Đảng bộ thành phố mang tên Bác, vì cả nước, cùng cả nước vươn lên tầm cao mới

95 năm vững bước dưới cờ Đảng quang vinh, Đảng bộ Sài Gòn, Đảng bộ Chợ Lớn và Đảng bộ Gia Định (nay là TPHCM) là một trong những đảng bộ ra đời sớm nhất cả nước (tháng 2-1930). Trải qua 95 mùa xuân, với trí tuệ, bản lĩnh và nghị lực kiên cường; với tinh thần chủ động, sáng tạo, bằng ý thức đoàn kết, gắn bó máu thịt với nhân dân, được nhân dân tin yêu, ủng hộ và bảo vệ, Đảng bộ thành phố Anh hùng đã lãnh đạo nhân dân thành phố đạt được nhiều thành tựu to lớn, nổi bật.

Gắn bó mật thiết với nhân dân

Thuở đầu, Sài Gòn là nơi Trung ương Đảng đặt trụ sở đầu tiên chỉ đạo phong trào cả nước. Từ năm 1930 đến 1939, đã có 5 lần Hội nghị Trung ương họp ở Bà Điểm - mười tám thôn Vườn Trầu, Hóc Môn, là nơi Trung ương Đảng và các lãnh đạo cao cấp của Đảng (các đồng chí Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai…) bám trụ hoạt động, lãnh đạo cách mạng cả nước.

Những năm đấu tranh dân sinh dân chủ (1936-1939), Sài Gòn là nơi khởi xướng và lan truyền các “Ủy ban hành động” vận động cho “Đại hội Đông Dương” cùng các hoạt động làm sôi động thành phố như báo chí, nghị trường, bãi công, bãi thị, bãi khóa… Đặc biệt, Sài Gòn cũng là nơi nhen nhóm và chuẩn bị ráo riết, rồi bùng nổ một cuộc khởi nghĩa toàn Xứ lần đầu tiên - Khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940, có quy mô rộng lớn nhất do Đảng lãnh đạo trước cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định lại nổ súng mở màn cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ 2, chỉ sau 29 ngày được tự do ngắn ngủi, mở đầu cho cuộc kháng chiến cả nước và kéo dài 30 năm, kết thúc bằng Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, cùng cả nước, Đảng bộ và đồng bào thành phố đã dũng cảm chịu đựng gian khổ, hy sinh, đứng vững ở tuyến đầu chiến đấu, là tiêu điểm của nhiều cao trào đi đến Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Sự chủ động, sáng tạo của Đảng bộ và nhân dân thành phố thể hiện qua việc xây dựng lực lượng, xây dựng căn cứ địa cách mạng, “căn cứ lõm” ngay trong lòng địch, “vành đai đỏ”, hệ thống địa đạo, chiến khu, cách đánh biệt động “xuất quỷ nhập thần”, các cuộc xuống đường đấu tranh rầm rộ… Trong mỗi chiến công của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định có máu xương, công sức và trí tuệ của chiến sĩ, đồng bào khắp mọi miền đất nước.

Trong 95 năm lịch sử ấy, đã có 45 năm (1930-1975), Đảng bộ TPHCM được trui rèn, thử thách trong chiến tranh, “đứng ở đầu sóng ngọn gió” với biết bao gian lao, cam go, ác liệt ở chiến trường vốn là trung tâm đầu não, sào huyệt của kẻ thù, đã vun bồi, tôn tạo nên tinh thần kiên trung, bất khuất. Và có 49 năm (1975-2024) phải đối mặt với muôn vàn vấn đề mới mẻ, đầy gian nan, phức tạp, dịch bệnh khó khăn, đã không ngừng “vượt lên chính mình”, tìm con đường phát triển phù hợp, góp phần tạo tiền đề đổi mới, trở thành đô thị đặc biệt, giữ vị trí đầu tàu trong quá trình phát triển của đất nước.

Thành tựu đó đã tạo nên bản lĩnh chính trị tự lực tự cường, năng động, sáng tạo của Đảng bộ thành phố mang tên Bác Hồ vĩ đại. Thành phố cũng đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng các danh hiệu cao quý: Thành phố Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, được 2 lần tặng Huân chương Sao vàng…

Góp thêm tư liệu thực tiễn sinh động để hình thành đường lối đổi mới

Trong suốt những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm đến TPHCM và có nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của TPHCM với vai trò là trung tâm kinh tế lớn nhất và là một đầu tàu tăng trưởng của cả nước.

