Đảng bộ tỉnh Quảng Trị - 95 năm truyền thống vẻ vang. Bài 3: Quảng Trị trong thời kỳ khởi nghĩa giành chính quyền (1939 - 1945)

Phát huy những thắng lợi đã đạt được trong các thời kỳ cách mạng (1930 - 1931; 1936 - 1939), dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, phong trào đấu tranh cách mạng của Nhân dân Quảng Trị thời kỳ 1939-1945 được chuyển sang giai đoạn mới, giai đoạn vận động tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân.

Di tích Miếu An Mỹ, xã Cam Tuyền- Địa điểm thành lập và làm việc của Ban khởi nghĩa huyện Cam Lộ trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 - Ảnh: Đ.T

Di tích Miếu An Mỹ, xã Cam Tuyền- Địa điểm thành lập và làm việc của Ban khởi nghĩa huyện Cam Lộ trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 - Ảnh: Đ.T

Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lãnh đạo cao trào cách mạng 1939 - 1945

Ngày 1/9/1939, phát xít Đức tiến công xâm lược Ba Lan, mở màn cuộc chiến tranh thế giới thứ hai. Ban Chấp hành Trung ương Đảng triệu tập hội nghị tại Bà Điểm (Hóc Môn, Gia Định) vào tháng 11/1939. Nghị quyết Hội nghị nêu rõ: Bước đường sinh tồn của các dân tộc Đông Dương không còn con đường nào khác hơn là con đường đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả ách ngoại xâm vô luận da trắng hay da vàng để tranh lấy giải phóng dân tộc... tất cả mọi vấn đề cách mệnh, cả vấn đề điền địa cũng phải nhằm vào cái mục đích ấy mà giải quyết.

Để tập trung lực lượng đánh đổ chính quyền thực dân và tay sai, hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Thống nhất Dân tộc Phản đế Đông Dương, dựa trên cơ sở liên minh công nông là hai lực lượng chính của cách mạng để đoàn kết tất cả các tầng lớp, các giai cấp, các dân tộc ở Đông Dương, chĩa mũi nhọn của cách mạng vào kẻ thù chủ yếu của dân tộc là chủ nghĩa đế quốc và tay sai của chúng.

Cuộc chiến tranh thế giới thứ hai ngày một lan rộng, tính chất ác liệt càng tăng. Trong tình hình đó, đồng chí Nguyễn Ái Quốc quyết định về nước, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Sau một thời gian nắm tình hình và chuẩn bị, từ ngày 10 đến 19/5/1941, Người triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Pắc Bó (Cao Bằng).

Nghị quyết của hội nghị nêu rõ: “Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”.

Tháng 5/1941, Tỉnh ủy mở hội nghị tại nhà đồng chí Trương Hoàn (núi Rau Khoai, Gio Linh). Hội nghị quyết định xuất bản tờ báo Cứu quốc, làm cơ quan tuyên truyền cổ động của Đảng bộ tỉnh.

Tháng 8/1941, Tỉnh ủy mở hội nghị tại nhà đồng chí Phạm Chít (làng An Nha, Gio Linh). Hội nghị quyết định chấn chỉnh Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, bổ sung các đồng chí Đoàn Thí, Bùi Trung Lập, Lê Thị Diệu Muội vào Tỉnh ủy. Tỉnh ủy cử đồng chí Trương Hoàn làm Bí thư Tỉnh ủy thay đồng chí Trần Văn Ngoạn đã bị địch bắt.

Cuối năm 1941, đầu năm 1942, Đảng bộ Quảng Trị đã tiến hành thành lập Ủy ban Việt Minh/Ủy ban vận động Việt Minh ở một số nơi, chuyển các hội Phản đế thành các hội Cứu quốc. Tỉnh ủy tổ chức in Tuyên ngôn của Việt Minh và phát hành rộng rãi khắp các phủ, huyện; thư của đồng chí Nguyễn Ái Quốc gửi đồng bào được in bằng hai thứ tiếng (Hán và Quốc ngữ) được gửi tận tay các vị nhân sĩ và đồng bào trong tỉnh.

Trước sự phát triển của phong trào cách mạng, chính quyền đế quốc, phong kiến tăng cường đàn áp, khủng bố, phong trào cách mạng trong tỉnh gặp nhiều khó khăn, tổn thất. Các đồng chí trong Xứ ủy Trung Kỳ và Tỉnh ủy lần lượt bị sa vào tay giặc. Cơ quan Xứ ủy bị vỡ, Xứ ủy không còn. Từ đầu năm 1944, cơ quan lãnh đạo của tỉnh không còn, phong trào cách mạng trong tỉnh tạm thời lắng xuống. Một số đảng viên, tổ chức cơ sở đảng và quần chúng cách mạng còn lại rải rác trên các địa bàn trong tỉnh vẫn giữ vững tinh thần cách mạng.

Giữa năm 1944, hai đồng chí Nguyễn Đức Thưởng và Trần Xuân Miên từ Thái Lan trở về cùng với một số đồng chí khác như Lê Thị Quế, Lê San, Nguyễn Hữu Khiếu... mãn hạn tù trở về địa phương tích cực hoạt động xây dựng lại phong trào cách mạng trong tỉnh.

Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lãnh đạo cao trào tổng khởi nghĩa giành chính quyền

Đêm 9/3/1945, quân đội Nhật nổ súng đồng loạt, lật đổ chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương. Quân Pháp chống cự yếu ớt một vài nơi rồi nhanh chóng đầu hàng. Ngày 12/3/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Đảng thống nhất đưa ra khẩu hiệu: “Đánh đuổi phát xít Nhật” thay cho khẩu hiệu: “Đánh đuổi Pháp - Nhật”.

