Đảng bộ tỉnh Quảng Trị - 95 năm truyền thống vẻ vang. Bài 10: Quảng Trị trong thời kỳ hợp nhất tỉnh Bình Trị Thiên (1976 - 1989)

Sau ngày thống nhất đất nước năm 1975, để phù hợp với yêu cầu xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ quyết định hợp nhất ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và khu vực Vĩnh Linh thành tỉnh Bình Trị Thiên. Ngày 6/3/1976, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Quyết định số 2603-QĐNS/TW chỉ định Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Trị Thiên gồm 39 ủy viên chính thức. Đồng chí Nguyễn Hữu Khiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng làm Bí thư Tỉnh ủy, các đồng chí Bùi San, Nguyễn Húng, Cổ Kim Thành làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.

Từ đầu tháng 4, các cơ quan Đảng, chính quyền tỉnh Bình Trị Thiên làm việc tại thành phố Huế, trung tâm tỉnh lỵ.

Tháng 9/1976, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra Thông báo số 2573-TBNS/TW chỉ định đồng chí Bùi San, Quyền Bí thư Tỉnh ủy làm Bí thư Tỉnh ủy Bình Trị Thiên thay đồng chí Nguyễn Hữu Khiếu nhận công tác khác. Đồng chí Nguyễn Húng được cử làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thay đồng chí Bùi San.

Sơ đồ thể hiện hệ thống thủy nông Nam Thạch Hãn. Đây là công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Bình Trị Thiên được khởi công xây dựng tháng 3/1977 trên địa bàn Quảng Trị -Ảnh: Đ.T

Sơ đồ thể hiện hệ thống thủy nông Nam Thạch Hãn. Đây là công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Bình Trị Thiên được khởi công xây dựng tháng 3/1977 trên địa bàn Quảng Trị -Ảnh: Đ.T

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Trị Thiên lần thứ I, nhiệm kỳ 1976 - 1980

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Trị Thiên lần thứ I (vòng 1) họp từ ngày 11/11/1976 đến ngày 23/11/1976, có 600 đại biểu, thay mặt 49.372 đảng viên trong tỉnh về dự đại hội. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Trị Thiên lần thứ I, (vòng 2) diễn ra từ ngày 19/5/1977 đến ngày 23/5/1977.

Đại hội đã thông qua Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch trong những năm 1977-1980; phương hướng, nhiệm vụ, chỉ tiêu, biện pháp cụ thể trong hai năm 1977-1978; phương hướng, nhiệm vụ xây dựng Đảng. Nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ trong giai đoạn cách mạng mới, trọng tâm là tập trung sức giải quyết vấn đề lương thực, tăng nhanh hàng tiêu dùng ở địa phương, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 39 đồng chí. Đồng chí Bùi San, Ủy viên Trung ương Đảng được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Trị Thiên lần thứ II

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Trị Thiên lần thứ II tiến hành tại thành phố Huế từ ngày 6/1/1981 đến ngày 11/1/1981. Tham dự đại hội có 346 đại biểu, thay mặt hơn 5 vạn đảng viên toàn Đảng bộ. Đại hội tập trung thảo luận báo cáo tổng kết sự lãnh đạo của Đảng bộ và tình hình của tỉnh trong 5 năm 1976-1980 và nhiệm vụ trước mắt trong hai năm 1981-1982.

Đại hội thông qua Nghị quyết xác định phương hướng, nhiệm vụ chung cho những năm tới và chủ trương công tác, biện pháp thực hiện trong hai năm 1981-1982. Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ gồm 45 ủy viên chính thức và 2 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Bùi San được bầu lại giữ chức Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Thái Bá Nhiệm và đồng chí Vũ Thắng được bầu giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Trị Thiên lần thứ III

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Trị Thiên lần thứ III (vòng 1) diễn ra từ ngày 12/1 đến 19/1/1982. Tham dự đại hội có 422 đại biểu chính thức thay mặt cho 51.443 đảng viên toàn Đảng bộ. Đại hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ của tỉnh từ năm 1983 đến năm 1985, đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống xảy ra chiến tranh, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; nỗ lực xây dựng Bình Trị Thiên thành một tỉnh giàu về kinh tế, vững về chính trị, mạnh về quốc phòng và an ninh, đẹp về văn hóa và du lịch.