Trong đó, Bộ Chính trị đã ban hành 4 Nghị quyết về phát triển TPHCM (các Nghị quyết 01-NQ/TW năm 1982, Nghị quyết 20-NQ/TW năm 2002, Nghị quyết 16-NQ/TW năm 2012 và Nghị quyết 31-NQ/TW năm 2022); đồng thời ban hành 2 Nghị quyết và 1 Kết luận về phát triển vùng Đông Nam bộ với trung tâm là TPHCM (Nghị quyết 53-NQ/TW năm 2005, Kết luận 27-KL/TW năm 2012 và Nghị quyết 24-NQ/TW năm 2022).

Tại các Nghị quyết, Kết luận nêu trên, đặc biệt là Nghị quyết 24-NQ/TW và Nghị quyết 31-NQ/TW, Bộ Chính trị đều xác định TPHCM phải tiếp tục giữ vững vai trò là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, có vị trí chính trị quan trọng, có sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam…

Từ những định hướng chiến lược quan trọng này, với sự nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố, nhìn lại 50 năm sau ngày giải phóng, chúng ta càng tự hào về những thành tựu quan trọng, to lớn, có ý nghĩa lịch sử, những kinh nghiệm quý báu trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế của thành phố mang tên Bác.

Từ lịch sử 95 năm hoạt động phong phú của mình, Đảng bộ TPHCM đúc kết một số kinh nghiệm vận dụng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển thành phố; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa:

Một là, luôn quán triệt, nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, nắm vững quy luật khách quan và từ thực tiễn, bám sát thực tiễn sinh động luôn thay đổi không ngừng trong bối cảnh mới của thế giới, khu vực và đất nước; từ đó vận dụng một cách năng động, sáng tạo, phù hợp vào hoàn cảnh cụ thể và điều kiện đặc thù của thành phố.

Hai là, luôn luôn đổi mới tư duy, vun đắp và chăm chút từng kết quả nhỏ trong mọi lĩnh vực để tạo ra các mô hình mới, cách làm hay góp phần làm sáng tỏ con đường đang đi, đồng thời góp phần tích cực vào việc hình thành đường lối đổi mới của Đảng.

Ba là, kinh nghiệm về phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị; truyền thống cách mạng kiên cường, phấn đấu bền bỉ, năng động sáng tạo của Đảng bộ và Nhân dân thành phố trong thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, luôn chú trọng ổn định chính trị, tư tưởng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trước những biến động, khó khăn của thành phố.

Bốn là, phải luôn chú trọng đến công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, nhất là đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài, năng động, tạo sự thống nhất cao về tư tưởng và hành động trong Đảng bộ để thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết của Đảng. Luôn khẳng định sức mạnh của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ thành phố được bắt nguồn và nhân lên từ sức mạnh của Nhân dân. Củng cố, bồi dưỡng quan hệ mật thiết giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị, trước hết là mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Nhân dân, là vấn đề trọng đại, cấp thiết, có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển TPHCM.

95 năm dưới cờ Đảng Cộng sản Việt Nam vinh quang, với tinh thần “Vì cả nước, Cùng cả nước”, Đảng bộ và Nhân dân TPHCM luôn phát huy tính năng động, sáng tạo, trí tuệ, tâm huyết, tiềm lực của nhân dân, mạnh dạn đề xuất thí điểm đối với những vấn đề mới phát sinh mà thực tiễn đặt ra, tạo ra những mốc son, nhiều mô hình mới, góp thêm tư liệu thực tiễn sinh động để hình thành đường lối đổi mới và thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, đóng góp ngày càng nhiều cho đất nước, xứng đáng là đầu tàu, động lực thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước, như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định: “TPHCM có bề dày lịch sử và truyền thống cách mạng vẻ vang. Những cống hiến của thành phố cho đất nước, cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc là rất to lớn”. Truyền thống ấy sẽ mãi mãi được thành phố - thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu - thành phố Anh hùng giữ gìn, vun đắp và phát huy mạnh mẽ hơn nữa trong chặng đường cùng đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

PHAN NGUYỄN NHƯ KHUÊ,

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dang-bo-thanh-pho-mang-ten-bac-vi-ca-nuoc-cung-ca-nuoc-vuon-len-tam-cao-moi-post780292.html
Zalo