Ngày 25/3/1945, Nhật mở cửa nhà lao Quảng Trị, 80 cựu tù chính trị được trả tự do, trở về các nơi trong tỉnh. Việc Nhật mở cửa nhà lao trên thực tế đối với Quảng Trị lúc này là một thuận lợi rất lớn. Lực lượng cán bộ, đảng viên lãnh đạo cốt cán được bổ sung, sau khi trở về đã móc nối được với cán bộ, đảng viên và cơ sở cũ ở các địa bàn phổ biến chủ trương của Đảng trong việc đối phó với phát xít Nhật, nhiệm vụ của mỗi cán bộ, đảng viên trong việc chắp nối lại cơ sở, xây dựng lực lượng cách mạng, chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.

Tháng 4/1945, các đồng chí Nguyễn Đức Thưởng, Trần Xuân Miên tổ chức triệu tập cuộc họp tại Liêm Công Đông (Vĩnh Linh). Hội nghị đã thành lập lại Tỉnh ủy lâm thời, đồng chí Bùi Trung Lập được cử làm Bí thư. Tháng 6/1945, Tỉnh ủy lâm thời triệu tập hội nghị tại nhà ông Nguyễn Thược, ở Liêm Công Đông (Vĩnh Linh) để nghiên cứu, quán triệt Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”.

Chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn cuối cùng. Ngày 13/8, được tin Nhật đầu hàng Đồng minh, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh đã thành lập ngay Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc. 23 giờ cùng ngày, Ủy ban chỉ huy lâm thời Khu giải phóng công bố mệnh lệnh khởi nghĩa.

Tại Quảng Trị, ngày 18/8/1945, Hội nghị toàn tỉnh được triệu tập tại làng Phước Lễ (Triệu Phong) nhằm thống nhất lực lượng cách mạng trong tỉnh và bàn việc khởi nghĩa. Hội nghị quyết định tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh dự định từ ngày 21/8 đến ngày 25/8/1945. Hội nghị thống nhất cử ngay Ủy ban khởi nghĩa của tỉnh để lãnh đạo cuộc khởi nghĩa trong tỉnh sắp tới. Hội nghị đã bầu các đồng chí Trần Hữu Dực, Đặng Thí, Hoàng Thị Ái, Lê Vụ và Nguyễn Hữu Khiếu vào Ủy ban khởi nghĩa tỉnh.

Tối ngày 22/8/1945, các đơn vị vũ trang làm nhiệm vụ chiếm thị xã tỉnh lỵ đã đến tập kết tại các địa điểm sát thị xã, sẵn sàng chờ lệnh. 1 giờ sáng ngày 23/8/1945, theo lệnh của Ủy ban khởi nghĩa, các đơn vị tự vệ chiến đấu làm nhiệm vụ chiếm đóng và dự bị đều đột nhập nội thị, chiếm lĩnh tất cả các vị trí đã được phân công từ trước.

5 giờ sáng ngày 23/8/1945, thay mặt Ủy ban khởi nghĩa tỉnh, đồng chí Trần Hữu Dực lên tầng trên dinh tỉnh trưởng (tức tòa công sứ Pháp cũ) hạ cờ “quẻ ly” xuống, treo cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc Việt Nam lên. Ở cột cờ trước hành cung trong thành, đồng chí Dương Đậu cùng một số tự vệ chiến đấu đã được giao nhiệm vụ trước cũng hạ cờ vàng xuống, kéo cờ cách mạng lên, báo hiệu chế độ phong kiến hàng ngàn năm thống trị Nhân dân ta chấm dứt. Cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở thị xã tỉnh lỵ Quảng Trị kết thúc thắng lợi.

Đến ngày 25/8/1945, tổng khởi nghĩa giành chính quyền giành thắng lợi trong toàn tỉnh: Triệu Phong (23/8/1945), Hải Lăng (23/8/1945), Gio Linh (23/8/1945), Vĩnh Linh (23/8/1945), Đông Hà (25/8/1945), Hướng Hóa (25/8/1945).

Khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân trong toàn tỉnh đến ngày 25/8/1945 đã kết thúc thắng lợi. Khởi nghĩa thắng lợi ở Quảng Trị càng chứng minh đường lối đúng đắn của Đảng ta và Lãnh tụ Hồ Chí Minh về con đường giải phóng dân tộc là đem sức ta mà tự giải phóng cho ta; khẳng định Đảng bộ tỉnh Quảng Trị đã vận dụng đúng đắn và sáng tạo đường lối khởi nghĩa của Đảng vào điều kiện cụ thể của địa phương.

Nhân dân Quảng Trị cùng cả nước đã là chủ nhân của nước Việt Nam độc lập, kết thúc vẻ vang 15 năm đấu tranh anh dũng, kiên cường giành quyền tự chủ dưới sự lãnh đạo của Đảng, lập nên Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Thu Hà - Châu Minh

Bài 4: Quảng Trị trong đấu tranh chống thù trong, giặc ngoài, chuẩn bị kháng chiến lâu dài (1945-1946)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/dang-bo-tinh-quang-tri-95-nam-truyen-thong-ve-vang-bai-3-quang-tri-trong-thoi-ky-khoi-nghia-gianh-chinh-quyen-1939-1945-191105.htm
Zalo