Ngày 27/1/1983, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Trị Thiên lần thứ III (vòng 2) chính thức khai mạc. Đại hội thông qua báo cáo tình hình nhiệm vụ chung và báo cáo về xây dựng Đảng của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Đại hội bầu Ban Chấp hành gồm 45 ủy viên chính thức và 2 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Vũ Thắng được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Thái Bá Nhiệm và đồng chí Nguyễn Văn Lương được bầu giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Trị Thiên lần thứ IV

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Trị Thiên lần thứ IV được tiến hành từ ngày 21/10/1986 đến ngày 26/10/1986. Dự đại hội có 457 đại biểu, thay mặt cho hơn 6 vạn đảng viên thuộc 1.234 chi bộ, đảng bộ cơ sở ở 38 đảng bộ huyện, thành, thị và các cơ quan trực thuộc trong toàn tỉnh.

Đại hội tập trung thảo luận Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ III. Đại hội đề ra nhiệm vụ, mục tiêu của tỉnh trong thời kỳ 1986-1990 là phát triển mạnh mẽ, vững chắc, toàn diện nông nghiệp; ra sức phát huy vai trò của công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, đẩy mạnh xuất nhập khẩu gắn với sản xuất công - nông nghiệp; củng cố và không ngừng hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thúc đẩy sản xuất phát triển.

Huy động mọi nguồn lực tập trung xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật; cải tiến mạnh mẽ các hoạt động phân phối lưu thông; tăng cường hợp tác kinh tế, hạn chế tỉ lệ tăng dân số; đẩy mạnh các hoạt động văn hóa - xã hội, xây dựng nền văn hóa mới, con người mới xã hội chủ nghĩa; tăng cường công tác quốc phòng- an ninh.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa IV) gồm 45 ủy viên chính thức và 14 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Vũ Thắng được bầu lại giữ chức Bí thư Tỉnh ủy. Hai đồng chí Thái Bá Nhiệm và Nguyễn Văn Lương được bầu lại giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy.

Giai đoạn hợp nhất với Đảng bộ tỉnh Bình Trị Thiên 1976-1989, địa bàn Quảng Trị đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực

Trong nông nghiệp, cơ cấu cây trồng tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, diện tích cây công nghiệp và cây có giá trị xuất khẩu chiếm tỉ trọng 11,7%, tăng 16% so với năm 1986. Chăn nuôi phát triển khá: đàn bò tăng 9,9% (địa bàn Quảng Trị có 54.623 con), đàn trâu tăng 2,5% (địa bàn Quảng Trị có 24.761 con), đàn lợn tăng 2,9% (địa bàn Quảng Trị có 142.947 con).

Năm 1987 đánh bắt 18.000 tấn hải sản. Xuất khẩu hải sản đông lạnh đạt 545 tấn, giá trị hải sản xuất khẩu 2,7 triệu rúp-đô la, tăng 58% so với năm 1986, đạt 135% kế hoạch. Giá trị công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp cả năm đạt trên 2,15 tỉ đồng tăng 17,6% so với năm 1986.

Đưa máy cày phục vụ khai hoang nhiều diện tích đất vùng ven thị xã Đông Hà thời điểm 1988 - Ảnh: Đ.T

Đưa máy cày phục vụ khai hoang nhiều diện tích đất vùng ven thị xã Đông Hà thời điểm 1988 - Ảnh: Đ.T

Xây dựng cơ bản đạt 3,5 tỉ đồng (địa bàn Quảng Trị đạt 487,5 triệu đồng). Thực hiện chủ trương sắp xếp và cơ cấu lại vốn đầu tư, tỉnh đã đưa vào sử dụng 25 công trình.

