Đảng bộ Cục Công nghiệp: Gắn kết sức mạnh chính trị với đột phá công nghiệp

Đảng bộ Cục Công nghiệp phát huy vai trò hạt nhân chính trị, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển công nghiệp nền tảng, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo.

Sáng 16/7, tại Hà Nội, Phiên chính thức Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Công Thương lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2025 - 2030 đã diễn ra. Tại Đại hội, ông Trần Việt Hòa, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Công nghiệp đã trình bày tham luận với chủ đề “Vai trò của cấp ủy trong việc thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị gắn với nhiệm vụ ngành Công Thương”.

Định vị chuỗi giá trị toàn cầu

Về công tác tuyên truyền, phổ biến và quán triệt Nghị quyết 23, ông Trần Việt Hòa cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của Nghị quyết, Đảng ủy Cục Công nghiệp đã tham mưu, báo cáo Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương chỉ đạo nghiên cứu, học tập và quán triệt Nghị quyết 23 một cách sâu rộng tới toàn thể cán bộ, đảng viên các đơn vị thuộc Bộ nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, nhiệm vụ của Bộ Công Thương và ngành Công Thương nói chung đối với việc thúc đẩy phát triển công nghiệp quốc gia trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Ông Trần Việt Hòa, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Công nghiệp trình bày tham luận tại Đại hội

Ông Trần Việt Hòa, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Công nghiệp trình bày tham luận tại Đại hội

Hàng năm, Ban Cán sự đảng và Lãnh đạo Bộ Công Thương chỉ đạo lồng ghép, gắn kết chặt chẽ việc xây dựng kế hoạch công tác của các đơn vị trong ngành với việc triển khai thực hiện Nghị quyết 23, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu đề ra”, ông Trần Việt Hòa nhấn mạnh.

Đảng ủy Cục Công nghiệp đã xây dựng, trình Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương ban hành Kế hoạch số 18-KH/BCSĐ ngày 10/11/2020 triển khai thực hiện Nghị quyết số 23 và trình Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23 tại Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 3/9/2020 với những mục tiêu cụ thể như sau:

Mục tiêu tổng quát, đến năm 2030, Việt Nam hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực ASEAN về công nghiệp, trong đó một số ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tỷ trọng công nghiệp trong GDP đạt trên 40%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 30%, trong đó công nghiệp chế tạo đạt trên 20%; tỷ trọng giá trị công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 45%.

Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân trên 8,5%/năm, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt bình quân trên 10%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động công nghiệp đạt bình quân 7,5%/năm; chỉ số hiệu suất cạnh tranh công nghiệp (CIP) nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu khu ASEAN.

Ngoài ra, tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ đạt trên 70%; xây dựng được một số cụm liên kết ngành công nghiệp, doanh nghiệp công nghiệp trong nước có quy mô lớn, đa quốc gia, có năng lực cạnh tranh quốc tế.

Thông tin thêm, Cục trưởng Trần Việt Hòa cho hay, Cục Công nghiệp hiện đang chủ trì nghiên cứu, xây dựng dự thảo Luật Sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm, là các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ưu tiên và công nghiệp mũi nhọn; xác định nguồn lực trong nước là cơ bản, chiến lược, lâu dài và quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá; doanh nghiệp trong nước (bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân) là động lực chính, chủ đạo; doanh nghiệp FDI có vai trò quan trọng, đột phá theo định hướng tại Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương.

Bên cạnh đó, trong thời gian qua, Cục chủ trì/phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất, xây dựng và triển khai thực thi có hiệu quả hệ thống chính sách, pháp luật thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên. Cụ thể:

Ngành cơ khí, Bộ Công Thương đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 15/3/2018 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 với mục tiêu nâng cao năng lực tự chủ, tự cường sản xuất các sản phẩm cơ khí. Quyết định số 319/QĐ-TTg cũng ban hành danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm từ năm 2017 đến năm 2025. Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho ngành cơ khí trong thời gian tới sẽ dựa trên cơ sở danh mục này.

Toàn cảnh Đại hội

Toàn cảnh Đại hội

Ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, các nghị định về biểu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (mới nhất là Nghị định số 26/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023 của Chính phủ) đã quy định về Chương trình ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu (0%) cho linh kiện nhập khẩu phục vụ sản xuất lắp ráp ô tô trong nước (bao gồm cả các dòng xe truyền thống và các dòng xe thân thiện với môi trường thế hệ mới) kèm theo điều kiện nếu các doanh nghiệp đạt được sản lượng tối thiểu, tiêu chuẩn tiêu thụ nhiên liệu… theo quy định; và thuế suất thuế nhập khẩu (0%) đối với vật tư, nguyên vật liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho ô tô.

