạch, lựa chọn các vấn đề trọng tâm, trọng điểm để đề ra nghị quyết chỉ đạo sát với thực tiễn.
Mối quan hệ giữa các cấp ủy Đảng với HĐND, UBND, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đổi mới theo hướng tạo điều kiện để phát huy vai trò của đoàn thể, Mặt trận chủ động trong hoạt động, Đảng không làm thay Nhà nước, đề cao vai trò quản lý nhà nước của các cấp chính quyền, thực hiện quản lý nhà nước bằng Hiến pháp và pháp luật.
Gần 40 năm lãnh đạo thực hiện sự nghiệp đổi mới, Đảng bộ và nhân dân Tiền Giang đạt nhiều thành tựu to lớn và có ý nghĩa quan trọng trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy vậy, tình hình kinh tế phát triển thiếu bền vững, nhiều vấn đề trên lĩnh vực văn hóa, xã hội… vẫn còn yếu kém, bức xúc chậm giải quyết.
Những yếu kém tồn tại đó đòi hỏi Đảng bộ Tiền Giang cần nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo toàn diện, tiếp tục phát huy thành tựu của 40 năm đổi mới để đến cuối năm 2025 đưa Tiền Giang tiến lên con đường phát triển nhanh, bền vững.
Việc xây dựng Đảng bộ vững mạnh về chính trị và tư tưởng đòi hỏi phải đưa ra chủ trương, quyết sách đúng cho từng giai đoạn, sự vận dụng sáng tạo đường lối quan điểm của Đảng phù hợp với địa phương. Xây dựng Đảng vững mạnh đòi hỏi phải tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động, phải chú trọng công tác giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhân dân.
Chính nhờ làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng nên trước những biến động phức tạp của tình hình thế giới và trong nước, Đảng bộ luôn vững vàng, không dao động, vượt qua khó khăn, thử thách và giữ vững vai trò lãnh đạo. Công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức trở thành nhiệm vụ then chốt, xuyên suốt quá trình lãnh đạo của Đảng, là điều kiện tiên quyết đảm bảo cho mọi thành công và có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Để xây dựng Đảng vững mạnh về tổ chức, Đảng bộ thực hiện nghiêm nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng; trong đó, lấy nguyên tắc tập trung dân chủ làm cơ bản; đồng thời, thực hiện nguyên tắc: Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tự phê bình và phê bình, kỷ luật nghiêm minh, tự giác…
Trong công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ luôn quan tâm xây dựng tổ chức cơ sở đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt. Đặc biệt là xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có đủ năng lực, tiếp nhận, vận dụng và thực hiện đường lối của Đảng. Lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ đứng đầu phải hết sức tránh sai sót, mạnh dạn đấu tranh với nạn tham nhũng, lãng phí, bè phái, quan liêu...
Việc rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đội ngũ cán bộ, đảng viên trung kiên, trong sáng, suốt đời phấn đấu hy sinh cho sự nghiệp cách mạng, có lối sống lành mạnh, gương mẫu sẽ có sức lôi cuốn, tập hợp nhân dân.
Việc giới thiệu đảng viên đương chức về chi bộ, khu phố và tham gia sinh hoạt với địa phương theo Quy định 213, ngày 2-1-2020 của Bộ Chính trị “về trách nhiệm của đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức Đảng và nhân dân nơi cư trú” được các cấp ủy quan tâm và phát huy tác dụng.
Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh phải luôn gắn liền với tự đổi mới, chỉnh đốn Đảng, nâng cao trí tuệ, bản lĩnh chính trị và năng lực lãnh đạo của cấp ủy, luôn giáo dục, đào tạo và bồi dưỡng về lý luận chính trị, trình độ văn hóa, nghiệp vụ… xây dựng đi đôi với bảo vệ Đảng.
Thường xuyên chăm lo xây dựng Đảng bộ vững mạnh, toàn diện cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức là vấn đề quyết định bảo đảm thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh Tiền Giang.
*
Đối với Đảng bộ tỉnh Tiền Giang, 95 năm qua luôn đoàn kết - thống nhất, ra sức đóng góp trí tuệ, công sức để bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, giữ vững tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Trên tinh thần đó, bước sang năm 2025, là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2020 - 2025, đồng thời là năm diễn ra Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 và có nhiều ngày lễ, ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước, Tiền Giang đề ra mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng và bền vững; tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng lấy phát triển thương mại - dịch vụ làm mũi nhọn, động lực thúc đẩy tăng trưởng; quan tâm phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ cao. Phát triển đô thị gắn với nâng cao chất lượng hạ tầng, mỹ quan theo hướng văn minh, hiện đại, thông minh và bền vững.
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính; làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Củng cố quốc phòng, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả cao.
Tập trung thực hiện Nghị quyết 18, ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm chi thường xuyên và góp phần cải cách chính sách tiền lương. Tiếp tục tập trung toàn lực thực hiện 3 đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đề ra, đó là đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế; đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Tất cả vì quê hương Tiền Giang phát triển, phồn vinh, hạnh phúc.
Hòa mình trong sắc Xuân Ất Tỵ năm 2025, mừng Đảng ta tròn 95 tuổi, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tiền Giang tiếp tục phát huy truyền thống của quê hương “Khởi nghĩa Nam kỳ”, “Ấp Bắc anh hùng” đoàn kết, sáng tạo, phát huy nội lực, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị, các chỉ tiêu của kế hoạch năm 2025, xây dựng Tiền Giang phát triển bền vững, giàu đẹp, hiện đại.