Trên lĩnh vực thương nghiệp, tổng doanh số mua vào đạt 10,5 tỉ đồng, bán ra là 11,4 tỉ đồng. Xuất khẩu đạt 18,2 triệu rúp-đô la, trong đó hàng nông sản là 4,5 triệu, hàng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp 5,3 triệu rúp- đô la.

Tổng thu ngân sách địa phương đạt 6 tỉ đồng, vượt 28,9% kế hoạch. Tổng thu tiền mặt là 15,23 tỉ đồng, bội chi tiền mặt là 1,1 tỉ đồng, giảm so với trước.

Trên mặt trận quốc phòng - an ninh, tỉnh Bình Trị Thiên luôn là địa bàn mà các thế lực phản động nước ngoài qua Thái Lan và từ Lào xâm nhập về Việt Nam. Điển hình là lực lượng phản động do Hoàng Cơ Minh cầm đầu. Nhờ sự cảnh giác và kịp thời phát hiện của Nhân dân, sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng trong tỉnh và Nhân dân tỉnh Savannakhet (Lào), các toán xâm nhập do Hoàng Cơ Minh cầm đầu đã bị đập tan.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, Nhân dân Quảng Trị nâng cao tinh thần cảnh giác, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, giữ vững đất liền, biển, đảo, góp phần ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Về văn hóa, xã hội, trong điều kiện chuyển từ chế độ bao cấp sang hạch toán kinh doanh, bước đầu gặp nhiều khó khăn, nhưng các ngành, các cấp vẫn cố gắng vươn lên đáp ứng nhu cầu về đời sống tinh thần của Nhân dân. Các địa phương trong tỉnh phối hợp với ngành giáo dục chăm lo xây dựng cơ sở vật chất, trường lớp cho học sinh.

Năm học 1988-1989, toàn tỉnh huy động trên 300 triệu đồng xây mới hơn 200 phòng học. Số cháu vào nhà trẻ, mẫu giáo tăng nhanh, toàn tỉnh có 6,4 vạn cháu mẫu giáo (địa bàn Quảng Trị có 12.814 cháu). Tổng số học sinh phổ thông 36,6 vạn em (địa bàn Quảng Trị có 89.026 em). Chất lượng giáo dục được nâng lên. Tuy vậy, hiện tượng học sinh bỏ học còn diễn ra phổ biến.

Ngày 12/12/1988, Thường vụ Tỉnh ủy ra Chỉ thị số 33-CT/TV về việc tổ chức lao động sang làm việc ở Magilốp (Liên Xô), đến tháng 4/1989 đã đưa sang nước bạn 1.500 người nhằm giải quyết một phần việc làm cho thanh niên, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai tỉnh và hai nước.

Công tác xây dựng Đảng được tăng cường theo tinh thần Nghị quyết số 05-CT/TW của Ban Chấp hành Trung ương. Cuộc vận động làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của tổ chức đảng, làm trong sạch và nâng cao hiệu lực quản lý của bộ máy nhà nước, làm lành mạnh các quan hệ xã hội được triển khai, góp phần nâng cao ý chí, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên. Công tác phát triển đảng viên được quan tâm theo hướng trẻ hóa đội ngũ. Năm 1988, số đảng viên mới kết nạp trên 1.000 đồng chí, nâng tổng số đảng viên toàn tỉnh lên trên 67.000 đồng chí.

Ngày 14/4/1989, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 86-QĐ/TW về chia tỉnh Bình Trị Thiên và ngày 8/5/1989, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 87-QĐ/TW về chia tỉnh Bình Trị Thiên thành 3 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

Thu Hà - Châu Minh

Bài 11: Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lập lại, lãnh đạo Nhân dân tiếp tục thực hiện hiệu quả đường lối đổi mới của Đảng (1989-2000)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/dang-bo-tinh-quang-tri-95-nam-truyen-thong-ve-vang-bai-10-quang-tri-trong-thoi-ky-hop-nhat-tinh-binh-tri-thien-1976-1989-191301.htm
Zalo