Ngành sản xuất linh kiện, phụ kiện cho ngành ô tô cũng được Chính phủ quy định thuộc danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển (tại Nghị định số 111/2015/NĐ-CP), do đó cũng sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho ngành công nghiệp hỗ trợ theo quy định của pháp luật.

Bộ Công Thương đang hoàn thiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trong thời kỳ mới, giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (thay thế Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 16/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ) để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Đây là tiền đề và cơ sở để triển khai lộ trình chuyển đổi trong ngành sản xuất, lắp ráp ôtô theo các xu hướng mới trên thế giới và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, thị hiếu người tiêu dùng trong nước trong thời gian tới.

Phiên chính thức Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Công Thương lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2025 - 2030 đã diễn ra sáng 16/7.

Phiên chính thức Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Công Thương lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2025 - 2030 đã diễn ra sáng 16/7.

Ngành khoáng sản, luyện kim triển khai định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia tại Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 3/9/2020, đối với ngành khoáng sản, Cục Công nghiệp đã tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành: Điều kiện về kinh doanh khoáng sản quy định tại Nghị định số 17/2024/NĐ-CP ngày 5/2/2025 và các Thông tư số 23/2021/TT-BCT ngày 15/12/2021 quy định về danh mục chủng loại, tiêu chuẩn chất lượng khoáng sản xuất khẩu do Bộ Công Thương quản lý, Thông tư số 45/2023/TT-BCT ngày 29/12/2023 sửa đổi Thông tư số 23/2021/TT-BCT ngày 15/12/2021…

Ngành dệt may, da giày, Cục Công nghiệp đã tham mưu Bộ trưởng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1643/QĐ-TTg ngày 29/12/2022 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035.

Về công nghiệp hỗ trợ, Cục trưởng Trần Việt Hòa thông tin, Cục Công nghiệp đã tham mưu Bộ trưởng trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 6/8/2020 về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Bộ Công Thương cũng xây dựng, trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 3/11/2015 về phát triển công nghiệp hỗ trợ, theo đó, bổ sung các chính sách hỗ trợ thiết thực hơn cho các doanh nghiệp để nâng cao hơn nữa khả năng tiếp cận các nguồn lực sản xuất, cải tiến năng lực cạnh tranh, năng lực sản xuất của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước.

Tăng cường giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Cùng với các hoạt động nêu trên, Bộ Công Thương (Cục Công nghiệp) đang triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ theo Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2016 - 2025 được phê duyệt tại Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp nâng cao, cải tiến năng lực, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Thông tin thêm về kết quả xây dựng và triển khai chính sách phát triển doanh nghiệp công nghiệp, ông Trần Việt Hòa cho biết, thông qua việc triển khai thực hiện Quyết định số 68/QĐ-TTg, từ năm 2018 - 2025, Bộ Công Thương (Cục Công nghiệp) đã hỗ trợ doanh nghiệp tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu với những kết quả nổi bật như sau: 5 bộ công cụ/tiêu chí đánh giá năng lực doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ; 86 hội thảo với hơn 33.941 đại biểu tham dự; 12 hội chợ, triển lãm, diễn đàn công nghiệp và 24 chương trình kết nối, xúc tiến thương mại giúp doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với 1.363 doanh nghiệp tham gia.

437 khóa đào tạo với nhiều nội dung và loại hình; 2.019 lượt doanh nghiệp được hỗ trợ tham gia các khóa đào tạo; 694 doanh nghiệp được tư vấn, hỗ trợ đạt chứng nhận, chứng chỉ hoặc áp dụng mô hình mới; 32.985 sách, tài liệu, ấn phẩm về công nghiệp hỗ trợ đã được xuất bản, cung cấp nhiều thông tin về ngành…”, Cục trưởng Cục Công nghiệp thông tin.

Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Công Thương lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2025 - 2030 là sự kiện chính trị quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới trong công tác xây dựng Đảng và tăng cường vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng trong việc triển khai các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của Bộ Công Thương và toàn ngành nói chung.

Thanh Bình

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dang-bo-cuc-cong-nghiep-gan-ket-suc-manh-chinh-tri-voi-dot-pha-cong-nghiep-410768.html
Zalo